Kinh tế xã hội

Hãy là người tiêu dùng bình thường

10:51, 21/03/2015 (GMT+7)
Vụ việc “con ruồi trị giá 500 triệu đồng” dường như tạm lắng xuống nhưng đã để lại cho cộng đồng nhiều điều suy nghĩ. Bởi một khi đúng, sai; thiện, ác; phải, trái; trắng, đen… cứ như bị giao thoa với nhau, lẫn lộn vào nhau qua các cuộc tranh luận nảy lửa trên các trang mạng xã hội thì hiện tượng ấy đã báo hiệu các giá trị văn hóa và đạo đức của con người đang lâm vào hoàn cảnh thách thức chưa từng có.
 
Một người tiêu dùng chẳng may mua phải một sản phẩm khuyết tật, được nhà sản xuất đổi lại một sản phẩm khác cùng lời xin lỗi, đã là điều có thể chấp nhận được rồi. Nếu nhà sản xuất tự nguyện biếu thêm một hay vài sản phẩm nữa thì hãy coi đó là lời xin lỗi thực tâm cầu thị, một người tiêu dùng bình thường chưa chắc đã nhận bởi lòng tự trọng của chính mình.
 
Khi viết bài này, tôi xin phép khẳng định rằng, tôi là một người tiêu dùng bình thường.
 
Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tôi sẽ dựa vào các nguồn thông tin trong cộng đồng, cố gắng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa là bảo vệ quyền lợi cho chính mình sau này.
 
Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Ðoàn luật sư TP.HCM), người bảo vệ cho anh Võ Văn Minh cho rằng theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, khi gặp trường hợp như anh Minh, người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường.
 
Luật quy định trong thương lượng, anh Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm, đồng thời có quyền đưa ra số tiền tùy ý. Nếu anh Minh có nói sẽ gây thiệt hại cho Công ty Tân Hiệp Phát thì thật ra chỉ là cảnh báo hậu quả để giành lợi thế trong thương lượng, chứ không phải là lời “đe dọa”.
 
Tôi cũng mong là lời của luật sư Thi là đúng, bởi ai chẳng có lòng tham. Một khi cái tham ấy không đụng chạm đến hành lang của pháp luật thì đâu có chuyện gì phải bàn.Ngay cả cơ quan công an, tôi tin rằng khi Tân Hiệp Phát báo có vụ việc “con ruồi trị giá 500 triệu đồng”, họ cũng bán tín bán nghi bởi như luật sư Nguyễn Tấn Thi nói, đây có thể chỉ là cảnh báo hậu quả để giành lợi thế trong thương lượng. Vì thế, họ yêu cầu phải “bắt tận tay, day tận trán” thì mới tin. Nhưng một câu hỏi đặt ra, vậy lời cảnh báo kia liệu có còn giữ nguyên bản chất khi anh Minh đã ngửa tay nhận 500 triệu đồng một cách thiếu minh bạch?
 
Theo thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), hành vi của anh Minh có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Ông cho rằng anh Minh đã có hành vi vi phạm thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền. Cụ thể là đã thông báo với Tân Hiệp Phát là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết. Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội bởi nó có thể giết chết một doanh nghiệp, gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho người tiêu dùng, gây điểm nóng trong xã hội… Không nên coi đây là một kiểu thỏa thuận dân sự giữa hai bên vì rõ ràng có sự bất tương xứng giữa nội dung giao dịch và mục đích giao dịch.
 
Xin trích thêm các lập luận khác bênh vực anh Minh. Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Điều 135 BLHS dùng khái niệm “uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”, nghĩa là phải có hai thứ liên quan: Một là “tinh thần”, hai là “người”. Trường hợp thỏa thuận, giao dịch giữa anh Minh và Tân Hiệp Phát không có hai yếu tố đó. Tân Hiệp Phát là một tổ chức, không phải “người”. Và ở vụ việc này, pháp nhân liên quan chỉ có “uy tín”, không có “tinh thần” nên không có chuyện “uy hiếp tinh thần”...
 
Lập luận này cũng thiếu thuyết phục bởi bất cứ một tổ chức nào cũng cấu thành bởi những con người. Không một ai có thể tin rằng 500 triệu đồng kia hồn nhiên và vô tư “như nước trong nguồn chảy ra”, không có người chịu trách nhiệm ký phiếu tạm ứng hay ký phiếu chi. Với lập luận như vậy, liệu có luật pháp có thể chấp nhận rằng, một khi để một cá nhân lũng đoạn tài sản của một tổ chức thì đồng nghĩa với việc không quy được trách nhiệm cho bất cứ cá nhân nào?
 
Còn theo lập luận của luật sư Đinh Văn Quế,  việc anh Minh yêu cầu bồi thường 1 tỷ hay 10 tỷ đồng đi nữa là chuyện của anh, là chuyện thỏa thuận giữa hai bên. Thú thật,tôi không thể “tiêu hóa” cách lập luận của “người tiêu dùng” ấy. Bởi tôi cho rằng, cho dù lỗi là của Tân Hiệp Phát (tuy nhiên, các cơ quan có trách nhiệm đã xác định rằng có dấu hiệu của sản phẩm giả mạo) đi chăng nữa thì đấy là tư duy của những kẻ ác độc.
 
Với suy nghĩ như vậy nên tôi đã nói với các con tôi rằng, mình hãy cố gắng đứng vào hàng ngũ của những người tiêu dùng bình thường, không thể đứng về phía… con ruồi.
 

Nguyễn Minh Vân

Các tin khác