(Congannghean.vn)-Những năm qua, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi công tác cai nghiện, quản lý sau cai còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng, tiến tới xây dựng thành công Đề án “Xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy”, hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền đóng vai trò hết sức quan trọng.
Cán bộ Trung tâm LĐ-XH TP Vinh hướng dẫn học viên học nghề - Ảnh: Xuân Thống |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh, từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 9.456 lượt người nghiện, trong đó có 4.328 lượt tại các trung tâm lao động - xã hội, 5.128 lượt tại cộng đồng và gia đình.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm sau cai cũng được quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền thường xuyên được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung, phù hợp với thực tế, gắn với phương châm chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn và vận động người nghiện từ cơ sở. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế khách quan cho thấy, hiệu quả công tác cai nghiện, dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện sau cai còn hạn chế, tỉ lệ tái nghiện còn cao.
Ngoài những nguyên nhân như hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, việc chuyển đổi mô hình cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm cai nghiện còn khó khăn thì nhận thức về công tác quản lý người nghiện sau cai của các cấp chính quyền, sự kết hợp của các ban, ngành địa phương trong việc theo dõi, giúp đỡ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng còn lỏng lẻo, chính quyền địa phương mới chỉ tập trung vào việc quản lý người nghiện trên địa bàn chứ chưa có biện pháp phù hợp để hỗ trợ người nghiện cũng là những hạn chế lớn dẫn đến tình trạng nói trên.
Thời gian qua, Ban chỉ đạo các cấp đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện cho mọi tầng lớp nhân dân để từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp; đồng thời nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ người nghiện.
Các ngành liên quan như Công an, Sở LĐ-TB&XH, Y tế và Mặt trận Tổ quốc đã tích cực tuyên truyền, triển khai Chương trình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện do tỉnh ban hành. Đặc biệt, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai của các cấp được chú trọng thực hiện.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, đòi hỏi các cấp, ngành phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai.
Việc thực hiện công tác này phải dựa trên cơ sở gắn với phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ kết hợp với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội”.
Cùng với đó, cần phát huy tính tự giác, ý chí, quyết tâm của người nghiện cũng như trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong công tác cai nghiện, hướng đến môi trường không phân biệt, đối xử để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng và từng bước xây dựng cuộc sống mới.
Ngày 9/5/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 35/2016 về quy chế phối hợp lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thời gian áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy được tính cụ thể: Đối với cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng là từ 3 - 6 tháng; cai nghiện ma túy tự nguyện tại trung tâm, các cơ sở cai nghiện ngoài công lập theo nhu cầu của người nghiện và gia đình có người nghiện, nhưng thời gian tự nguyện cai nghiện tại trung tâm tối thiểu là 20 ngày; đối với cai nghiện bắt buộc thực hiện theo quy định tại Điều 95, Luật Xử lý vi phạm hành chính. |