Kinh tế xã hội
Không có việc làm, người dân tìm đến bãi thiếc, quặng để tìm vận may
13:45, 12/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Quỳ Hợp (Nghệ An) là địa phương được thiên nhiên ban tặng cho nhiều tài nguyên khoáng sản, nhất là quặng, thiếc, đá trắng. Những năm qua, với phương châm "Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững", huyện đã chú trọng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nơi tập trung nhiều khoáng sản chủ yếu là ở các xã có điểm xuất phát thấp, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân hầu hết sản xuất nông nghiệp trong khi quỹ đất hạn hẹp khiến nhiều lao động địa phương phải mưu sinh đủ nghề để kiếm sống. Một “bức tranh” nghèo trên mảnh đất “vàng” đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa tìm được lời giải.
Các xã Châu Cường, Châu Quang, Châu Thành, Châu Tiến - nơi có nhiều khoáng sản và tập trung các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông nhàn. Tuy nhiên, còn số lao động khá lớn, chủ yếu là thanh niên, phụ nữ đến tuổi trưởng thành vẫn không có việc làm ổn định đã tìm đến các khu mỏ trước kia hay các bãi quặng, thiếc ở hạ lưu, nơi khe suối để tìm vận may.
Theo ghi nhận của P.V, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2015, người dân một số bản ở xã Châu Cường đã đổ xô ra các khe suối, đoạn chảy qua địa bàn các xã Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Tiến để "mót" quặng, thiếc. Dụng cụ dùng để khai thác của họ rất đơn giản, chỉ là cuốc, xẻng, thau để sàng lọc, đào, đãi quặng.
Không có việc làm, nhiều thiếu nữ vùng cao đã tìm đến các bãi quặng, thiếc để tìm vận may |
Anh Lang Văn Hanh, Trưởng Công an xã Châu Tiến cho biết: "Vào thời điểm trước và sau Tết, lợi dụng các điểm khai thác mỏ thiếc của một số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, khi giá sản phẩm xuống thấp, phải đóng cửa mỏ nên nhiều lao động địa phương đã kéo về đây để mưu sinh. Khi các khu mỏ không được hoàn thổ, người dân trong xã đã tìm về đây, vào các hang, động tự nhiên hay các bãi khai thác cũ để "mót", đãi thiếc. Theo tính toán, giá thiếc hiện nay trên thị trường dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, mỗi ngày, họ có thể kiếm được từ 50.000 - 70.000 đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập quan trọng của người dân địa phương nên số lượng thanh thiếu niên, phụ nữ tham gia khá đông".
Việc mưu sinh từ nguồn khoáng sản luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Có những nơi, người dân khoét thành các hố lớn trông rất nguy hiểm. Một người dân cho biết: Vào mùa nước cạn, dân bản không có việc gì làm nên rủ nhau đi tìm vận may, ngày ngày ra sông suối, dọc nơi có khoáng sản để đãi, mong kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Có ngày may mắn cũng kiếm được từ 80.000 - 120.000 đồng. Khi được hỏi về rủi ro tiềm ẩn, họ trả lời "cũng chỉ vì miếng cơm manh áo”. Biết việc làm trên sẽ ảnh hưởng đến môi trường và tiềm ẩn rủi ro với bản thân, nhưng không còn cách nào khác. "Xã cũng đã tuyên truyền, vận động người dân không tham gia khai thác khoáng sản khi chưa đảm bảo quy định qua loa phát thanh và các cuộc họp thôn, bản. Nhưng vì gánh nặng cơm áo nên cũng rất khó kiểm soát việc làm trên", một người dân cho biết thêm.
Từ nhiều năm nay, việc khai thác khoáng sản tại các địa phương của huyện Quỳ Hợp nhận được rất nhiều phản ánh. Nhất là tại dòng Nậm Huống chảy từ xã Châu Thành qua các xã Châu Cường, Châu Quang, thị trấn Quỳ Hợp rồi nhập về suối Nậm Tôn, đổ về sông Dinh (Tam Hợp), việc đào, đãi khiến nguồn nước bị ô nhiễm, có màu đỏ quạch. Chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại nhiều địa phương ở huyện Quỳ Hợp vẫn là “bài toán” khó giải.
Kinh tế khó khăn, lao động dư thừa là lý do khiến người dân "liều mình" kiếm tiền bằng mọi giá. Thực trạng này không chỉ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp sớm có biện pháp giải quyết.
Xuân Thống