Kinh tế xã hội
Khu tái định cư Kẻ Tắt bỏ hoang
Người Đan Lai chờ đến bao giờ?
16:14, 05/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Khu tái định cư số 2 ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông được khởi công xây dựng từ đầu năm 2011, dự kiến đến đầu năm 2014 sẽ hoàn thành và đón 35 hộ dân người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát về đây sinh sống. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, đến nay, khu tái định cư này vẫn chưa hoàn thành, nhiều hạng mục còn dang dở…
Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh ở huyện Thanh Chương. Khoảng thế kỷ 16, do sự áp bức, truy sát của triều đình phong kiến, dòng họ La dắt díu nhau chạy trốn ngược lên miền rừng núi xa xôi hẻo lánh ở thượng nguồn Khe Khặng, vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông.
Những ngôi nhà bỏ hoang tại khu tái định cư cho người Đan Lai ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông |
Qua thời gian định cư, lao động và sản xuất đã hình thành nên một tộc người mới: Tộc người Đan Lai. Do có cuộc sống tách biệt hoàn toàn với các tộc người khác nên người Đan Lai có trình độ dân trí thấp, tồn dư nhiều hủ tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống. Đó chính là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng của tộc người này.
Trước tình hình đó, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 280/2006/QĐ-TTg: “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”. Tổng số vốn đầu tư thực hiện Đề án này là 93 tỉ đồng, được chia thành 3 hợp phần chính.
Hợp phần 1: Xây dựng khu tái định cư và tổ chức di chuyển 146 hộ tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại thượng nguồn Khe Khặng thuộc 2 bản Khe Cồn và Khe Búng, xã Môn Sơn đến sinh sống tại 3 bản Kẻ Gia, Kẻ Tắt, Bá Hạ, thuộc xã Thạch Ngàn.
Hợp phần 2: Tổ chức ổn định sản xuất, đời sống và văn hóa xã hội cho 30 hộ dân tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn để phối hợp với Bộ đội Biên Phòng, lực lượng Kiểm lâm, cơ quan quản lý du lịch làm tốt công tác giữ gìn ANTT biên giới, bảo vệ rừng và kết hợp phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát. Hợp phần 3: Tiếp tục hỗ trợ ổn định sản xuất cho 36 hộ đồng bào Đan Lai đã di chuyển năm 2002 đến ở tại 2 bản Tân Sơn, Cửa Rào, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.
Đến nay, sau nhiều năm triển khai Đề án 280/2006 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh một số hạng mục đã hoàn thành, đưa vào sử dụng thì vẫn còn nhiều công trình dở dang chưa biết đến lúc nào mới xây dựng xong. Trong đó, đáng kể là Dự án xây dựng các hạng mục công trình tại khu tái định cư số 2 ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn. Theo kế hoạch, đầu năm 2014, khu tái định cư bản Kẻ Tắt sẽ hoàn thành, đón nhận 35 hộ dân người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát về đây sinh sống. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, đến nay, giá trị khối lượng hoàn thành được quyết toán đạt 64,7% trên tổng mức đầu tư được duyệt (mới chỉ hoàn thành 26/35 ngôi nhà tái định cư).
Thời điểm cuối tháng 10/2014, chúng tôi có mặt tại điểm tái định cư số 2 đã ghi nhận hàng chục ngôi nhà sàn có khung bằng bê tông, thưng xung quanh bằng phên nứa nằm san sát bên nhau đang bị cỏ dại chen lấn. Một số tấm phên nứa thưng tường, lát nền nhà sàn bắt đầu bị mục nát, hư hỏng… Các công trình trường học, trạm xá, nhà cộng đồng cũng bị cỏ cây chen lấn hết cả lối đi. Một số ngôi nhà sàn được đổ khung bằng bê tông, cốt thép đứng chơ vơ giữa trời. Ngoài ra, các hạng mục như: Nước sinh hoạt, nhà vệ sinh vẫn chưa được xây dựng. Do vậy, việc đưa người dân ở thượng nguồn sông Giăng về đây sinh sống chưa thể thực hiện được.
Theo ông Sầm Văn Bửu, Trưởng phòng Định canh định cư, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: “Khó khăn nhất trong việc đưa 35 hộ dân Đan Lai về điểm tái định cư số 2 là ngân sách đang thiếu. Dự án đang thiếu gần 15 tỉ đồng để xây dựng 9 ngôi nhà tái định cư và hoàn thành một số hạng mục để đưa người Đan Lai về sinh sống…”.
Ngoài ra, quá trình khảo sát thực tế chưa chính xác dẫn đến việc triển khai Đề án gặp không ít khó khăn. Tại điểm tái định cư số 3, do khảo sát thực địa chưa chính xác dẫn đến việc thiếu đất sản xuất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt… Vì vậy, Đề án không thực hiện được. Một khó khăn nữa trong việc thực hiện Đề án là một số người dân còn có tư tưởng tách hộ để được hưởng chính sách Nhà nước. Do đó, trong thời gian thực hiện Đề án từ năm 2007 đến nay đã có thêm 78 hộ dân được tách ra (nâng tổng số hộ dân lên hơn 170 hộ), dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nơi ở. Hiện nay, tỉnh không có ngân sách để chi cho việc thực hiện Đề án mà trông chờ vào nguồn vốn của Chính phủ - ông Bửu cho biết thêm.
Từ thực tế cho thấy, Đề án 280/2006 của Chính phủ với mục đích đưa người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát đến nơi ở mới vẫn còn dở dang. Nhiều công trình xây dựng có giá trị hàng tỉ đồng “phơi nắng, phơi sương” dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân Đan Lai đã được di dời đến nơi ở mới lại đang gặp phải những khó khăn về nước sạch, đất sản xuất… Mong rằng, Ban chỉ đạo Đề án và các cơ quan chức năng cần có giải pháp hữu hiệu, sớm hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản, đưa người Đan Lai đến nơi ở mới, để họ được tiếp cận với nền văn minh hiện đại.
Đ.T