Kinh tế xã hội
Giá dầu - 'Phép thử' đầu tiên của phối hợp vĩ mô
10:02, 19/12/2014 (GMT+7)
Cuộc họp lần thứ nhất theo quy chế phối hợp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô của 4 Bộ, ngành diễn ra đúng lúc giá dầu thế giới đang lao dốc.
Và cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với báo chí diễn ra sau cuộc họp ngày 17/12 tiếp tục xoay quanh vấn đề giá dầu giảm.
Thực ra thì trước đó, vấn đề giá dầu giảm đã được đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 1/12, như một trong những tác động nổi bật nhất từ tình hình thế giới đến kinh tế Việt Nam hiện nay.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức nêu ra và yêu cầu các Bộ, ngành phải tính toán cụ thể tác động của việc giá dầu giảm đối với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô như giá cả, lạm phát, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước... từ đó chuẩn bị phương án điều hành phù hợp, tránh bị động. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án, tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu.
Và cũng tại phiên họp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Việc ký kết quy chế này nhằm thực thiện Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Một trong những nội dung phối hợp đã được nêu rõ trong Quyết định của Thủ tướng, là các Bộ, ngành phải phối hợp trong việc xây dựng các phương án, giải pháp đối với các biến động kinh tế-xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là những biến động bất thường về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực. Để từ đó, bảo đảm quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động đó.
Giá dầu giảm mạnh chính là một “biến động” như thế.
Tất nhiên không phải đến khi có quy chế thì các bộ, ngành, trong đó có 4 Bộ nói trên, mới bắt đầu phối hợp. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, kinh nghiệm điều hành lạm phát năm 2013 cho thấy, khi phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, dự báo đưa ra sẽ đúng, là cơ sở để Chính phủ đưa ra những quyết sách đúng.
Nhưng phải công nhận rằng khi chưa có quy chế, vẫn còn đó những điểm chưa thật “ăn ý” giữa các cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn, đã có những lần giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng đúng lúc chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức tương đối cao. Chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã từng phàn nàn trên báo chí về những trường hợp mà có người ví von là “vừa nhấn ga vừa đạp phanh” như thế.
Nhìn rộng hơn, quy chế phối hợp quản lý điều hành kinh tế vĩ mô đã ra đời rất đúng lúc. Tình hình kinh tế xã hội trong nước đang đòi hỏi ngày càng cao hơn sự chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành. Việt Nam cũng sẽ hội nhập ngày càng sâu rộng vào một thế giới mà cho đến nay, vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì cho thấy sẽ dễ dự báo hơn.
Trở lại câu chuyện giá dầu giảm. Việc tính toán những tác động của giá dầu giảm mạnh đến nền kinh tế Việt Nam và đưa ra những giải pháp cho phù hợp rõ ràng không phải việc dễ dàng. Như phân tích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với báo chí, giá dầu giảm mạnh sẽ tác động 2 chiều với Việt Nam, khi nước ta vừa xuất khẩu dầu thô, nhưng nhập khẩu sản phẩm xăng dầu; thậm chí lượng nhập còn lớn hơn xuất ra. Có người bị thiệt và có người sẽ được lợi.
Nhưng việc điều hành phải trên góc độ tổng thể và phải xem xét toàn bộ nền kinh tế, phải có tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, như yêu cầu của Thủ tướng. Việc phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các Bộ, ngành sẽ đáp ứng yêu cầu ấy và giá dầu có thể là thử thách đầu tiên về hiệu quả của quy chế phối hợp.
Nguồn: Chinhphu.vn