Kinh tế xã hội

Kỳ họp HĐND tỉnh thứ 13, khóa XVI

'Nóng' các vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản và an sinh xã hội

14:55, 13/12/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Năm 2014, mặc dù trong bối cảnh chung còn gặp nhiều khó khăn, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh linh hoạt trong quản lý, điều hành các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nên đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản đề ra. Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn tồn tại, gây bức xúc đối với cử tri trong thời gian qua như: Đầu tư xây dựng cơ bản còn dở dang; nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn tràn lan; tình trạng dôi dư giáo viên hiện nay chưa được giải quyết…

Đầu tư dàn trải, chậm hoàn thành dự án

Trước khi kỳ họp HĐND tỉnh thứ 13, Khóa XVI nhiệm kỳ 2011 - 2016 diễn ra, đa số các cử tri đều quan tâm, phản ánh tình trạng đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay đang còn dàn trải, thiếu tập trung. Nhiều công trình đầu tư do thiếu vốn nên còn dang dở, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 600 hồ, đập thủy lợi lớn, nhỏ với dung tích gần 4 triệu m3 nước cung cấp cho sản xuất, phục vụ dân sinh, điều tiết lũ ở vùng hạ du.

Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đều được xây dựng vào những năm 1960 - 1980, nay đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo tốt công tác phục vụ nước cho sản xuất, cử tri các địa phương mong muốn tỉnh cần có chính sách duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình này, tránh nguy cơ vỡ hồ, đập bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh.

Ngoài ra, cử tri các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, TX Cửa Lò cũng phản ánh việc thi công tuyến đường ngang N2 thuộc Khu kinh tế Đông Nam hiện nay quá chậm, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Cử tri đề nghị tỉnh cần có giải pháp chống ngập úng, ách tắc giao thông do các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam gây ra.

1921 anh up.zip
Cầu treo bắc qua sông Nậm Mộ tại xã Xá Lượng (Tương Dương) thi công dang dở từ nhiều năm nay

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cử tri các huyện Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Tương Dương, Kỳ Sơn… cũng quan tâm, kiến nghị: Nhiều tuyến đường đi qua địa bàn các địa phương này hiện nay thi công dang dở, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân giữa các vùng, miền với nhau.

Mặt khác, việc thi công, nâng cấp còn “đứt đoạn” tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với người và phương tiện. Nhiều công trình phục vụ dân sinh được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước, song khi mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp hoặc bỏ hoang, gây lãng phí tiền tỉ như Bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương, các công trình nước sạch, hệ thống chợ ở các xã miền núi hiện nay đang được cử tri quan tâm.

Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống điện lưới ở nông thôn hiện nay vẫn chưa được triển khai, nâng cấp, sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Thông qua kỳ họp HĐND tỉnh lần này, cử tri cũng đề nghị tỉnh cần chỉ đạo ngành điện lực nhanh chóng sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện lưới nông thôn hiện nay đã xuống cấp, tránh gây hậu quả đáng tiếc đối với người dân, nhất là vào mùa mưa lũ.

Về vấn đề này, cử tri cũng đề nghị ngành điện lực sớm trả lại nguồn vốn đường lưới điện hạ thế do nhân dân đóng góp làm, đã bàn giao cho ngành điện quản lý, đối với những xã chưa hoàn thành.

Sớm giải quyết những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, ở một số địa phương, người dân phản ánh tình trạng trường học xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học còn diễn ra. Đơn cử như tại Trường Tiểu học xã Diễn Trường (Diễn Châu), cơ sở vật chất được xây dựng từ năm 1964 với 18 phòng học nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Còn cử tri tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong phản ánh, đề nghị tỉnh cần hỗ trợ xây dựng nhà bán trú, bếp ăn cho học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học kiên cố đối với các điểm trường ở các bản lẻ còn chưa được quan tâm đầu tư kịp thời.

Một vấn đề mà cử tri cũng như dư luận quan tâm trong thời gian qua, đó là tình trạng giáo viên dôi dư, thừa, thiếu cục bộ tồn tại đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tính đến thời điểm hiện nay, cả tỉnh mới có 3/21 huyện, thị xây dựng Đề án giải quyết giáo viên dôi dư theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ. Tình trạng giáo viên dạy chéo môn nhưng vẫn chưa được đào tạo lại nên chất lượng giáo dục còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc điều chuyển giáo viên từ trường này sang trường khác diễn ra thiếu minh bạch, công khai, gây hoang mang tới tâm lý của giáo viên. Đơn cử như tại huyện Quỳnh Lưu, gần 2 năm nay, địa phương này đã thực hiện việc điều chuyển giáo viên cấp tiểu học và THCS một cách ồ ạt, bất thường, thiếu minh bạch, gây bức xúc trong ngành giáo dục…

Đối với vấn đề phụ cấp cho cán bộ cơ sở, trực tiếp là cán bộ thôn, bản hiện nay còn nhiều bất cập. Theo phản ánh, việc chi trả phụ cấp cho y tế thôn, xóm theo Nghị quyết 117 của HĐND tỉnh thực hiện còn chậm, trong khi các chức danh khác ở thôn, xóm hiện nay đã được hưởng theo mức phụ cấp mới.

Cử tri cũng phản ánh tình trạng nợ đọng BHXH còn tồn tại khiến cho người lao động trong các doanh nghiệp bị phá sản không được hưởng bất kỳ một chế độ chính sách gì, mong muốn tỉnh cần quan tâm, giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tình trạng con em học xong đại học, đầu tư chi phí lớn nhưng khi ra trường không có việc làm đang còn diễn ra, đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, có chính sách cụ thể nhằm giảm bớt bất cập giữa đào tạo và bố trí sử dụng…

Nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, quản lý đất đai, giải quyết ô nhiễm ở các nhà máy, khu công nghiệp… còn gây bức xúc trong nhân dân, chưa được giải quyết triệt để sẽ được các đại biểu HĐND tỉnh đưa ra và chất vấn các cơ quan chức năng tại kỳ họp lần này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về những vấn đề cử tri cũng như dư luận quan tâm và giải quyết của các ngành liên quan trong số báo tiếp theo.

Ngọc Thái (tổng hợp)

Các tin khác