Kinh tế xã hội

Trẻ em Lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại

Cần những chính sách hỗ trợ kịp thời

08:16, 14/04/2015 (GMT+7)
Kỳ II: Hãy “cứu” các em khỏi môi trường nguy hiểm, độc hại
 
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, các cấp, ngành đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, để giảm dần và tiến tới không còn trẻ em phải lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại là “bài toán” khó, cần tìm lời giải hợp lý.
 
Theo thống kê, tỉnh ta có trên 895.000 trẻ em ở độ tuổi từ 0 - 16 tuổi, chiếm 29,86% dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 21.519 em, chiếm 2,4% tổng số trẻ em. Có 118.246 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
 
Đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có số liệu cụ thể nào về tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Báo cáo của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, chỉ riêng năm 2013, Sở đã chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh 312 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Kỳ và một số huyện, thị xã như: Tương Dương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Quỳ Hợp.
Trẻ em cần có một tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên nhất Ảnh minh họa
Trẻ em cần có một tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên nhất - Ảnh minh họa
Trong đó, công việc lao động chủ yếu là thợ xây, phụ hồ, đóng gạch táp lô, bốc vác... So với thời điểm hiện tại, con số này đã có sự gia tăng và thay đổi đáng kể ở các địa phương khác. Nguyên nhân là do tỉ lệ hộ nghèo khá cao, trẻ em trong các gia đình khó khăn có xu hướng bỏ học sớm, trong khi các em có rất ít sự lựa chọn về nghề nghiệp vì chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng, trình độ học vấn. Mặt khác, xu hướng đô thị hóa đã khiến nhu cầu chăm sóc người già, trẻ nhỏ, giúp việc gia đình ngày càng tăng. 
 
Bộ luật Lao động cho phép trẻ em đủ 15 tuổi trở lên có thể làm thêm giúp việc gia đình nếu các công việc đó nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, thời gian làm việc không vượt quá quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến việc học tập, môi trường làm việc và điều kiện lao động không ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, ngay cả trẻ em làm việc thêm trong các gia đình cũng tiềm ẩn nguy cơ bị phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng khi ít được giám sát và phải làm việc trong môi trường khép kín. 
 
Những năm qua, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các cấp, đặc biệt là ở các địa phương, cơ sở, trường học bước đầu hoạt động có hiệu quả, tạo sự kết nối giữa chính quyền, cơ quan, trường học, gia đình và trẻ em học sinh. Vì vậy, số lượng trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp... ngày càng tăng. 
 
Cũng trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai mô hình “Phòng ngừa trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng” tại huyện Quỳ Hợp và Kỳ Sơn. Theo đó, đã tổ chức các hoạt động trợ giúp các hộ gia đình nghèo có trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm và sống lang thang để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, đảm bảo thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em.
 
Đồng thời, đã tổ chức 20 buổi tư vấn nhóm gia đình để người dân nhận thức được tác hại của việc để trẻ em lang thang kiếm sống, lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức, xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, trong đó sẽ lập danh sách và trợ giúp các hộ gia đình nghèo có trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm và có trẻ em lang thang để phát triển toàn diện.
 
Có thể thấy, nếu không có biện pháp thay đổi nhận thức của gia đình và cộng đồng, trẻ em trong các gia đình nghèo sẽ luôn nằm trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Khi phải lao động quá sớm, không được chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, không có tay nghề, kỹ năng sống và kinh nghiệm xã hội còn hạn chế, các em sẽ không có cơ hội được chọn lựa những công việc tốt cho tương lai sau này.
 
Mặt khác, khi trẻ em phải tiếp xúc với môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quá sớm, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực về mặt xã hội. Vì thế, để giải quyết tình trạng trên, cần có những chính sách phù hợp, kịp thời để hỗ trợ các em. Có như vậy, gánh nặng mưu sinh mới không đè nặng tuổi thơ các em, để trẻ em nghèo được đến trường, sống quãng thời gian tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên nhất.

Ngọc Thái - Mai Hậu

Các tin khác