Kinh tế xã hội
Thực phẩm tươi sống 'tấn công' vỉa hè
08:40, 16/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dạo quanh TP Vinh, phóng viên đã ghi lại được tại một số tuyến đường như Lệ Ninh, Nguyễn Sỹ Sách, Herman, Lê Viết Thuật…, tình trạng người dân bày bán tràn lan thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bê, thịt dê… trên các vỉa hè. Số thực phẩm này không chỉ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn gây ra cảnh nhếch nhác và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Tại đường Nguyễn Sỹ Sách, thuộc địa bàn phường Hưng Phúc, trên đoạn đường gần 200 m, luôn có 5 - 6 sạp bán thực phẩm tươi sống là thịt bê, thịt me thui và 2 - 3 sạp bán thịt lợn. Tuy được kê trên những chiếc bàn cao nhưng thực phẩm tươi sống ở đây không có dụng cụ đuổi ruồi, nhặng, che đậy nhằm tránh khói bụi ô nhiễm. Tình trạng bán thịt động vật tươi sống diễn ra hàng ngày một cách ngang nhiên nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng nào xử lý. Việc lấn chiếm lòng, lề đường để bán thực phẩm tươi sống ngay trên vỉa hè không chỉ gây mất mỹ quan thành phố mà còn tiềm ẩn những nguy hiểm về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thực phẩm tươi sống được các hộ dân bày bán ở vỉa hè mà không có dụng cụ đuổi ruồi, nhặng, che đậy khỏi khói bụi ô nhiễm |
Theo thống kê của UBND phường Hưng Phúc, trên địa bàn, ngoài khu vực chợ tạm, hiện còn 8 trường hợp kinh doanh buôn bán thực phẩm (thịt bê) trên vỉa hè tại tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách và 4 trường hợp bán thịt lợn tại tuyến đường Herman và các tuyến đường liên khối phố. Thời điểm bán hàng vào buổi sáng, gần trưa và xế chiều mỗi ngày.
Làm rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng nói trên, chúng tôi gặp ông Nguyễn Tiến Đức, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Vinh.
Ông Đức cho hay: Tại địa bàn thành phố, khó khăn nhất trong công tác quản lý gia súc trôi nổi hiện nay là chính quyền các phường, xã chưa thật sự chú trọng đến công tác thú y, còn xem nhẹ việc kiểm tra, quản lý, giám sát hàng hóa, gia súc, quản lý các loại dịch bệnh. “Hiện nay, việc xử lý còn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng bày bán thịt gia súc tại các lòng, lề đường còn phổ biến. Đặc biệt, đa số nguồn thực phẩm tươi sống này đều từ các huyện lân cận được các hộ dân mang vào TP Vinh để bán, vì vậy Trạm Thú y không thể kiểm soát”, ông Đức thừa nhận.
Khi được hỏi về vai trò của Trạm Thú y trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, theo ông Đức, hiện nay, chính quyền các phường, xã đang ỷ lại vào Chi cục Thú y, nhưng theo Khoản 5, Điều 10, Pháp lệnh Thú y thì việc quản lý dịch bệnh là trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Còn Trạm Thú y chỉ chuyên về kỹ thuật chuyên môn, chỉ có thể đến kiểm tra thực phẩm tươi sống bằng những biện pháp lâm sàng, nếu không đạt yêu cầu thì khi ấy mới lập biên bản và gọi chính quyền địa phương ra xử lý. Tuy nhiên, nhiều phường, xã vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác này, việc xử phạt còn mang tính cả nể.
Thiết nghĩ, để TP Vinh không mất mỹ quan đô thị, người tiêu dùng đảm bảo được sức khỏe, cần phải có sự chỉ đạo thường xuyên của chính quyền các cấp, đặc biệt là từ cơ sở. Theo đó, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở kinh doanh vi phạm để người tiêu dùng biết. Hoặc, kiểm soát và quản lý công tác giết mổ, vận chuyển, lưu thông ngay từ các lò mổ, sự phối hợp của các chính quyền phường, xã với công tác thú y.
Còn việc cơ quan chức năng có ra quân truy quét, tịch thu tang vật hay xử lý hành chính, đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Vấn đề mấu chốt là phải đưa các tiểu thương về hoạt động ở chợ để dễ quản lý cả về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn hạn chế việc bày bán ở các lòng, lề đường. Đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định, góp phần đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, nâng cao chất lượng các tuyến phố văn minh, đảm bảo mỹ quan đô thị cho thành phố.
Thu Thủy