(Congannghean.vn)-Trở về sau thời bình, với nhiệt huyết và sự tận tâm, hàng chục năm qua, cựu chiến binh Bùi Công Chung trú tại xóm 1, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, đã cứu giúp nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét.
Chúng tôi đến nhà ông Bùi Công Chung (SN 1950) ở xóm 1, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vào một buổi chiều mưa nặng hạt. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được ông “lên báo”. Ông cho rằng, cứu người là việc phải làm và đó là lương tâm của người thầy thuốc.
Ông Bùi Công Chung đang khám cho bệnh nhân |
Ông Chung kể, năm 16 tuổi, ông đi học y sĩ tại Trường Trung cấp Y tế miền Tây Nghệ An. 19 tuổi, ông tình nguyện xung phong đi bộ đội. Có kiến thức về ngành y nên ông được đầu quân cho Trạm xá Trung đoàn E6, Sư đoàn 473, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Trạm xá nơi ông làm việc ngoài việc tiếp nhận bộ đội bị thương còn tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân là bộ đội bị sốt rét.
Hồi ấy số bộ đội bị sốt rét gần như ngang ngửa với bộ đội bị thương, vì thế ông cùng đồng đội làm việc không ngơi nghỉ. Bệnh sốt rét không chừa một ai, kể cả bác sỹ Ngô Duy Bảo, Trạm trưởng Trạm xá. Đợt ấy, bác sỹ Bảo bị sốt rét ác tính, tính mạng như thể “ngàn cân treo sợi tóc”. Dù đã được các y, bác sỹ ở Trạm xá chuyền đạm, máu khô nhưng sức khỏe của bác sỹ Bảo vẫn không thể hồi phục. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng, ông Chung đã vận động mọi người để bác sỹ Bảo ngậm sâm. Và sức khỏe của vị Trạm trưởng đã khá dần lên và khỏi hoàn toàn sau đó hơn một tháng.
Năm 1984, ông Chung xuất ngũ trở về quê hương. Đang loay hoay với những khó khăn sau chiến tranh thì ông nghe tin trên vùng Con Cuông người chết vì sốt rét rất nhiều. Không một chút đắn đo, ông liền khăn gói lên đường với hy vọng dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình trong chiến tranh để giúp đỡ người dân vùng này. Ông dừng chân tại xã Môn Sơn - nơi có số đông người dân tộc Thái sinh sống, căn bệnh sốt rét vẫn đang ngày đêm hành hạ, cướp đi bao sinh mạng của bà con nơi đây.
Ông nhớ lại: “Lúc ấy, một phần do các y tá ở bản chưa có nhiều kinh nghiệm để chữa trị, phần khác do người dân ở bản chủ quan, chỉ khi có triệu chứng nặng mới đưa lên trạm y tế khám. Vì vậy, tỉ lệ tử vong do bệnh sốt rét rất cao”.
Ông vẫn nhớ như in trường hợp của anh Hùng (con ông Bình) ở thôn Làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, bị sốt rét ác tính, nằm mê man bất tỉnh. Gia đình đã chuẩn bị hậu sự cho anh Hùng, vì nghĩ không còn cách nào chữa khỏi được. 16 giờ ngày hôm đó thì ông đến gia đình anh Hùng. Với các phương pháp chữa trị và cho bệnh nhân uống các loại thuốc cần thiết, đến 8 giờ sáng hôm sau, anh Hùng đã tỉnh lại. Hồi ấy, ở Môn Sơn có những gia đình 2-3 người bị sốt rét ác tính là chuyện không hiếm gặp.
Đến bây giờ, những người ông đã từng cứu chữa, khỏi bệnh, có công việc đi qua nhà vẫn vào thăm người thầy thuốc già hết lòng vì người bệnh. Hơn 5 năm sống cùng với bà con các bản làng thuộc xã Môn Sơn, khi nhà nhà, người người đều khỏi bệnh, căn bệnh sốt rét không còn thì ông Chung mới quay trở về nhà với vợ con.
Nay, ngôi nhà cấp 4 trông khá tồi tàn của ông Chung vẫn là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của bà con trong xã và các xã lân cận.
Ông Lê Trung Tiến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tường Sơn chia sẻ: “Là người thầy thuốc, ông Chung không ngại ngần khi chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm trong nghề cho những người mới vào nghề. Khi trạm y tế có các hoạt động cộng đồng, ông đều tham gia rất nhiệt tình”.
Chúng tôi chia tay ông Chung lúc trời đã nhá nhem, ngôi nhà cấp 4 cũ nát nhưng được treo đầy các Huân, Huy chương Kháng chiến của vị chủ nhà ngày càng xa dần. Câu nói của người cựu chiến binh già có đứa con út là liệt sĩ trong thời bình vẫn cứ văng vẳng bên tai tôi: “Chỉ cần sức khỏe, tôi vẫn sẽ tiếp tục chữa bệnh cho mọi người. Nếu không phải là trụ cột chính của gia đình, tôi muốn được khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo”.