Kinh tế xã hội
'Chuyện từ chức là vấn đề đặt ra với tất cả những người có chức vụ, quyền hạn'
Vấn đề từ chức không phải là vấn đề mới, trong Luật Cán bộ, công chức đã quy định, nhưng thực tế, số lượng cán bộ từ chức rất ít, đặc biệt là những chức danh có nhiều ảnh hưởng với xã hội. Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề đang được dư luận quan tâm.
PV: Có ý kiến cho rằng, dự án Luật Tổ chức Chính phủ phải có quy định về từ chức. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thực ra, từ chức là vấn đề mà xã hội chúng ta cần phải đón nhận như một việc bình thường. Một cán bộ được giao chức vụ rồi tự thấy mình không phù hợp về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sở trường, do sức ép công việc,… đều có thể chọn cách từ chức chứ không nhất thiết phải là vì năng lực yếu kém, vì vi phạm đạo đức công vụ mà phải từ chức.
Và như thế, chuyện từ chức là vấn đề đặt ra với tất cả những người có chức vụ, quyền hạn do cơ quan có thẩm quyền giao. Việc này nếu quy định ở Luật Tổ chức Chính phủ cũng không toàn diện, mà phải quy định toàn diện trong các Luật như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân…
Thực tế hiện nay ở các nước, từ chức luôn phổ biến ở khối hành pháp, vì phải thực thi, xử lý những công việc hàng ngày, đặc biệt là những sự việc đột xuất, bất ngờ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời phỏng vấn báo chí |
PV: Quy định về từ chức đã có trong Luật Cán bộ, công chức, nhưng đến nay chưa ghi nhận kết quả đáng kể nào với việc thực hiện quy định trong thực tế. Có ý kiến cho rằng, cần một cơ chế để ràng buộc trách nhiệm mạnh mẽ hơn với các chức danh khối hành pháp - những vị trí hay “va chạm” với nhiều vấn đề lớn, liên quan đến nhiều người?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Luật Cán bộ, công chức đã có quy định về vấn đề này, mang tính bao quát và phủ rộng đến tất cả các cán bộ có chức vụ, quyền hạn được giao. Nếu bây giờ quy định thêm trong Luật về hoạt động giám sát nữa thì sẽ tốt hơn.
Còn chuyện từ chức đến nay chưa đi vào thực tế, theo tôi, cần phải nhìn rộng hơn. Tới đây, luật pháp cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng chức danh. Lúc đó thì chắc mọi việc sẽ khác.
Khi chức trách đã rõ ràng rồi, bất cứ người nào có tự trọng thì khi nhận trách nhiệm, nhiệm vụ gì cũng phải thực hiện cho tốt. Hiện nay, thực chất, việc đảm nhiệm chức trách là theo sự phân công. Giữa cá nhân và tập thể, phân công trách nhiệm cũng chưa thật rõ ràng, nên không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho một người cụ thể được.
Đúng là thực tế vừa qua, chưa có trường hợp nào từ chức đúng nghĩa như quy định, nhưng tôi hy vọng, triển khai rộng rãi nguyên tắc pháp quyền, các quy định mới của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các Luật, thì quy định về từ chức sẽ mang tính khả thi, đi vào thực tiễn.
PV: Quy định về từ chức sẽ như một đòn bẩy kích thích chế độ trách nhiệm đối với các vị trí người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, tránh tình trạng như vừa qua, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra mà không ai lên tiếng nhận trách nhiệm về mình?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Không riêng gì Chính phủ, ngay trong Quốc hội, cũng có thể nói, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình. Mà nếu nói về trách nhiệm chính trị của Thủ tướng, các Bộ trưởng với tư cách là các chính khách thì đại biểu Quốc hội chính là chính khách, được nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lực cao nhất. Vậy nên nói gì cũng phải công bằng, không nên phân biệt mức độ trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Theo tôi biết, các nước cũng không quy định trong luật về vấn đề từ chức. Đó là phạm trù thuộc về đạo đức công vụ. Ở đó, chỉ cần phát hiện ra một Bộ trưởng trong cuộc bầu cử sử dụng tài chính bất minh, có sai phạm này khác, như trường hợp 2 nữ Bộ trưởng của Nhật Bản vừa qua, là họ phải từ chức rồi.
Còn ở ta, công tác cán bộ là của Đảng, Đảng giao nhiệm vụ mà từ chức thì cán bộ đó cũng phải báo cáo tổ chức chứ. Đó là nguyên tắc, trừ khi người đó sai phạm quá rõ ràng.
PV: Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng là "Tư lệnh ngành" phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý, khi "sự cố" xảy ra phải sớm từ chức để tránh một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nặng nề ...?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nếu gọi tôi là một “Tư lệnh” trong lĩnh vực Tư pháp thì hoàn toàn không đúng, vì tôi chỉ đứng đầu Bộ Tư pháp thôi chứ lĩnh vực tư pháp ở địa phương, đơn vị pháp chế của các Bộ khác cũng không phải thuộc quyền tôi quản lý.
Còn ở các nước, tư pháp là công việc của Trung ương. Ngay cả hộ tịch viên cấp xã cũng là người của Trung ương cử xuống để làm công tác về hộ tịch. Như thế thì cán bộ cấp dưới nhất nhất không thể làm sai lệnh của cấp trên, của Bộ trưởng được. Còn ở Việt Nam hiện nay, hộ tịch viên cấp xã là cán bộ do Chủ tịch xã quản lý. Thế thì làm sao nói Bộ trưởng Tư pháp phải chịu trách nhiệm cho việc cấp dưới làm được.
Cơ chế phân công, phân cấp quyền lực là yếu tố để đảm bảo người đứng đầu có quyền lực toàn vẹn, đồng thời cũng là để người đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về công việc được giao.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: dangcongsan.vn