Thứ Hai, 28/09/2020, 10:33 [GMT+7]

Trách nhiệm thuộc về ai khi cây đổ làm chết người?

Thời quan qua, do mưa gió lớn nên nhiều cây xanh đổ ngã làm nhiều người bị thương, thậm chí gây chết người. Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh (Công ty cây xanh), tính từ đầu năm 2020 đến nay, đây là vụ thứ 4 xảy ra sự cố nghiêm trọng về người do cây đổ.
 
Vào sáng 26/5, cây phượng ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3) đổ khiến 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương làm nhiều người xót xa, đau lòng.
 
Còn vào chiều 24/9, cây xanh trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) bật gốc đè một người đi xe máy trên đường bị thương nặng, nạn nhân được đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Mặc dù được đội ngũ y bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng nạn nhân đã tử vong vào rạng sáng 25/9.
Cơ quan chức năng xử lý cây xanh đổ trên đường Nguyễn Tri Phương
Cơ quan chức năng xử lý cây xanh đổ trên đường Nguyễn Tri Phương
Việc cây đổ làm chết người khiến không ít người dân lo lắng khi mưa bão. Theo Công ty cây xanh, các cây nằm trên vỉa hè, đường phố do Nhà nước quản lý, trung bình mỗi công nhân quản lý 1.000 cây xanh, công nhân phải thường xuyên kiểm tra cây để bảo vệ cũng như phát hiện sự cố liên quan đến cây kịp thời có hướng xử lý.
 
Vậy, khi cây xanh đổ làm chết người, trách nhiệm thuộc về ai? Đối với trường hợp cây xanh trên đường Nguyễn Tri Phương được xác định do Công ty cây xanh quản lý, như vậy trách nhiệm thuộc đơn vị này.
 
Luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu cây xanh tự dưng bị bật gốc do bị sâu ăn, thối rễ, không được chăm sóc chu đáo, thì chủ cây xanh là Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu cây xanh đó do họ quản lý theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
 
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ trồng cây, quản lý và chăm sóc cây xanh, thì họ phải là người có trách nhiệm biết trước mùa mưa bão, thiên tai đến gần và tiến hành chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao, không thể để những tai nạn như vừa qua gây thương vong, thiệt hại cho người dân thành phố.
Đơn vị quản lý cây xanh đường phố tỉa cành, cắt nhánh cây trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3)
Đơn vị quản lý cây xanh đường phố tỉa cành, cắt nhánh cây trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3)
Tuy vậy, thực tế không phải mọi trường hợp tai nạn liên quan đến cây xanh đều được bồi thường. Bởi lẽ theo Điều 156 và Điều 584 Bộ luật Dân sự: Nếu các đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi công tác bảo vệ chăm sóc, biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đốn hạ cây, cành hư hỏng mục rỗng nhằm loại trừ các sự cố nhưng tai nạn vẫn xảy ra bởi mưa, gió, bão làm cây xanh gãy, đổ, bật gốc… gây thiệt hại cho người đi đường thì đây được xem là sự kiện bất khả kháng, vì vậy đơn vị quản lý cây xanh hoặc sẽ không phải bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
 
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
 
Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa. Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.
Người dân không đứng ở gốc cây to trú mưa
Người dân không đứng ở gốc cây to trú mưa
Các chuyên gia về cây xanh khuyến cáo khi mưa gió lớn, người dân hạn chế đi ra đường, không đứng ở gốc cây to trú mưa…  Bởi vì, khi nhìn bên ngoài cây xanh phát triển tươi tốt nhưng có thể cây xanh nào đó bị bệnh bên trong bộ rễ yếu và thối nhưng chưa được phát hiện. Việc tỉa cành, cắt nhánh chỉ giúp cây tránh gãy nhánh và chịu đựng ở mức độ nào đó khi mưa gió.

 

.

Nguồn: Nguyễn Cảnh/CAND

.