Kinh tế xã hội

Khó kiểm soát hàng giả ở miền núi, vùng sâu

11:10, 13/03/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Mặc dù thị trường vùng miền núi nhỏ hẹp hơn so với khu vực miền xuôi hay thành phố nhưng lại tiềm ẩn nhiều yếu tố để hàng giả, hàng nhái xâm nhập như: Nhận thức của người dân nơi đây còn hạn chế, cơ quan chức năng khó quản lý. Lợi dụng điều này, hiện nay, hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên tràn về những vùng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người tiêu dùng. 
 
Theo chân Đội Quản lý thị trường số 7 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An (đóng trên địa bàn huyện Con Cuông) trong một chuyến công tác tại tuyến đường 7 mới thấy rằng, còn quá nhiều lý do để khó kiểm soát được hàng giả, hàng nhái. Tại nhiều ki-ốt kinh doanh, vẫn còn xuất hiện hàng giả, hàng nhái, từ đồ dùng sinh hoạt, đồ điện tử đến thực phẩm…
Đội Quản lý thị trường số 7 tịch thu mì chính giả mạo nhãn hiệu Miwon từ các chủ kinh doanh
Đội Quản lý thị trường số 7 tịch thu mì chính giả mạo nhãn hiệu Miwon từ các chủ kinh doanh
Do nhiều hộ kinh doanh dưới hình thức nhỏ lẻ, chỉ bán một vài loại mặt hàng đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra của cơ quan chức năng. Hơn nữa, nếu chỉ nhìn qua về bao bì thì không ít người sẽ nhầm lẫn hàng giả, hàng nhái với hàng thật, bởi hàng giả, hàng nhái chỉ cần thêm hoặc thiếu đi một chữ số thì sẽ giống hệt hàng thật. Điều đó dẫn đến việc nhầm lẫn. Hơn nữa, bà con dân tộc lại ít quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, thậm chí còn không biết đến khái niệm này.
 
Với họ, chỉ cần rẻ và sử dụng được là họ mua. Bởi vậy, thực tế trên là “mảnh đất sống” màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái tồn tại nhiều năm qua hại nhất vẫn là người tiêu dùng. Việc tẩy chay hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc luôn là vấn đề nan giải, bởi ngay cả người tiêu dùng ở miền xuôi dù cẩn thận và có nhận thức cũng khó để phân biệt được hàng thật với hàng giả, nhái, huống chi là người dân miền núi.
 
Trước đây, việc nắm bắt kịp thời diễn biến, hoạt động kinh doanh ở các xã vùng cao còn nhiều hạn chế. Vì vậy, thời gian gần đây, việc kiểm soát hàng hóa lưu thông đến các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn được Đội Quản lý thị trường số 7 thực hiện ngay tại các đầu mối ở trung tâm huyện. Đội đã thường xuyên tăng cường công tác quản lý địa bàn, thống kê, rà soát số thương nhân phân phối hàng hóa, theo dõi tình hình chấp hành pháp luật thương mại của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; nắm bắt thị trường, tình hình cung, cầu hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu... để có biện pháp kiểm tra và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, với người dân vùng cao, nỗi ám ảnh về những loại hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng vẫn khiến họ e ngại.
 
Đến địa bàn chợ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, nơi được coi là trung tâm phân phối hàng đi các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, đoàn công tác triển khai kiểm tra một số cửa hàng tại chợ. Quầy hàng của chị H. tương đối lớn và cũng thường xuyên bán buôn. Chị khẳng định, chị chỉ buôn bán hàng hoá của nhà phân phối, chứ không lấy hàng trôi nổi trên thị trường. Nhưng khi kiểm tra, tại quầy hàng chỉ bày bán hàng chính hãng, còn tại kho lại phát hiện nhiều gói mì chính mang nhãn hiệu Miwon giả mạo. Chị lúng túng giải thích: “Đây là hàng rẻ lấy của người bán rong, tôi lấy từ năm ngoái, không bán được nên cất vào đây”.
 
Một cán bộ trong đoàn kiểm tra cho biết: Do sợ bị kiểm tra, xử phạt nên thông thường, chủ quán không bày bán hàng giả tại quầy mà cất giấu tại đâu đó, khi có khách mua hàng hoặc khi bán buôn đi vùng xa thì mới lấy ra để vận chuyển đi. Tính từ năm 2014 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 7 đã bắt và xử lý 361 vụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại. Điển hình như: Bắt 20 vụ kinh doanh mì chính giả mạo nhãn hiệu Miwon với số lượng 322 kg; bắt 2 vụ buôn bán nội tạng bò, lợn không có kiểm dịch với số lượng 210 kg; bắt 1 vụ 70 con gia cầm, 3.000 quả trứng gà không qua kiểm dịch...
 
Ông Nguyễn Xuân Đôn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 cho biết: Thị trường hàng hoá ở vùng sâu, vùng xa có đặc thù riêng, do trình độ dân trí còn thấp và chưa đồng đều nên một số bà con vẫn sử dụng hàng chưa đạt tiêu chuẩn, thậm chí kém chất lượng. Các mặt hàng này thường được các tiểu thương bỏ lẫn, trà trộn với các sản phẩm chính hãng. Hơn nữa, mỗi cửa hàng chỉ bán vài ba gói mì chính, vài hộp dầu gội đầu… nên rất khó xử lý. Đối với các quầy hàng lưu động thì càng khó xử lý vì loại hình này không cố định mà “nay đây, mai đó”. Thời gian gần đây, Đội cũng tăng cường đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xử phạt hành chính và tịch thu, tiêu huỷ hàng nghìn sản phẩm giả, kém chất lượng. 

Trường Khuyên

Các tin khác