Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201605/giao-duc-gioi-tinh-cho-tre-vi-thanh-nien-khong-phai-ve-duong-cho-huou-chay-677030/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201605/giao-duc-gioi-tinh-cho-tre-vi-thanh-nien-khong-phai-ve-duong-cho-huou-chay-677030/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Không phải 'vẽ đường cho hươu chạy' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 13/05/2016, 15:10 [GMT+7]
Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên

Không phải 'vẽ đường cho hươu chạy'

(Congannghean.vn)-Với quan niệm giáo dục giới tính là vấn đề nhạy cảm, khó nói và “vẽ đường cho hươu chạy”, không ít bậc phụ huynh thường né tránh khi con trẻ đề cập đến vấn đề này. Tại các trường học, vấn đề này cũng chưa được đưa vào chương trình giảng dạy mà chỉ được lồng ghép trong bộ môn sinh học với một vài tiết. Thực tế khiến nhiều trẻ trở nên lúng túng và phải tự tìm hiểu từ bạn bè, mạng internet. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Báo Công an Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tâm lý Dương Thị Thanh Thanh, Trưởng bộ môn Tâm lý Trường Đại học Vinh.

PV phỏng vấn TS Dương Thị Thanh Thanh
PV phỏng vấn TS Dương Thị Thanh Thanh

P.V: Chào Tiến sĩ! Được biết, theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 300.000 ca nạo phá thai nằm trong độ tuổi vị thành niên. Theo Tiến sĩ, nguyên nhân dẫn đến thực tế trên có phải do lỗ hổng trong công tác giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên?

TS Dương Thị Thanh Thanh: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có thai và tình trạng nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên, trong đó trước hết phải kể đến việc trẻ vị thành niên thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính sự thiếu hoặc yếu kém trong công tác giáo dục giới tính cho trẻ.

P.V: Qua tìm hiểu được biết, việc giáo dục giới tính ở nước ngoài được đưa vào chương trình giảng dạy rất sớm, thế nhưng ở nước ta hiện nay, vấn đề này mới chỉ được lồng ghép vào môn Sinh học với một vài tiết. Theo Tiến sĩ, việc giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi nào là phù hợp và có nên đưa vấn đề này vào giảng dạy trong nhà trường không?

TS Dương Thị Thanh Thanh: Ở những nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Pháp, Nhật..., giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy từ bậc tiểu học như một môn học chính thức; từ cấu tạo, chức năng các cơ quan tình dục của nam và nữ đến những biến đổi của cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì... đều được lý giải một cách tường tận về nguyên nhân và những trục trặc có thể xảy ra. Nhờ đó, nhiều trẻ đã hiểu rõ về cơ thể mình, về sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể giữa nam và nữ… nên trẻ có tâm thế sẵn sàng đón nhận những biến đổi của cơ thể, cũng như thiết lập ý thức tự bảo vệ bản thân.

Ở Việt Nam, những giờ học về giới tính ở các trường học còn rất hiếm hoi. Trong các gia đình, có rất ít cha mẹ quan tâm tới việc giảng giải cho con cái những kiến thức về giới tính, tình dục. Ngay cả vấn đề nên giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi nào, đưa giáo dục giới tính vào trong nhà trường ra sao hiện nay cũng đang gây tranh cãi.

Trên thực tế, có nhiều cha mẹ và cả thầy, cô giáo do tâm lý ngại, xấu hổ khi nói về vấn đề giới tính nên mỗi khi trẻ hỏi đều tìm cách lảng tránh. Chính điều này đã tạo cho trẻ tâm lý tò mò, muốn khám phá, tìm hiểu về giới tính khi có những biến đổi về sinh lý trong cơ thể mình.

Giáo dục giới tính trong nhà trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức (Ảnh minh họa)
Giáo dục giới tính trong nhà trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức (Ảnh minh họa)

Theo tôi, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục giới tính trong thời gian sớm nhất cho trẻ. Điều quan trọng là tùy theo từng độ tuổi để có cách diễn giải phù hợp với nhận thức của trẻ.

P.V: Hiện nay, nhiều phụ huynh thường quan niệm, việc giáo dục giới tính cho con cái là việc của nhà trường nên họ gần như rất ít đề cập hoặc né tránh vấn đề này khi con hỏi. Tiến sĩ nghĩ như thế nào về thực tế trên?

TS Dương Thị Thanh Thanh: Tôi không đồng tình với quan điểm của nhiều phụ huynh là phó mặc việc giáo dục giới tính cho con cái cho nhà trường. Có thể khẳng định, trong bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc giáo dục trẻ em, ngoài nhà trường, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng.

Riêng về vấn đề giáo dục giới tính, hãy bắt đầu từ phía gia đình. Không nhất thiết phải chờ trẻ hỏi thì mới nói, bởi nhiều trẻ cũng có tâm lý ngại, xấu hổ, né tránh khi bố mẹ hay thầy, cô giáo đề cập đến vấn đề này. Cha mẹ phải là những người bạn đồng hành của con cái.

Nếu cha mẹ biết cách giải đáp những thắc mắc của con trong quá trình phát triển thì các em sẽ có nhận thức đúng đắn, có thái độ và hành vi đúng mực, đặc biệt là có khả năng tự chịu trách nhiệm trước hành vi tình dục của bản thân; đồng thời trang bị cho con những kiến thức và hiểu biết về giới tính trước khi lập gia đình.

P.V: Có quan niệm giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là “vẽ đường cho hươu chạy”. Tiến sĩ có thể cho biết ý kiến của mình về quan niệm này?

TS Dương Thị Thanh Thanh: Nhiều người thường nhầm lẫn giữa giáo dục giới tính và giáo dục tình dục. Giáo dục giới tính không chỉ đơn thuần là về vấn đề sinh sản mà còn cung cấp các kiến thức để trẻ sống đúng với giới tính của mình và phù hợp với từng lứa tuổi.

Giáo dục giới tính là giáo dục cho trẻ về lòng tự trọng và tình bằng hữu, các em phải yêu chính mình trước thì mới hiểu được giá trị của bản thân. Giáo dục giới tính là giáo dục trẻ cách tự bảo vệ mình ngay từ khi còn bé, trang bị hiểu biết về sức khỏe sinh sản cho trẻ đang bước vào độ tuổi trưởng thành.

Không nên quan niệm giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi không “vẽ” thì “hươu vẫn chạy”. Vậy nên, thay vì để “hươu” tự chạy, hãy dẫn “hươu” chạy đúng đường và theo một lộ trình đúng đắn.

Theo tôi, về vấn đề giáo dục giới tính, không nên phân vân liệu bắt đầu có quá sớm hay không và cũng không bao giờ là quá muộn. Tùy theo từng độ tuổi, bố mẹ, nhà trường và xã hội cần có cách thức, nội dung giáo dục giới tính phù hợp với trẻ.

P.V: Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi!

Thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong những năm gần đây cho thấy, tỉ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên tại Việt Nam không ngừng tăng lên. Mỗi năm, cả nước có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca nạo phá thai, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nước Đông Nam Á; trong đó 20% là ở lứa tuổi vị thành niên (khoảng 300.000 ca). Việc nạo phá thai gây ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, quá trình học tập cũng như tương lai của trẻ.

 

.

Phương Thủy (Thực hiện)

.