(Congannghean.vn)-Nếu có dịp đến nhà ông Nguyễn Trọng Hà ở xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chúng ta sẽ được “mục sở thị” một quần thể gồm nhiều bức tượng uy nghi, trang nghiêm của các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, từ thời vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh. Ông Hà đắp tượng xuất phát từ niềm đam mê, với mục đích giáo dục con cháu đời đời nhớ ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Ông Hà bên bức tượng vua Hùng hoàn thành đúng vào dịp giỗ Tổ (10/3) |
Về xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, hỏi “ông Hà đắp tượng”, ai cũng biết. Khi tìm đến nhà ông, ngay từ đầu ngõ, trước cổng ra vào, đập vào mắt chúng tôi là bức tượng quan âm bồ tát toát lên sự an nhiên, tĩnh tại. Bước chân vào nhà, chúng tôi ngỡ như đang đặt chân vào chốn cửa Phật, rộn ràng tiếng chim hót.
Căn nhà trưng bày tượng của Đức Phật, vua Hùng, Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Mỗi bức tượng là một câu chuyện lịch sử được ông tái hiện lại theo ngôn ngữ riêng.
Hôm chúng tôi đến nhà ông là ngày 10/3, cũng là lúc gia đình tổ chức cúng giỗ vua Hùng và khánh thành bức tượng thứ 8 trong các bức tượng vĩ nhân mà ông lựa chọn để đắp.
Theo lời kể của ông, tượng vua Hùng được đắp nổi trên mặt ao có chiều cao 1,7 m, chiều rộng 1,12 m. Phía sau bức tượng là hình trống đồng Đông Sơn và lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hay như bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông đắp trên nền bông hoa sen; tượng trưng cánh sen của quê hương Nam Đàn luôn nâng niu, che chở cho Người. Điểm đặc biệt là cánh sen ở đây được bố trí theo kiểu lá úp, lá lật - trường phái nghệ thuật rất đặc trưng một thời của miền Nam Bộ.
Ông cho biết: “Nó tượng trưng cho hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người”. Bên cạnh bức tượng Bác Hồ là bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc, “cánh tay phải” đã cùng Bác làm nên “sự nghiệp lớn”. Phía dưới chân tượng là mô hình đồi núi và cỗ pháo đang giương cao. Chỉ cần nhìn vào mô hình này, người xem có thể hình dung đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hay bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với chiếc gươm thần trong tay và dòng sông Bạch Đằng uốn lượn, bức tượng Lý Công Uẩn với chiếu dời đô… Xung quanh những bức tượng là mô hình cảnh non nước hữu tình được ông bài trí hài hòa. Nhìn vào quần thể, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự tỉ mỉ, sắp đặt khéo léo, có “ý đồ” của chủ nhân đối với từng bức tượng.
Được biết, ông Hà từng trải qua nhiều vị trí công tác như thầy giáo, Bí thư Huyện đoàn, cán bộ Tuyên giáo, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành... Nói về niềm đam mê đắp tượng, ông cho biết, năm 2001, trong một chuyến tham quan Trung Quốc, ông có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bức tượng mô phỏng 8 vị La Hán và ý tưởng đắp tượng vĩ nhân manh nha từ đó. Về nhà, ông tự mày mò tập đắp hình các con vật.
Những tác phẩm ban đầu của ông đã khiến những người thân trong gia đình ngạc nhiên, thán phục.
Năm 2005, khi chính thức nghỉ hưu, ông tìm đến thú chơi cây cảnh và đắp tượng. Để có được quần thể các bức tượng vĩ nhân như hiện nay, ông đã dành không ít thời gian “làm công tác tư tưởng” với vợ bằng việc đưa bà đi tham quan một số mô hình của các hội viên trong Hội Sinh vật cảnh của huyện.
Với ông, mỗi bức tượng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiêng liêng. Vì vậy, với mỗi bức tượng, ông đều làm lễ khởi công và khánh thành, gửi gắm vào đó ý nguyện, lòng thành kính sâu sắc với các vĩ nhân. Vào ngày giỗ các “vị”, ông đều làm cỗ xôi gà và ngũ quả. Bà con đến thắp hương, góp công đức thì ông lại ủng hộ cho quỹ khuyến học của xã.
Ông Hà cho biết: “Bức tượng nào tôi cũng đắp ở độ cao vừa phải, để các cháu mỗi lần về quê có thể tự tay thắp hương cho các anh hùng dân tộc, qua đó giúp các cháu hiểu rõ, trân trọng lịch sử dân tộc”.