Trong những lúc thiên tai, hoạn nạn, các cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy đóng ở cơ sở đã phát huy tinh thần xung kích, nỗ lực ứng cứu, giúp đỡ người dân.
Mưa lũ trong những ngày qua gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản đối với các tỉnh ở miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại các địa phương thấp trũng, nước lũ dâng cao gây ngập lụt diện rộng khiến người dân không kịp trở tay. Và trong những lúc thiên tai, hoạn nạn như thế, các cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy đóng ở cơ sở đã phát huy tinh thần xung kích, nỗ lực ứng cứu, giúp đỡ người dân.
Huyện Quảng Điền là vùng thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên-Huế nằm ở hạ lưu sông Bồ với dân số khoảng 108.186 người. Mưa lớn kéo dài cùng vớiviệc xả lũ của hồ thủy điện Hương Điền khiến địa bàn huyện Quảng Điền bị ngập lụt nặng.
Từ trụ sở Công an huyện đến Công an các xã đều bị lũ lụt chia cắt, nước ngập sâu từ 0,7 đến 2m. Tuyến đường QL49B và các tuyến tỉnh lộ 4, 11A, 19 đều ngập sâu từ 1 đến 1,5m, có nơi nước lên đến 2m…
Sáng 22/10, chúng tôi về xã Quảng Thành - vùng bị ngập lụt sâu nhất của huyện Quảng Điền. Tuyến đường tỉnh lộ 4B dẫn vào xã vẫn còn ngập sâu nhiều điểm từ 0,3 đến 0,5m. Lúc chúng tôi đến, Trung tá Vương Hưng Long, Trưởng Công an xã Quảng Thành đang cùng các CBCS đơn vị triển khai các phương án giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Anh cho biết, toàn xã có 3.078 hộ dân, với 12.987 khẩu thì 100% số nhà dân đều bị ngập lụt từ 1-1,5m, thậm chí có nơi đến 2m.
Cháu bé Lê Phúc Đạt, con của chị Hồ Thị Huệ được các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quảng Điền vượt lũ đưa đến bệnh viện điều trị. |
Do nước dâng cao nên 138 hộ dân ở thôn Quán Hòa nằm sát phá Tam Giang bị cô lập. Mưa lũ quá lớn nên nhà cửa của CBCS đơn vị đều bị ngập lụt nặng. Nhiều CBCS có nhà ở TP Huế cũng bị ngập lụt nhưng vì địa bàn xã thấp trũng, ngập sâu, người dân cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của lực lượng Công an xã nên các CBCS điện thoại về nhờ người thân giúp di dời người và tài sản, còn mình ở lại đơn vị để túc trực ứng cứ, di dời dân.
“Có thời điểm phòng làm việc của CBCS tại trụ sở UBND xã bị nước ngập đến 1,4m, nhưng với phương châm “4 tại chỗ”, anh em chúng tôi đã bám địa bàn, cùng với lực lượng địa phương giúp đỡ, di dời các hộ dân ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Nhiều hộ dân tránh lũ ở trên gác xép không có bếp nấu ăn, không có lương thực dự trữ cũng được các CBCS sử dụng phương tiện đường thủy đến tiếp tế”, Trung tá Vương Hưng Long nói.
Với sự tận tâm, tận tình trong công tác cứu nạn, cứu hộ, giúp dân trong thời điểm mưa lũ, các CBCS Công an xã Quảng An (huyện Quảng Điền) cũng đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương.
Thượng úy Hoàng Đình Tài, cán bộ Công an xã Quảng An kể lại, tối 13/10, trong lúc nước lũ đang dâng nhanh, Công an xã nhận được tin báo về việc cháu Lê Phúc Đạt (3 tháng tuổi, ở thôn Phước Thanh) sốt cao, có dấu hiệu trở bệnh nặng. Do các tuyến đường ở địa bàn xã nước ngập sâu hơn 2m, nên Thượng úy Tài cùng với Thượng úy Nguyễn Đình Hiếu đã dùng đò máy đi vào thôn Phước Thanh ngay trong đêm tối để đưa cháu Đạt cùng chị Hồ Thị Huệ (mẹ cháu Đạt) đến Trạm y tế xã. Tiếp đó, 2 mẹ con chị Huệ được các CBCS Công an xã Quảng An và Công an huyện Quảng Điền sử dụng ca nô đưa đến Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền để cấp cứu, điều trị bệnh kịp thời.
“Nhờ có các đồng chí Công an xã và Công an huyện mà con tôi được chuyển đến Bệnh viện để điều trị kịp thời. Giờ cháu đã khỏi bệnh, đã xuất viện về nhà nên gia đình chúng tôi rất biết ơn các anh”, chị Huệ xúc động nói.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Nam, Trưởng Công an xã Quảng An, ngoài trường hợp nói trên, trong thời gian mưa lũ vừa qua, các CBCS đơn vị còn ứng cứu khẩn cấp nhiều trường hợp bị thương để đưa đến bệnh viện cấp cứu. Điển hình như ngày 18/10, khi hay tin ông Nguyễn Định (50 tuổi, ở thôn Phước Thanh) lúc chằng mái nhà bị tôn cắt sâu vào tay, chảy rất nhiều máu nên Công An xã Quảng An liền cử 3 đồng chí Công an chính quy sử dụng đò máy vượt lũ đến nhà ông Định để đưa nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện băng bó vết thương.
Hay khi biết cụ bà Lê Thị Nghiêm (SN 1940, ở thôn Đông Xuyên) ở trong căn nhà bị nước ngập sâu đến 1,5m nhưng không chịu di dời, các CBCS Công an xã vượt mưa lũ đến vận động, khuyên nhủ để đưa cụ Nghiêm sang tá túc ở ngôi nhà cao tầng của hàng xóm…
Trò chuyện cùng chúng tôi, Thượng tá Lê Xuân Hoàng, Phó trưởng Công an huyện Quảng Điền, cho hay, đơn vị đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), qua đó đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời, sơ tán 1.133 hộ, với 2.752 khẩu đến nơi an toàn.
Đến nay, 10 xã ở địa bàn huyện, mỗi xã đều đã được bố trí đủ 5 CBCS Công an chính quy. Các CBCS Công an chính quy về cơ sở đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ Công an và đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho người dân.
Thai phụ được CBCS Công an phường Phú Hội, TP Huế hỗ trợ đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế sinh con an toàn. |
Đặc biệt, trong thiên tai, bão lũ, CBCS Công an chính quy ở cơ sở đã phát huy vai trò nòng cốt, sẵn sàng ứng trực, giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; đã ứng cứu kịp thời 34 người dân, trong đó có 4 sản phụ, 3 bệnh nhân cấp cứu, 11 người bị lật thuyền…
Trong những ngày bão lũ vừa qua, người dân ở vùng lũ các tỉnh miền Trung phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nước lũ dâng cao, nhấn chìm tất cả tài sản, cùng với đó còn cướp đi sinh mạng của nhiều người. Và trong lúc hoạn nạn đó, hình ảnh những người chiến sỹ CAND không quản ngày đêm, vượt dòng lũ dữ, giúp đỡ, hỗ trợ người dân để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân.
Bao nhiêu ngày mưa lũ là bấy nhiêu ngày, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an không về đơn vị, không về nhà, cắm chốt ở các điểm lũ để làm nhiệm vụ. Bất kể ngày hay đêm, nhận được tiếng kêu gọi giúp đỡ từ người dân là các chiến sĩ Công an lập tức có mặt, tận tụy, ân cần cõng người già, trẻ em, rồi lăn xả cứu hàng, gia cố nhà cửa, không nề hà gian khó. |
Với các chiến sĩ đó không chỉ là mệnh lệnh nhiệm vụ mà còn là "mệnh lệnh từ trái tim". |
Còn nhớ vụ việc mới xảy ra hôm 19/10, giữa cơn mưa tầm tã lúc 1h sáng, lực lượng Công an huyện Bố Trạch bất ngờ nhận được tin báo về việc xe ôtô khách BKS 43B - 024.54 chạy hướng Bắc – Nam, trên xe có 18 người, trong đó có 5 phụ nữ và 1 em bé 2 tuổi. Khi qua đoạn bị ngập lụt ở ngầm Khe Gát, thuộc tổ dân phố Chiến Thắng, thị trấn Nông trường Việt Trung thì xe bị lũ cuốn trôi cách đường vài chục mét. Nhận định đây là tình huống rất nghiêm trọng, xảy ra trong thời điểm mưa lũ phức tạp, một phút giây chậm trễ cũng khiến tính mạng của người dân gặp nguy hiểm, Công an huyện Bố Trạch đã lập tức điều động lực lượng với 100 cán bộ chiến sĩ cùng 5 xe ôtô và các trang thiết bị đến hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ. Trong đêm tối giữa dòng nước xiết, các chiến sĩ Công an bơi ra chiếc xe, sau đó đập kính, buộc dây vào xe rồi tổ chức cho người bị nạn trên xe cầm dây đi vào bờ. Đến gần 4h sáng, lực lượng cứu hộ mới đưa được 5 phụ nữ và 1 em bé khoảng 2 tuổi ra khỏi xe sau đó tiếp tục giải cứu những hành khách còn lại. |
Khi hành khách cuối cùng được đưa vào bờ an toàn, hàng trăm người dân chứng kiến đã vỡ òa trong sung sướng. Trong số các nạn nhân của vụ việc, em bé 2 tuổi do quá hoảng sợ nên đã khóc rất nhiều. Thấy vậy, một chiến sĩ công an đã cởi quân phục của mình, cuốn vào cho bé để ủ ấm và vỗ về. Trên suốt quãng đường từ ngầm tràn Khe Ngát, nơi chiếc xe khách gặp nạn về tới trạm xá thị trấn Nông trường Việt Trung, người chiến sĩ công an ấy luôn cố gắng ủ ấm và dỗ cho bé ngủ. Hình ảnh này đã lan tỏa khiến người dân vùng lũ cảm thấy ấm lòng. |
Tại TP Đông Hà, Quảng Trị, chiều 17/10, khi nhận được tin báo về việc nước lũ dâng cao tại nhiều điểm trong thành phố, các CBCS của Phòng cảnh sát PCCC&CHCN - Công an tỉnh đã lập tức triển khai lực lượng cùng phương tiện đến “điểm nóng” di tản người dân. Khu vực các CBCS phải di tản người dân là tuyến đường Đặng Dung, phường 2 (TP Đông Hà). Lúc này nước đang dâng rất cao, tới gần 1,40m cùng với đó là mưa to khiến việc di chuyển rất khó khăn. |
Trong quá trình di tản người dân trên đường Đặng Dung, các CBCS Công an đã cùng nhau hát vang ca khúc “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” của nhạc sĩ Trần Gia Cường nhằm động viên tinh thần toàn đội. Lúc này, người dân đang ngồi trên phao và được các CBCS Công an lội trong dòng nước để di chuyển. Hình ảnh xúc động ấy đã được chiến sĩ Nguyễn Ngọc Lai, một thành viên của tổ cứu hộ cứu nạn ghi lại bằng điện thoại. Hình ảnh bình dị ấy sau khi được đăng tải đã khiến nhiều bạn đọc xúc động, gửi lời cảm ơn đến lực lượng CAND không quản ngại nguy hiểm, làm nhiệm cứu dân trong mưa lũ. |
Và trong mỗi cuộc chiến như vậy, mất mát đau thương dù không ai mong muốn nhưng lại khó tránh khỏi, những trái tim quả cảm đã ngã xuống vì sự bình yên của người dân. Chiều muộn ngày 17/10, mưa lũ dâng cao khiến nhiều người dân ở xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đi làm rẫy bị mất tích. Nhận được tin báo, Công an xã và UBND xã Hướng Việt cử 7 cán bộ tham gia tìm kiếm. Khi đoàn đến Km193 đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây Hướng Việt đi Quảng Bình) thì bị núi sạt lở khiến Đại úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt hy sinh tại chỗ. Ba cán bộ xã khác bị thương. Còn bốn cán bộ khác bị cuốn mất tích nhưng sau đó đã trở về. |
Thi thể Đại úy Trương Văn Thắng sau đó được tìm thấy, tuy nhiên, mưa lũ một lần nữa thử thách đồng đội và gia đình của anh khi xã Hướng Việt, nơi anh hy sinh đã bị cô lập hoàn toàn nên không thể đưa ra ngoài. Nhưng nỗi đau lại trở thành động lực, đồng đội của Đại úy Trương Văn Thắng quyết tâm đưa anh về với gia đình. Công an tỉnh Quảng Trị và Công an huyện Hướng Hóa phối hợp người dân địa phương lội bộ, xẻ rừng từ điểm Hướng Phùng vòng qua sát biên giới Lào rồi men theo bờ sông Sê Băng Hiêng đi đến chân núi Tà Rùng; từ đây tiếp tục xẻ rừng, băng suối, leo ngược lên núi Tà Rùng đến Hướng Việt. Sau hơn một ngày băng rừng lội suối trong mưa lũ nguy hiểm, đồng đội đã đưa được Đại úy Trương Văn Thắng ra khỏi Hướng Việt và về với gia đình. |
Đây là sự mất mát lớn lao của gia đình, người thân và cả lực lượng công an. Sự hy sinh quên mình của người chiến sỹ trẻ sẽ mãi là tấm gương sáng về sự anh dũng, kiên cường, để những đồng chí, đồng đội noi gương và tiếp tục cống hiến hết sức mình, sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ hạnh phúc, bình yên cho người dân với lý tưởng vì nhân dân quên mình. Về hành động quên mình, dũng cảm xông pha tìm kiếm, cứu đồng bào Vân Kiều bị lở núi, lũ quét vùi lấp, cuốn trôi tại xã biên giới Hướng Việt của đồng chí Trương Văn Thắng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có thư biểu dương, khen ngợi. Đồng chí Bộ trưởng cũng đã ủy quyền cho Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị ký quyết định phong thăng cấp bậc hàm đối với đồng chí Trương Văn Thắng từ Thượng úy lên Đại úy. Ngày 20/10, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Đại úy Trương Văn Thắng. |
Sáng 19/10, nhận được thông tin có 2 sản phụ Phạm Thị Thủy (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), Đặng Thị Thu Hà (thôn 5, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) chuyển dạ cần đưa đến cơ sở y tế để sinh con, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã dùng bè kịp thời đưa sản phụ vượt lũ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên để đưa sản phụ sinh con kịp thời. Cũng trong ngày hôm đó, Công an thành phố Hà Tĩnh đã đưa thành công sản phụ Nguyễn Thị An (xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh) đến viện sinh con an toàn. |
Chiều 20/10, sau khi nhận được tin sản phụ Lê Thị Phương (xã Thạch Đĩnh, huyện Thạch Hà) và Dương Quỳnh Hương (phường Đại Nài, Thành phố Hà Tĩnh) lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã có mặt kịp thời đưa “sản phụ vượt cạn” thành công. |
Sáng 19/10, ông Hồ Văn Lợi (70 tuổi, ở phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) bị bệnh nhược cơ nhiều năm dẫn đến khó thở. Do đường đến bệnh viện ngập lụt nên người nhà không thể đưa ông Lợi đến bệnh viện. Nhận được thông tin, cán bộ, chiến sỹ Công an TP Hà Tĩnh trực tiếp dùng xe chuyên dụng đến tận nhà đưa ông Lợi đi cấp cứu. |