Kinh tế xã hội
Ẩn họa từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan
10:11, 15/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Điều kiện môi trường thay đổi, sâu bệnh ngày càng nhiều khiến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, thay vì diệt trừ sâu bệnh, sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng có thể bị đe dọa.
Nguy cơ độc hại cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên các vùng sản xuất nông nghiệp, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của bà con nông dân trên các loại cây trồng đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải thuốc BVTV ở nhiều vùng nông thôn hiện đã đến mức báo động. Người nông dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thường có thói quen vứt vỏ chai, bao bì tuỳ tiện ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ; một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt.
Lượng thuốc BVTV được phun ra đồng cùng với một số còn tồn đọng lại trong chai, bao bì là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sức khoẻ của con người. Không chỉ vậy, những loại thuốc có vỏ đựng là chai, lọ thủy tinh, nhôm lại tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi làm ruộng, vì khi giẫm phải sẽ mang tính sát thương, nhiễm trùng rất cao.
Việc sử dụng thuốc BVTV chưa khoa học, không tuân thủ các quy tắc trong cách sử dụng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Đồng thời, tác hại từ rác thải thuốc BVTV đến môi trường là không hề nhỏ. Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí dẫn đến ngất xỉu cho người trực tiếp phun thuốc, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt.
Do nhận thức hạn chế, không ít nông dân sử dụng thuốc BVTV một cách tràn lan |
Nông dân cần ý thức thu gom rác thải từ thuốc BVTV
Trước nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng, lượng rác thải cũng ngày càng nhiều, việc tập trung xử lý rác thải độc hại từ thuốc BVTV trở thành vấn đề bức xúc. Để thu gom và tiêu hủy rác thải, Chi cục BVTV tỉnh đã có biện pháp thu hồi vỏ các chai, lọ thuốc BVTV bằng cách xây dựng các hố rác tập trung trên các cánh đồng. Sau khi sử dụng thuốc BVTV, nông dân có thể bỏ bao bì, chai lọ vào những hố rác này. Đến cuối mùa vụ, Chi cục BVTV tỉnh sẽ thu gom và tiêu hủy. Song, giải pháp trên chưa phát huy được tính hiệu quả vì số lượng hố rác còn hạn chế và do nông dân vẫn giữ thói quen vứt rác thải từ thuốc BVTV bừa bãi nên số lượng vỏ chai, bao bì thu về không nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Mỗi năm, nông dân thải ra môi trường từ 200 - 300 tấn rác thải là các loại bao bì thuốc BVTV. Trong khi đó, việc thu gom, xử lý loại rác thải độc hại này theo quy trình đảm bảo an toàn gần như rất ít. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 huyện thí điểm là: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, nhưng mỗi năm chỉ thu được 2 tấn rác thải thuốc BVTV tại các địa phương. Mặc dù Chi cục BVTV tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng an toàn thuốc BVTV và cách xử lý rác thải từ thuốc BVTV, nhưng hiện nay, vẫn có hơn 70% nông dân vứt vỏ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV ra môi trường.
Thiết nghĩ, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải thuốc BVTV, ngoài việc hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách và có hiệu quả, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để bà con nông dân thấy được tác hại của rác thải thuốc BVTV, để sau khi sử dụng thì thu gom vỏ, bao bì, chai lọ để vào nơi quy định và đem đi tiêu hủy. Điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống ở địa phương cũng như sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Cao Loan