Chị là người tâm huyết với những vấn đề về giới và bình đẳng giới. Hơn 20 năm làm công tác nghiên cứu và đấu tranh cho vấn đề này, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng thú nhận, nhiều lúc chị thấy bất lực. Nhưng vẫn có niềm tin về sự tiến triển của xã hội để tiếp tục trên con đường dài và khá gian nan.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đã có một cuộc trò chuyện khá cởi mở với phóng viên chuyên đề CSTC về bình đẳng giới và tính khả thi của việc luật hóa vấn đề ngoại tình đang được dư luận quan tâm.
- Việc luật hóa tội ngoại tình sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, theo chị, liệu đó có phải là một tín hiệu khả quan giúp chúng ta tiến tới gần hơn với vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ quyền của người phụ nữ hay không?
+ Ở khía cạnh bình đẳng giới, việc luật hóa sẽ bảo vệ người phụ nữ bởi chuyện ngoại tình diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Trong chuyện ngoại tình, người ta thường bỏ qua cho đàn ông, dễ tha thứ cho đàn ông, còn phụ nữ thường chịu sự phán xét nghiệt ngã hơn. Trong một bối cảnh như vậy, chúng ta đưa luật vào để cảnh cáo, răn đe là đúng. Nhưng xét bối cảnh Việt Nam, từ trước đến nay, việc thực thi pháp luật còn yếu, nên tính khả thi không cao.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng. |
Thứ hai, xét về bản chất câu chuyện, chúng ta cũng phải nhìn sang thế giới xem họ giải quyết vấn đề này như thế nào. Bây giờ số nước phạt, hình sự hóa tội ngoại tình rất ít, chủ yếu còn ở những nước Hồi Giáo, hoặc những nước mà Nhà thờ Cơ Đốc giáo rất mạnh như Philippine hay một số bang ở Mỹ. Đây là câu chuyện đạo đức mà tôn giáo rất quan tâm. Còn đại đa số các nước từng luật hóa vấn đề này nhưng hiện nay đã bỏ.
Ngay Việt Nam chúng ta, từ xưa, trong luật Hồng Đức, Gia Long đã từng có. Luật Hình sự cũ chúng ta cũng từng có, nhưng thực tế, chưa xử phạt được ai. Xét các yếu tố đó chúng ta xem nó có khả thi hay không. Các nước họ bỏ việc hình sự hóa tội ngoại tình. Vậy chúng ta nên xem vì sao họ bỏ và họ ứng xử với vấn đề này như thế nào. Rõ ràng đây là một vấn đề rất phức tạp, nó nằm trong ranh giới giữa vấn đề đạo đức, luật pháp và văn hóa.
Bây giờ đặt câu hỏi, nếu muốn đưa ra xét xử ai đó về tội ngoại tình thì phải điều tra, phải xét hỏi, thu thập bằng chứng. Vậy quá trình đó sẽ để lại hậu quả gì. Liệu nó có làm cho câu chuyện trở nên tồi tệ hơn hay không. Nếu câu chuyện ngoại tình chỉ phán xét về mặt đạo đức thôi, thì sẽ có những người xấu hổ, một vài người tự tử. Nhưng nếu nó được hình sự hóa, liệu có nhiều người tự tử hơn không, nhiều gia đình tan vỡ hơn không, liệu có nhiều đứa trẻ bị tổn thương hơn vì bố mẹ bị phạt tù vì tội ngoại tình hay không.
Một bức tranh biếm họa về vấn đề bất bình đẳng giới. |
Câu chuyện luật pháp sẽ khác hẳn với những dư luận xã hội, hay tin đồn bởi dư luận xã hội mà được luật hóa nó còn kinh khủng hơn nhiều. Tôi nghĩ, hậu quả với người phụ nữ sẽ nặng nề hơn về nhiều mặt, từ tinh thần, kinh tế và nhiều thứ khác. Trong một nền văn hóa mà người ta coi chuyện ngoại tình của đàn ông có thể bỏ qua được và xã hội sẽ nhìn người phụ nữ đi kiện chồng đầy định kiến, thì hậu quả sẽ thế nào?
- Như vậy, xét ở một khía cạnh khác, việc thực thi luật pháp tưởng như sẽ bảo vệ được quyền của phụ nữ, nhưng hóa ra, có thể nó sẽ khoét sâu thêm mâu thuẫn và những hậu quả khôn lường cho họ?
+ Trong một bối cảnh mà nhận thức xã hội còn hạn chế như thế này, thì việc thực thi luật pháp có thực sự bảo vệ phụ nữ, hay nó sẽ mang lại những hậu quả nặng nề hơn cho phụ nữ. Tôi đồng ý về mặt lý thuyết là đúng, nhưng trong bối cảnh cụ thể của chúng ta, tôi xin nhắc lại, nó có thực sự bảo vệ phụ nữ hay không? Khi thực thi luật pháp, chúng ta cũng phải tính đến những hậu quả mà nó mang lại cho gia đình, cho người phụ nữ. Luật sẽ có tính răn đe, làm cho người ta sợ. Nhưng thực sự họ có sợ không? Bởi nếu không phạt ai thì luật không có giá trị. Còn nếu phạt thì nó sẽ có những hệ lụy xấu. Đưa ra luật là đúng, nhưng thực thi thế nào mới là vấn đề.
- Vậy theo nghiên cứu của chị, ở các nước, người ta ứng xử với những vấn đề này như thế nào?
+ Ở các nước văn minh, họ dựa vào sự kiểm soát xã hội. Để một xã hội có thể vận hành, luật pháp chỉ là một công cụ, còn một công cụ quan trọng nữa là sự kiểm soát về mặt đạo đức, xã hội, sự trông đợi của xã hội với hành vi của con người. Nhìn người khác với cái nhìn xoi mói, có thể luật hóa được không, dù nó rất phản cảm. Vậy chỉ trông chờ vào kỹ năng ứng xử của mỗi con người và trách nhiệm xã hội của từng công dân. Tôi muốn nói tới khái niệm đó là khế ước xã hội, tức là sự đồng lòng với nhau về những quy tắc ứng xử để mọi người hòa thuận.
Câu chuyện ở đây là chúng ta sử dụng những công cụ khác như thế nào. Giáo dục về ứng xử, về trách nhiệm, kỹ năng, văn hóa, đó là vấn đề quan trọng. Khi người ta đi đến hôn nhân, ai cũng muốn sống đến đầu bạc răng long. Nhưng trong quá trình sống, có một thực tế là có nhiều người không thể tiếp tục sống với nhau, vì sống tiếp sẽ bất hạnh. Bởi quyền của con người là quyền mưu cầu hạnh phúc, nếu cuộc sống bất hạnh, họ có thể thay đổi, vấn đề là thay đổi bằng cách văn minh hay không văn minh. Điều đó phụ thuộc vào ứng xử của con người, khó để luật hóa lắm.
Ở nước ta, liệu người phụ nữ một lần đưa chồng ra tòa, họ có cơ hội tìm lại hạnh phúc của mình trong một xã hội còn quá nhiều định kiến nặng nề. Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, và vấn đề bình đẳng giới của chúng ta đã đạt đến mức độ nào, chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc. Bởi thực tế rất phức tạp, trong bối cảnh xã hội của chúng ta, vị thế của đàn ông và phụ nữ đang rất mất cân bằng.
- Nhưng rõ ràng, nhiều năm qua, chúng ta đã có những bước tiến về vấn đề bình đẳng giới, vị thế của người phụ nữ được coi trọng hơn, họ cũng có thể tham gia vào những vị trí quan trọng trong xã hội?
+ Đúng là vấn đề bình đẳng giới ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Chúng ta đã có sự bình đẳng ở việc làm, khoảng cách thu nhập giữa nam nữ không quá xa cách. Nhưng đó là những bề nổi. Còn trong cuộc sống gia đình còn nhiều vấn đề do những quan niệm truyền thống vẫn rất bền vững. Đơn giản như chuyện ngoại tình, xã hội sẽ nhìn nhận vấn đề như thế nào. Vợ có thể tha thứ cho chồng, nhưng khi người phụ nữ ngoại tình, cả xã hội sẽ lên án họ, và người chồng sẽ chì chiết, đánh đập. Nhiều gia đình phụ nữ kiếm tiền chính, nhưng về nhà lại bù đầu việc nhà. Họ vẫn đầy gánh nặng. Nhưng phán xét về họ bao giờ cũng định kiến, khắt khe.
Do quan niệm của chúng ta, phụ nữ không đáng giá hơn đàn ông, kém cỏi hơn đàn ông. Nếu đời sống của nam giới cải thiện được 10 thì phụ nữ mới chỉ được 3, bước tiến không đều nhau, điều đó cho chúng ta thấy bất bình đẳng vẫn còn. Tôi không cam chịu cho phụ nữ thiệt thòi như thế. Phụ nữ có giỏi đi chăng nữa, nhưng không làm tròn vai trò trong gia đình là vứt. Điều đó hạn chế sự phát triển của phụ nữ. Cơ hội cho phụ nữ để phấn đấu giỏi giang, thành đạt ít hơn đàn ông rất nhiều. Xã hội chỉ có đàn ông và đàn bà, chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa họ thì xã hội không thể phát triển và tiến tới văn minh được. Một vài văn bản luật pháp ra đời, nó chưa giải quyết được tận gốc vấn đề, vì nó chỉ là cái khung thôi, không thể phủ lên những vấn đề xã hội lúc này, lúc kia.
- Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, một phần vì người phụ nữ quá cam chịu, họ không dám đấu tranh, cởi bỏ những định kiến cho mình?
+ Vì bao nhiêu năm quan niệm như thế, làm phụ nữ phải hy sinh, phải chịu đựng, như chiếc vòng kim cô tự trói buộc họ. Bây giờ, phụ nữ đã mạnh mẽ hơn, biết yêu bản thân, dám sống và mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Tuy nhiên số đó không nhiều. Chúng ta đòi hỏi phụ nữ quá nhiều thứ. Nhiều người vẫn coi thường họ. Ngay cả những định kiến hàng ngày, nằm trong nếp nghĩ của xã hội đã coi thường phụ nữ rồi. Nhưng sẽ phải thay đổi, nhanh hay chậm phụ thuộc vào xã hội có thay đổi nhận thức hay không, rồi chính sách, truyền thông… Bản thân người phụ nữ cũng phải nhận ra và dám thay đổi. Nếu chúng ta sợ mất mát thì chúng ta sẽ mãi mãi như thế.
- Vậy theo chị, hành trình để giải quyết vấn đề bình đẳng giới còn rất dài và gian nan. Nhưng nó phải bắt đầu như thế nào, khi các chính sách, giải pháp dường như chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề?
+ Chúng ta phải giáo dục kỹ năng sống, nâng cao trình độ nhận thức cho người phụ nữ. Ở đây liên quan đến nhận thức, văn hóa, dân chủ và quyền tự do của con người, về hôn nhân, về ly hôn… Chừng nào chúng ta vẫn còn quá nhiều những định kiến về chuyện ly hôn, thì chừng đó, chúng ta vẫn còn những câu chuyện dấm dúi ngoại tình. Việc chúng ta nhìn nhận về hôn nhân cũng là một vấn đề. Ở phương Tây, người ta kết hôn khi người ta tin mình đủ khả năng và trách nhiệm về cuộc hôn nhân đó.
Còn ở xã hội ta, đôi khi hôn nhân vì áp lực của xã hội, còn mức độ tự nguyện với đầy đủ nghĩa của nó, tức là mình hài lòng vì quyết định đó và đó là quyết định của mình chứ không phải vì bố, mẹ, vì áp lực nào đó chưa cao. Thế nên, chúng ta thiếu những ứng xử văn minh. Gốc của vấn đề là bình đẳng giới, là thân phận của người phụ nữ, địa vị của đàn ông, địa vị đàn bà, quan niệm về tự do cá nhân, thái độ chúng ta nhìn nhận.
- Hơn 20 năm làm công tác nghiên cứu về giới và những vấn đề bình đẳng giới, chị có bao giờ thấy nản hay mỏi mệt?
+ Đôi khi tôi có cảm giác bất lực, nản lòng dù tôi hiểu, để thay đổi xã hội rất là khó. Một chiến dịch mà thay đổi được tất cả thì mọi việc đơn giản quá. Thay đổi từ xấu đến tốt mất rất nhiều thời gian. Đã có những chuyển biến tích cực trong thế hệ trẻ. Nhưng để có những thay đổi bền vững cần có những thiết chế xã hội quan trọng tham gia vào việc giáo dục nhân cách con người như nhà trường, gia đình, đoàn thể, truyền thông.
Phải cùng thống nhất với nhau quan điểm là chúng ta phải làm như thế nào, chứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì rất khó. Đó vẫn còn là một hành trình gian nan, nhưng nếu không làm, thì mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn. Mỗi người làm một ít thay đổi được một người cũng đã là quý rồi. Mình phải đặt ra những mục đích khiêm tốn thôi, để thấy công việc mình làm có ý nghĩa, có tương lai, có biến chuyển, để có năng lượng làm việc tiếp.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.