Kinh tế xã hội
Tại chợ Quán Lau (TP Vinh)
Tiểu thương 'tố' Ban quản lý chợ nhập nhèm trong thu chi
08:27, 17/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Là chợ nằm ở vị trí “đắc địa” nhưng cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, đã từng xảy ra cháy nổ, bà con tiểu thương kinh doanh bên cạnh lô đất bị “xà xẻo” để làm nơi bán kem, quán lẩu đã tạo thành bộ mặt nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó, chợ được phường “khoán trắng” cho cá nhân, hàng tháng tự quyết toán thu chi và chỉ nộp ngân sách 24 triệu đồng, số còn lại để đầu tư cơ bản trở lại song gần đây, phường Trường Thi đã phải bỏ ra ngân sách gần 1 tỉ đồng để sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng.
Báo Công an Nghệ An nhận được phản ánh của tập thể bà con tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ Quán Lau, đóng trên địa bàn phường Trường Thi (TP Vinh) về những “bất thường” trong quản lý thu chi và hàng tháng, họ phải đóng một khoản phí tương đối lớn nhưng lại phải kinh doanh trong điều kiện cơ sở vật chất xập xệ. Trong khi, đây là khu chợ nằm ở vị trí trung tâm của thành phố nhưng lại không tổ chức đấu thầu công khai mà “khoán trắng” cho một cá nhân tự hoạch toán thu chi rồi buông lỏng quản lý là chưa xứng tầm, đúng đắn.
“Khoán trắng” chợ cho cá nhân quản lý?
Tiếp nhận thông tin của bà con tiểu thương, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Ban quản lý (BQL) chợ Quán Lau đang triển khai thu các loại phí, bao gồm phí vị trí kinh doanh, phí bảo vệ hàng hóa, phí vệ sinh môi trường, phí gửi xe và phí của các hộ kinh doanh không ổn định. Theo Báo cáo số 08 ngày 19/1/2015 của UBND phường Trường Thi, năm 2014, BQL chợ Quán Lau đã thu về số tiền hơn 920 triệu đồng từ các nguồn thu trong chợ. Trong đó, đã chi hết hơn 919 triệu đồng. Trong số này, BQL chỉ nộp về cho UBND phường Trường Thi 274 triệu đồng.
Trước đó, ngày 31/7/2009, UBND phường Trường Thi có hợp đồng kinh tế số 05 về việc giao quản lý, mức khoán thu nộp phí tại chợ Quán Lau với ông Trần Quang Hùng (SN 1962) trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, với mức khoán mỗi tháng, ông Hùng phải nộp về ngân sách phường Trường Thi 20 triệu đồng kể từ tháng 8/2009. Điều kiện để thực hiện là ông Hùng thế chấp cho phường một sổ tiết kiệm tại ngân hàng trị giá 20 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng. Đến ngày 31/12/2012, hai bên ký kết thêm phụ lục hợp đồng, nâng mức tiền mà BQL chợ Quán Lau phải nộp về phường hàng tháng là 24 triệu đồng.
Về mức giao khoán số tiền này, đại diện UBND phường Trường Thi cho biết: Dựa trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã vào khảo sát nhưng không thực hiện được dẫn đến việc các hộ kinh doanh không ổn định về mặt tư tưởng nên phường không dám đầu tư nhiều. Do đó, mức giao khoán này được căn cứ trên mức thu thực tế tại chợ để cân đối.
Chợ Quán Lau nằm ở vị trí “đất vàng” nhưng chưa được đầu tư xứng tầm |
Về nguyên nhân vì sao chợ Quán Lau không tổ chức đấu thầu công khai mà nhiều năm nay lại giao khoán cho cá nhân tự hạch toán thu chi, đại diện lãnh đạo phường Trường Thi cho rằng: Do từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh đã 2 lần ra thông báo cho Công ty TNHH sản xuất Khăn - Tã - Giấy Diana và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim vào khảo sát, lập phương án để đầu tư trung tâm thương mại trên phần đất của chợ Quán Lau nhưng không mang lại kết quả.
“Vì vậy, theo trách nhiệm quản lý Nhà nước thì phường phải tiếp tục làm tốt công tác ổn định tư tưởng, thu các khoản theo quy định, sửa chữa các hạng mục khi xuống cấp để đảm bảo tài sản, tính mạng và việc kinh doanh của các hộ kinh doanh lẫn người mua. Do đó, chủ trương của Đảng ủy, HĐND, UBND phường là không đấu thầu mà chỉ giao khoán để quản lý các nguồn thu”, ông Mai Ngọc Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết.
Ban quản lý chợ có “lạm chi”?
Ngoài nguồn thu hàng năm để đầu tư trở lại, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến nay, UBND phường Trường Thi đã phải tự bỏ ngân sách để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục xuống cấp. Cụ thể, trong năm 2007 và 2008, sau sự cố hỏa hoạn tại chợ, phường đã bỏ ra gần 520 triệu đồng để sửa chữa đình chính, đình phụ và lưới điện; năm 2012 sửa chữa đình phụ hết gần 367 triệu đồng.
Ông Trần Quang Hùng, Trưởng BQL chợ Quán Lau cho biết: Việc các tiểu thương phản ánh chính quyền phường Trường Thi giao khoán chợ cho cá nhân ông là không đúng, bởi ông vẫn cơ cấu nhân sự và tổ chức như mô hình của BQL. Cụ thể, ngoài cá nhân ông Hùng là Trưởng ban, còn có 2 Phó ban và 11 người khác. BQL chợ Quán Lau tự cân đối thu chi, ngoài việc trả lương cho 14 người (bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng), BQL còn phải chịu tiền vận chuyển vật tư, tiền cho nhân công gom rác (trong khi đã có người làm vệ sinh, được trả lương hàng tháng tại khu vực chợ), đồng thời tự trang bị thêm 6 xe gom rác…
Về kế hoạch trang bị cho chợ hàng năm, theo ông Hùng, hiện máy phát điện đang bị hư hỏng, chưa kịp sửa chữa nên ông đã báo cáo và đề nghị UBND phường mua máy phát điện mới cho BQL chợ (từ ngân sách của phường). Còn về đầu tư cơ sở hạ tầng, mặc dù chợ có sự xuống cấp nhưng do không gây nguy hiểm tới bà con tiểu thương và khách hàng nên BQL cũng không đầu tư xây dựng, sửa chữa.
Mặc dù duy trì cơ chế và hoạt động theo mô hình của BQL, song trong đợt kiểm tra chéo giữa các chợ trên địa bàn mới đây do Phòng Tài chính UBND TP Vinh thực hiện, đã chỉ ra những thiếu sót trong hoạt động tại BQL chợ Quán Lau, trong đó có nội dung BQL chưa có điều lệ hoạt động được UBND TP Vinh phê duyệt. Ngoài ra, trong số 14 người đang được hưởng lương cao “ngất ngưởng” tại đây, chỉ có ông Nguyễn Quang Hùng là có bảo hiểm, số còn lại thậm chí không được ký hợp đồng lao động và không được đóng bảo hiểm theo quy định là vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động hiện hành.
Thiên Thảo