Kinh tế xã hội

Những dự án có nguy cơ 'chết yểu' trong lòng thành phố

08:24, 20/12/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong những năm trở lại đây, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi, thu hút hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng vào TP Vinh nhằm thay đổi diện mạo của đô thị loại I. Tuy nhiên, khi được bàn giao mặt bằng để xây dựng, các nhà đầu tư đã không triển khai như lộ trình đề ra khiến quỹ đất bỏ hoang, lãng phí tài nguyên của Nhà nước cùng nhiều hệ lụy kéo theo.

“Đất vàng” thành hoang phí

Từ gần chục năm nay, người dân sinh sống ở đầu đường Ngư Hải, ngay sát BigC Vinh bức xúc trước hàng nghìn m2 đất quy hoạch xong rồi bỏ đó. Đến nay, khu đất này tuy được bao bọc bởi các tấm tôn nhưng ai đi qua đều dễ dàng nhận thấy cảnh nhếch nhác, xú uế trông rất phản cảm. Xung quanh khu đất, các quầy bán quần áo di động đua nhau lấn chiếm một cách lộn xộn. Được biết, đây là khu đất Ba Rắc cũ của phường Lê Mao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2007, khu đất này nằm trong dự án đã được UBND tỉnh ký thỏa thuận với Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó, dự án này được bàn giao cho Công ty Cổ phần Bao bì SABECO sông Lam tiếp quản. Ngày 6/8/2013, UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng tại Quyết định số 3384, với tổng diện tích 3.452,4 m2 gồm: 1 nhà tổ hợp thương mại dịch vụ SABECO cao 4 tầng, diện tích 1.058,4 m2, tổng vốn đầu tư trên 67 tỉ đồng.

1924 anhup.zip
Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại tại phường Lê Mao đang bị bỏ hoang

Cũng trong năm 2013, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiếp đó, năm 2014, dự án được UBND tỉnh ký quyết định cho thuê đất và hợp đồng thuê đất cho địa điểm số 2 Ngư Hải. Còn địa điểm số 3 Trần Phú, với diện tích gần 1.000 m2 vẫn chưa hoàn tất thủ tục giao đất, cho thuê đất. Theo tiến độ mà chủ đầu tư đã đăng ký thì đến hết năm 2014, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng một hạng mục công trình nào cả.

Tại phường Lê Lợi, đầu năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch cho phép Công ty Cổ phần Phương Bắc làm chủ đầu tư xây dựng dự án khu đô thị Nam phường Lê Lợi. Tuy nhiên, cho đến nay, đơn vị này vẫn chưa làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đơn vị này cũng chưa hoàn tất thủ tục để được giao đất, cho thuê đất. Điều đáng nói là đến nay, đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa triển khai bất cứ một hạng mục xây dựng nào cả.

Còn tại khối 1, phường Vinh Tân, dự án Cơ sở bảo trợ xã hội Nhân Tâm cũng đang tiến hành dở dang, chưa hoàn thành các hạng mục so với cam kết đăng ký ban đầu. Được biết, đây là dự án có vốn đầu tư đăng ký ban đầu vào năm 2009 trên 66 tỉ đồng, với tổng diện tích 4.756,69 m2. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì chủ đầu tư dự án này mới chỉ tiến hành việc san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào bao quanh diện tích đất đã được cấp và xây dựng hệ thống tường hạng mục nhà hiệu bộ. Do xây dựng không đúng với diện tích đã được phê duyệt và chưa được cấp phép xây dựng nên dự án chưa được triển khai và đi vào hoạt động như cam kết ban đầu.

Cần kiên quyết thu hồi giấy phép của các dự án “treo”

Mặc dù đã được UBND tỉnh đồng ý, chấp thuận chủ trương quy hoạch dự án xây dựng nhưng nhiều năm nay, các công trình vẫn “Giậm chân tại chỗ”. Thậm chí, nhiều dự án được cấp đất ở vị trí trung tâm thành phố nhưng đến nay cũng chỉ để cỏ mọc, nơi chứa rác thải. Điều này không chỉ gây lãng phí quỹ đất mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đó mới chỉ là 3 trong hàng chục dự án đầu tư, xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt trước đó.

Lý giải trước những thực trạng các dự án đã được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt đầu tư xây dựng trong thời gian qua đang chậm tiến độ, hầu hết các nhà đầu tư đều đưa ra nhiều lý do mang tính khách quan để biện minh cho mình. Đó là tác động của tình hình kinh tế khó khăn, hoặc là thiếu vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng…

Tuy nhiên, để tránh tình trạng dự án phê duyệt xong rồi bỏ đó, các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp tháo gỡ, tránh tình trạng lãng phí quỹ đất của đô thị loại I như hiện nay. Mặt khác, UBND tỉnh cần thu hồi dự án nếu năng lực tài chính của nhà đầu tư quá yếu để bàn giao cho đơn vị khác đủ năng lực thi công, xây dựng nhằm tránh lãng phí quỹ đất như hiện nay.

Ngọc Thái

Các tin khác