Kinh tế xã hội

Hiệu quả từ xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông

14:08, 17/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nội dung được Chính phủ và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm.
 
Cơ sở hạ tầng giao thông đang cần sự bứt phá nhanh và mạnh cùng với những cú “phi nước đại” để về đích đúng theo kế hoạch. Để thực hiện được bước chuyển biến mang tính đột phá ấy, nhất thiết phải cần đến vai trò của xã hội hóa đầu tư trong ngành giao thông, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam trên Quốc lộ 46
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam trên Quốc lộ 46
Sức mạnh tổng lực từ xã hội hóa nguồn vốn đầu tư
 
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, vốn đầu tư toàn xã hội là một trong những chỉ tiêu quan trọng, được xem là cơ sở để thực hiện các chỉ tiêu còn lại. Giai đoạn 2010 - 2015, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là huy động được 180.000 tỉ đồng.
 
Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 146.000 tỉ đồng, trong đó nguồn huy động trong dân chiếm 20%, đầu tư nước ngoài hơn 5%. Bên cạnh vốn ngân sách và các nguồn vốn được huy động “cả trong và ngoài” khác, không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn vốn viện trợ ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, Nghệ An đã huy động được 41 chương trình, dự án ODA, tổng mức đầu tư đạt 15.020 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là 11.863 tỉ đồng, chiếm 78,9%.
 
Đến nay, một số dự án sử dụng vốn ODA lớn đang được thực hiện như: Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước TX Cửa Lò, Dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP Vinh; Năng lượng nông thôn II mở rộng... Trong đó, phải kể đến Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, với số vốn ODA lên tới 5.700 tỉ đồng. Dự án này nhằm khôi phục, nâng cấp toàn bộ hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, đảm bảo nước tưới sản xuất nông nghiệp cho hơn 27.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho vùng, với tổng mức đầu tư gần 274 triệu USD, trong đó cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ 84,27%. Thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2019. Đây là dự án trọng tâm về vốn ODA của tỉnh, với quy mô thủy lợi lớn nhất từ trước đến nay. 
 
Từ năm 2011 đến nay, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, nguồn vốn vay từ các ngân hàng phục vụ cho các dự án được coi là kênh quan trọng trong huy động vốn đầu tư toàn xã hội.  Đến tháng 11/2014, nguồn vốn huy động được từ ngân hàng và chi nhánh trên địa bàn Nghệ An đạt 63.900 tỉ đồng, tăng 14%. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, chi nhánh Nghệ An đã cho vay trung, dài hạn để đầu tư dự án lớn như Dự án Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thuỷ đến đường tránh TP Hà Tĩnh cùng với cầu vượt QL46 qua đường sắt Bắc - Nam với số tiền 1.100 tỉ đồng. BIDV cũng cho vay để thực hiện các Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, các cầu vượt sông Lam, cầu vượt Nam Cấm, đường tránh Vinh... 
 
Khởi sắc diện mạo kinh tế - xã hội
 
Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 chỉ rõ: “Từ nay đến năm 2020, Nghệ An cần tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015”. Thời gian qua, bằng số vốn huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, cơ sở hạ tầng giao thông đã từng bước được cải thiện, nâng cấp và làm mới.
 
Hàng loạt dự án đường đang được đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong vòng 3 năm (2011 - 2013), tỉnh đã huy động được 15.912 tỉ đồng đầu tư xây dựng 43 công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu. Cụ thể, hoàn thành được 230 km đường giao thông trên các tuyến QL7, QL46, QL48, QL48C, xây dựng hoàn thành cầu Bến Thủy II, đường Châu Thôn - Tân Xuân giai đoạn 1 dài 117 km, đường Tây Nghệ An dài 123 km.
 
Hiện tỉnh đang thúc đẩy thi công nhiều tuyến đường trọng điểm nối liền các vùng và khu kinh tế lân cận. Sân bay Vinh được nâng cấp và đang khai thác hiệu quả 5 tuyến bay nội địa và 1 tuyến bay quốc tế (Vinh - Thủ đô Viêng Chăn, Lào), hiện đang đầu tư xây dựng cảng hàng không có quy mô 2,5 triệu hành khách/năm. Nhiều công trình từ các cửa ngõ phía Bắc, phía Nam và phía Tây của TP Vinh đã góp phần thay đổi diện mạo cho thủ phủ của tỉnh. Bên cạnh đó, giao thông nông thôn, đặc biệt là miền núi được tăng cường đầu tư, giai đoạn 2006 - 2013, hoàn thành 25 tuyến đường vào các xã chưa có đường ôtô đến trung tâm, đường từ trung tâm xã đến thôn bản, đường từ thôn bản đến thôn bản...
 
Đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông nông thôn bằng các nguồn vốn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Đồng thời, xây dựng và đưa vào hoạt động 15 cầu treo và đang triển khai thi công 6 cầu để thay thế bến đò, nâng cấp các bến khách ngang sông… Tất cả tạo nên dấu ấn đáng ghi nhận, góp phần cải thiện hạ tầng, tạo thuận lợi trong thông thương, giao lưu kinh tế - xã hội. Về lâu dài, những công trình này hứa hẹn sẽ là động lực cho phát triển bền vững. 
 
Vấn đề đặt ra là trong thời gian tới, song song với huy động tối đa các nguồn vốn, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh đầu tư dàn trải. Cùng với đó, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát.
 
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, đồng thời quan tâm xử lý các vướng mắc cho nhà đầu tư. Để hiện thực hóa những nhiệm vụ trên, cần sự nỗ lực vào cuộc của cả các cơ quan, ban, ngành và người dân, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng Nghệ An thành tỉnh dẫn đầu, là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. 

Hồng Hạnh

Các tin khác