Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201509/khac-phuc-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-635918/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201509/khac-phuc-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-635918/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 14/09/2015, 14:48 [GMT+7]

Khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính

(Congannghean.vn)-Nghệ An là một trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về mất cân bằng giới tính trong nhóm trẻ sơ sinh. Qua điều tra thực tế ở các địa phương, tỉ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 113 trai/100 gái, vượt xa so với quy luật sinh sản tự nhiên trung bình cả nước khoảng 110 trai/100 gái. Nếu không sớm khắc phục thì trong những năm tới, sẽ xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu dân số, sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội.

Theo bà Lê Thị Hoài Chung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, tỉ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh năm 2014 là 113 bé trai/100 bé gái và nếu không có biện pháp hữu hiệu thì tỉ lệ này sẽ tăng. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay, không ít gia đình vẫn còn có quan niệm “trọng nam khinh nữ”, con trai mới có thể nối dõi, thờ phụng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ khi về già. Ðiều đáng nói, thực trạng này không chỉ xảy ra ở những vùng nông thôn mà ngay cả tại thành thị; trong giới trí thức, quan niệm “trọng nam” vẫn tồn tại. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng sinh con thứ 3 và sự lựa chọn giới tính khi sinh.

Cần đẩy mạnh việc tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ
Cần đẩy mạnh việc tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ

Vì khao khát có một đứa con trai để nối dõi tông đường, nhiều trường hợp người mẹ đã sinh mổ tới lần thứ 3 vẫn quyết sinh thêm đứa thứ 4. Điều này rất nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí đe doạ tới tính mạng của cả mẹ và con. Hiện nay, sinh con thứ 3 và việc lựa chọn giới tính khi sinh không chỉ xuất hiện trong các gia đình có con một bề mà nhiều gia đình có kinh tế khá giả cũng có tâm lý muốn sinh thêm con. Sự tiến bộ của khoa học, công nghệ giúp các bà mẹ nhận biết được giới tính của thai nhi từ rất sớm, bằng nhiều cách như siêu âm, chọc ối, sinh thiết gai rau… Vì thế, họ dễ dàng lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn. Điều này dẫn tới tình trạng thừa nam, thiếu nữ, ảnh hưởng lớn tới cấu trúc dân số và sự phát triển của gia đình, xã hội.

Những yếu tố nêu trên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính, khi tỉ lệ nam/nữ quá chênh lệch và tỉ lệ này thậm chí còn tăng cao qua mỗi năm. Hệ lụy từ sự mất cân bằng giới tính là rất nghiêm trọng đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Đó là việc thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình, ảnh hưởng tới việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Hạnh phúc gia đình sẽ không trọn vẹn nếu nam giới ở độ tuổi trưởng thành khó có cơ hội lấy được người vợ như mong muốn, phải sống độc thân, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của kinh tế gia đình. Từ đó, sự chênh lệch về giới tính sẽ gây ra những hệ luỵ cho xã hội như các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ…

Việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, nhiệm vụ này không phải của riêng ngành y tế mà của cả xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện chính sách dân số và một số văn bản liên quan đến chỉ số giới tính. Đưa nội dung về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi vào nghị quyết của cấp ủy; lồng ghép tuyên truyền nội dung nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi trong các buổi sinh hoạt của chi bộ, của các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, từng dân tộc và trong các trường học.

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở dịch vụ y tế thực hiện siêu âm, phá thai và có chế tài xử lý nghiêm các cơ sở y tế cung cấp thông tin giới tính thai nhi, phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi. Nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước của địa phương; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác vận động giảm tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi. Trong quá trình hoạt động, cần tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho hệ thống cán bộ làm công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình… Tuy nhiên, giải pháp mang tính bền vững nhất vẫn là nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các nội dung liên quan đến bình đẳng giới.

.

Cao Loan

.