Kinh tế xã hội
Gia tăng tình trạng lao động tại Hàn Quốc hết hạn không về nước
Nguy cơ ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam
08:05, 21/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, khi thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc mở cửa, cùng với các địa phương trên cả nước, Nghệ An cũng cung cấp một số lượng lớn lao động sang thị trường nước này. Do chế độ đãi ngộ cho lao động tại xứ Hàn và tiền lương cao… nên có rất nhiều lao động khi hết thời hạn hợp đồng đã bỏ trốn ra ngoài, gây ra nhiều hệ lụy xã hội.
Sau một thời gian ngưng việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký “Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam”, mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động nước ta. Đây là tín hiệu đáng mừng cho trên 12.000 lao động, trong đó Nghệ An có gần 3.000 người đã thi đỗ chứng chỉ tiếng Hàn năm 2011 tiếp tục được ứng tuyển.
Được biết, trong năm 2015, phía Hàn Quốc cũng sẽ xem xét để tiếp nhận 3 nhóm lao động tiếp tục được sang Hàn Quốc làm việc, gồm: Lao động về nước đúng hạn, lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn năm 2011 và lao động nông nghiệp huyện nghèo. Theo đó, vào năm nay, gần 7.000 người sẽ có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc, trong đó ở Nghệ An có trên 2.000 người. Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại là tỉ lệ cư trú bất hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đang gây ra nhiều hệ lụy xấu cho phía đối tác. Vì vậy, khả năng được phía Hàn Quốc tiếp nhận số lượng lao động trong năm 2015 là rất mong manh.
Nhiều lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng khiến cho việc xuất khẩu lao động sang nước bạn trong thời gian tới gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa |
Qua thống kê, những tháng cuối năm 2014, tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước liên tục tăng: Tháng 11 là 56%, đến tháng 12, con số này đã tăng lên 70%. Thực trạng này đã khiến phía Hàn Quốc rất e ngại, vì Việt Nam là quốc gia có số người cư trú bất hợp pháp chiếm tỉ lệ cao so với các nước khác. Mặc dù trong thời gian qua, phía Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp, chế tài để bắt buộc người lao động trở về nước đúng thời hạn nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện là bao.
Theo thống kê, hiện nay, tại Hàn Quốc có khoảng trên 3.500 lao động là người Nghệ An đang trực tiếp làm việc. Tuy nhiên, thực trạng số lao động đã hết thời hạn hợp đồng với đơn vị sở tại không trở về nước đã khiến nhiều cơ quan chức năng phải “đau đầu”. Điều này không chỉ tạo tiền lệ xấu mà còn tạo ra động thái không tốt đối với các đơn vị tiếp nhận lao động Việt Nam của nước bạn.
Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Nguồn kiều hối gửi về cũng giúp không ít gia đình giàu lên trông thấy. Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng lao động đã hết thời hạn hợp đồng không chịu về nước đang gây ra nhiều hệ lụy xấu cho Việt Nam. Do tư tưởng chây ì, lòng tham nên số người này đã cố tình bỏ trốn ra ngoài để tiếp tục làm việc.
“Khi người lao động làm việc theo đơn hàng, họ được chủ sử dụng lao động đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm cũng như an sinh xã hội. Đây là điều bắt buộc theo quy định của nước sở tại. Tuy nhiên, khi họ bỏ ra ngoài làm việc, do chủ sử dụng lao động không phải đóng các chế độ theo quy định nên các khoản này được chi trả cho người lao động. Vì vậy, số lao động “chui” cũng được nhận lương cao hơn. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng lao động khi hết thời hạn hợp đồng không chịu về nước”, ông Hùng giải thích thêm.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, năm 2015, trên địa bàn Nghệ An có khoảng 800 lao động hết hạn hợp đồng bắt buộc phải về nước. Thời gian qua, Sở đã tổ chức rất nhiều hội nghị ở các địa phương để tuyên truyền, vận động gia đình có con em lao động tại Hàn Quốc về nước. Cùng với đó, nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh cũng đã được gửi đến các địa phương để triển khai làm tốt công tác này. Thế nhưng, có một khó khăn là đối tượng để tuyên truyền trực tiếp lại đang cư trú ở nước sở tại.
Để tiếp cận tuyên truyền, chỉ còn cách vận động gián tiếp qua gia đình của người lao động. Hơn bao giờ hết, nhận thức của gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng cần được nâng cao hơn nữa, tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra. Người lao động cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi đã cam kết trước đó, tránh tình trạng chây ì không chịu về nước mà vẫn cố tình bám trụ ở lại, dẫn đến những hậu quả không đáng có xảy ra.
Ngọc Thái