Kinh tế xã hội

Chất lượng lao động xuất khẩu Còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ

14:33, 07/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, Nghệ An được xem là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng người đi xuất khẩu lao động có thời hạn theo hợp đồng ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá, chất lượng nguồn lao động xuất khẩu hiện nay nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của các nước. Hạn chế này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ khiến cho cánh cửa tiếp nhận lao động xuất khẩu dần khép lại trong tương lai không xa.
 
Qua thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2014, Nghệ An đã đưa được trên 12 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, nguồn kiều hối do các lao động xuất khẩu gửi về cho gia đình cũng tăng mạnh, tạo động lực, tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo đời sống ở nhiều vùng quê. 
Lao động thi tay nghề giỏi tiểu thủ công nghiệp năm 2014
Lao động thi tay nghề giỏi tiểu thủ công nghiệp năm 2014
 
Tại Hội nghị triển khai công tác xuất khẩu lao động vừa được tổ chức tại TP Vinh vào ngày 10/4/2015, Nghệ An phấn đấu đưa khoảng 13 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước trên thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu chung của thị trường lao động trên thế giới, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Đặc biệt, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là chất lượng nguồn lao động còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật của người lao động Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung còn thấp so với các nước trong khu vực châu Á.
 
Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp cung ứng nguồn lao động xuất khẩu cũng đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lao động kém chất lượng hiện nay. Riêng tại Nghệ An có gần 3 nghìn người (trong tổng số trên 12 nghìn lao động xuất khẩu năm 2014) đi làm việc có thời hạn tại các nước. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đầu vào, cần có sự cạnh tranh về tay nghề giữa các lao động.
 
Mặt khác, thời gian để các doanh nghiệp đào tạo nghề, hướng dẫn, tư vấn, trang bị “phông” văn hóa về phong tục, tập quán, pháp luật của các nước mà các lao động sẽ đến làm việc rất ngắn, chỉ vài tháng trở lại. Số lượng lao động trước đó đã có chứng chỉ tay nghề nhưng qua sát hạch vẫn chưa đạt yêu cầu của các nước sở tại. Nhiều chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá lao động Việt Nam, trong đó có Nghệ An vẫn còn yếu về chuyên môn kỹ thuật, tác phong thiếu chuyên nghiệp, trình độ  ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật quốc tế còn hạn chế…
 
Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 48 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng số lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 30% (14,4 triệu lao động). Tuy nhiên, theo đánh giá, trình độ của số người được đào tạo nghề hiện nay vẫn thấp; số lao động có tay nghề kỹ thuật cao, đáp ứng được yêu cầu chung của hội nhập còn chưa tương xứng. Địa bàn Nghệ An hiện nay có khoảng 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 50% dân số cả tỉnh.
 
Nếu theo phân tích, đánh giá chung của Tổng cục Thống kê thì tỉnh ta mới chỉ có khoảng 0,51 triệu người đã được đào tạo qua các lớp dạy nghề. Tuy nhiên, lao động có tay nghề cao, chất lượng cũng chỉ chiếm con số rất nhỏ. Nghịch lý này cũng phản ánh tình trạng chung về chất lượng lao động để cung ứng cho địa phương cũng như xuất khẩu đi các nước trong khu vực và thế giới. Mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá về chất lượng, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 so với lao động Malaysia, 2/5 so với lao động Thái Lan và 1/15 so với lao động Singapore.
 
Đây là điều đáng lo ngại đối với chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay trong tiến trình hội nhập toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển dụng, tiếp nhận lao động của các nước trên thế giới. Một số nước vốn là thị trường xuất khẩu lao động quen thuộc của Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước Trung Đông… hiện nay đang đòi hỏi trình độ tay nghề, ngoại ngữ rất khắt khe. Chính vì vậy, với năng suất làm việc của lao động Việt Nam hiện nay, dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. 
 
Trong năm 2015, Nghệ An phấn đấu  đưa được từ 12.000 - 13.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Và trong số đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cố gắng đưa tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 45 - 50%. Thế nhưng, để làm được điều này không phải đơn giản, bởi hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều nguyên nhân.
 
Điển hình như xuất phát điểm về trình độ văn hóa, vùng miền và tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” vẫn còn đè nặng đối với những người sắp đến tuổi lao động. Công tác định hướng học nghề vẫn chưa đồng đều, nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa đạt yêu cầu về quy mô cũng như chất lượng dạy và học. Ngoài ra, giáo trình giảng dạy tại các trường đào tạo nghề hiện nay cũng cần thay đổi để phù hợp với trình độ chung của các nước trong khu vực và thế giới.

Ngọc Thái

Các tin khác