Kinh tế xã hội
Gửi về UBND huyện Thanh Chương
Cần giải quyết dứt điểm những hậu quả sau tiêu cực tại xã Thanh Hương
08:57, 16/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm 1997, khi ông Nguyễn Bá Lý lên làm Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hương, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội địa phương bắt đầu xuất hiện những bất ổn. Nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến nhân vật này bị phát giác. Sau các kết luận thanh tra, ông Lý buộc phải nhận “lương hưu trước tuổi”, nhưng những hệ lụy vẫn chưa có hồi kết. Làng, xã Thanh Hương vẫn chưa yên sau những tiêu cực do vị lãnh đạo “gạo cội” này gây ra.
Những tiêu cực động trời
Trong tâm trí những người nguyên là lãnh đạo, lãnh đạo đương nhiệm và người dân xã Thanh Hương, “bão tố” mà ông Nguyễn Bá Lý cùng “bộ sậu” gây ra dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Ông Lý, từ cương vị Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hương, một thời ngang tàng đã đem đến cho địa phương này nhiều tai ương, biến cố.
Một tuyến đường đổ cấp phối hàng trăm triệu đồng nhưng không phát huy hiệu quả |
Năm 1997, ông Lý chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch UBND xã Thanh Hương. Ông lần lượt đưa con trai, anh trai và những người trong dòng tộc vào những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương. Ông Lý cùng “bộ sậu” bắt đầu “sa lầy” vào những tiêu cực nhằm củng cố địa vị và tăng cường tiềm lực tài chính. Theo nội dung đơn tố cáo của công dân, ông Lý cùng vây cánh của mình đã liên quan đến nhiều vụ tiêu cực tại địa phương.
Những vụ việc này, hoặc do ông Lý trực tiếp chỉ đạo hoặc gián tiếp liên quan. Nhiều đoàn thanh tra của các cấp, ngành được thành lập, cuối cùng cũng đã tìm được tiếng nói chung, phần nào giải tỏa được không khí ngột ngạt đang diễn ra trong lòng người dân xã Thanh Hương. Có thể kể đến một số tiêu cực chính như: Chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở trong chương trình điện khí hóa nông thôn, dẫn đến nợ nần chồng chất, phải huy động nhân dân từ trẻ sơ sinh đến các cụ già 80 - 90 tuổi cùng “còng lưng” gánh nợ. Trên thực tế, do hồ sơ sổ sách không được công khai, minh bạch nên người dân Thanh Hương cho rằng, xã có nợ hay không và nợ bao nhiêu không ai dám khẳng định.
Nghiêm trọng hơn là việc khi chưa có quyết định quy hoạch của ban, ngành cấp trên, UBND xã Thanh Hương đứng đầu là ông Nguyễn Bá Lý đã tự ý phân lô, cho thuê 42 lô đất với thời hạn 5 năm, thực chất là “đón lõng” quy hoạch thị tứ, nhằm mục đích bán đất, thu tiền. Số tiền thuê đất được thu bằng hai loại hóa đơn, một số được nhập vào kho bạc Nhà nước, một số giữ lại ngân sách xã. Nguồn vốn hỗ trợ của tổ chức OXPAM (Mỹ) tài trợ người dân phát triển kinh tế cũng bị chính quyền xã Thanh Hương “vay tạm” đem đi... trả nợ đường điện.
Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng, các dự án, dù đã thực hiện, bàn giao và đưa vào sử dụng hàng năm trời nhưng bộ máy chính quyền dưới thời ông Lý vẫn không thanh quyết toán khiến người dân hoài nghi. Chưa kể, công trình điện khí hóa nông thôn hàng chục năm trời không thanh quyết toán, nhiều công trình xây dựng, dân sinh có dấu hiệu bị “rút ruột”... Một số người dân Thanh Hương còn phân vân, với việc nhiều công trình, dự án được tài trợ triển khai tại xã 135 này hàng chục năm qua không được quyết toán rõ ràng thì không biết số tiền thất thoát sẽ là bao nhiêu?
Cần giải quyết dứt điểm
Những lá đơn vẫn tiếp tục được gửi đi, dù hiện nay ông Lý không còn tại vị. Sau khi các kết quả thanh tra được công bố, những hậu quả do ông Lý và các đồng sự của mình gây ra vẫn chưa được khắc phục triệt để khiến người dân, cử tri bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Thanh Hương, sau khi ông Lý rời vị trí, địa phương đã khắc phục được một số hậu quả. Số tiền thủy lợi phí giai đoạn 2008 - 2013 đã được quyết toán. Giai đoạn 1997 - 2010, ông Lý với vị trí Chủ tịch UBND xã đã vay 395 triệu đồng tiền xi măng làm giao thông nông thôn, hiện nay vẫn còn nợ 140 triệu đồng chưa biết lấy đâu ra để trả. Ngoài ra, UBND xã Thanh Hương còn nợ gần 300 tấn xi măng xây dựng mương dẫn nước, đường liên thôn, cơ quan, trường học, trạm y tế do chưa đủ hồ sơ thủ tục. Số tiền “vay tạm” của tổ chức OXPAM để trả cho công trình điện khí hóa nông thôn hiện nay cũng chưa được hoàn trả.
Theo như lời ông Nguyễn Văn Tư, thì điểm tích cực đáng kể nhất sau những tiêu cực tại xã Thanh Hương là việc “giải cứu” được 42 lô đất. Sau khi xin ý kiến của cấp trên, UBND xã Thanh Hương đã thông báo cho các hộ dân trực tiếp đến UBND xã làm thủ tục. Hộ nào chưa nộp đủ tiền thì phải bổ sung để xin cấp GCN QSDĐ. Đến nay, hầu hết các hộ dân này đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và đang hoàn tất các thủ tục.
Ngoài các vấn đề đã được thanh tra làm rõ, nhiều cử tri xã Thanh Hương còn cho rằng, việc xây dựng một số tuyến đường liên xóm, đổ cấp phối một số tuyến mất hàng tỉ đồng nhưng hiệu quả không cao, có dấu hiệu “rút ruột” công trình. Riêng công trình đường xóm 2 đi xóm 3, dù báo cáo kinh phí trên dưới 1,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Tấn, Xóm trưởng xóm 6, xã Thanh Hương thì 2 xóm này nằm sát nhau, thực tế không có một con đường liên xóm nào được làm(?). Tuy nhiên, Công văn số 2298/UBND ngày 24/10/2014 của UBND huyện Thanh Chương lại cho rằng: “Ngày 17/2/2014, Hội đồng thẩm tra quyết toán vốn đầu tư huyện Thanh Chương đã có biên bản thẩm tra quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành”.
“Đường không xây dựng mà vẫn thẩm tra quyết toán được, chắc chỉ có UBND huyện Thanh Chương mới làm được như vậy. Sau các kết quả thanh tra, chúng tôi vẫn rất mong chờ cấp trên sẽ mạnh tay hơn nữa, quy rõ trách nhiệm bồi hoàn đối với từng cá nhân đã “dính chàm”. Chỉ khi làm được như vậy, lòng dân mới yên, nhân dân mới thực sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền”, ông Tấn cho biết.
Văn Dũng