Kinh tế xã hội

Giá xăng tiếp tục tăng gần 2.000 đồng/lít

Nỗi lo biến động giá cả thị trường lại hiện hữu

09:41, 09/05/2015 (GMT+7)
 
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Vào lúc 21 giờ ngày 5/5/2015, theo công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá xăng tiếp tục tăng thêm 1.950 đồng/lít, nâng mức giá bán lẻ hiện nay lên gần 2.000 đồng/lít. Với mức điều chỉnh tăng giá xăng trên, người tiêu dùng tiếp tục rơi vào cảnh lo lắng về sự biến động giá cả thị trường trong thời gian tới.
 
Trước đó, vào ngày 11/3/2015, tức chưa đầy 2 tháng cho tới thời điểm 21 giờ ngày 5/5, Petrolimex đã 2 lần tăng giá xăng dầu. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2011 cho đến nay. Theo ghi nhận của phóng viên, người tiêu dùng đã có nhiều phản ứng xung quanh việc tăng giá bán xăng dầu lần này. Hầu hết, họ cho rằng, giá xăng mà Petrolimex công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 5/5 khiến họ giật mình và thêm phần lo lắng.
Người dân lại “méo mặt” vì xăng tăng giá
Người dân lại “méo mặt” vì xăng tăng giá
Theo phản ứng của người tiêu dùng, việc điều chỉnh giá xăng hiện nay cần phải có sự hợp lý hơn nữa. Một thực tế trong thời gian vừa qua là, trong khi giá xăng dầu trên thế giới tụt dốc thì giá xăng dầu trong nước giảm rất chậm. Còn khi giá xăng dầu trên thế giới bắt đầu tăng chậm thì giá trong nước lại tăng rất nhanh. Bởi vì, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 1/11/2014, thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15/10/2009, thì mức tăng, giảm giá xăng dầu được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
 
Và, theo Nghị định 83 thì thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Mức điều chỉnh các lần tăng, giảm giá bán xăng dầu trong nước còn phụ thuộc vào thuế, quỹ bình ổn giá xăng dầu và sự biến động về thị trường của loại mặt hàng này trên thế giới… Tuy nhiên, qua giám sát, theo dõi thì thời gian để thực hiện việc giảm giá so với giá xăng dầu thế giới hiện nay vẫn còn chậm. Người tiêu dùng cũng mong muốn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn nữa trong việc điều chỉnh thời gian tăng, giảm giá xăng dầu. 
 
Ngày 6/5, khi tiến hành khảo sát về giá vé vận tải hành khách sau thời điểm giá xăng dầu tăng vào tối 5/5, theo ghi nhận của chúng tôi thì cước vận chuyển vẫn chưa có động thái tăng. Nhiều tuyến vận tải hành khách nội tỉnh và đường dài vẫn giữ giá vé ở mức cũ. Tuy nhiên, nhiều chủ hãng xe vận tải hành khách cũng như taxi trên địa bàn đã bắt đầu “đứng ngồi không yên” khi giá xăng chính thức tăng lên gần 2.000 đồng/lít. “Chúng tôi muốn tăng giá vé vận tải hành khách cũng phải có văn bản gửi các cơ quan chức năng. Khi có sự đồng ý thống nhất giữa 2 bên, mức giá vé mới được ấn định là tăng bao nhiêu. Sắp tới, chúng tôi bắt buộc phải đề nghị tăng.
 
Vì nếu không tăng thì nhà xe phải bù lỗ chi phí xăng dầu rất lớn. Đặc biệt, vận chuyển khách vào mùa hè nên máy lạnh phải mở liên tục. Vì vậy, lượng tiêu hao xăng dầu sẽ cao hơn nhiều so với mùa đông”, chủ hãng xe B.M. vận tải hành khách tuyến Vinh - Quế Phong cho biết. Tương tự, các hãng taxi trên địa bàn khi được hỏi về việc xăng dầu tăng giá vào tối 5/5 vừa qua, họ đều trả lời là sẽ có văn bản kiến nghị lên cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian tới để điều chỉnh mức cước phí vận chuyển cho phù hợp với tình hình chung hiện nay.
 
Như vậy, việc cước vận tải hành khách đang có động thái rục rịch tăng là có cơ sở. Còn theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, đến thời điểm ngày 6/5, đơn vị chưa nhận được văn bản nào đề nghị tăng giá cước của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vận tải đề nghị tăng giá cước thì Sở cũng phải nghiên cứu, xem xét để đưa ra mức điều chỉnh hợp lý. 
 
Điều được nhiều người quan tâm hiện nay là việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động không nhỏ tới giá cả thị trường trong thời gian tới. Việc giá xăng dầu tăng sẽ khiến cho các mặt hàng tăng theo kiểu “ăn theo” từ lâu cũng đã tạo thành quy luật của thị trường. Vì vậy, việc quản lý giá cả thị trường hiện nay rất cần sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp tự ý tăng giá cước vận tải không tuân thủ sự điều chỉnh chung về giá theo các văn bản mà Nhà nước đã ban hành.
 

Ngọc Thái

Các tin khác