(Congannghean.vn)-Họ - những con người từng “vào sinh ra tử”, từng thề “sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, vượt mọi khó khăn để tiếp tế, mở đường, phục vụ kháng chiến; hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước, gác lại niềm mơ ước học hành…, vì một ngày mai toàn thắng. Giờ, hòa bình lập lại, có người may mắn có con cái đề huề, nhưng cũng có những người đành giấu lặng trong lòng những nỗi niềm khó sẻ chia cùng ai, với cuộc sống thường nhật đầy thiệt thòi và chông gai, “chăn đơn gối chiếc”, không chồng, không con.
Ngày 15/7/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đội TNXP đầu tiên được thành lập, gồm 225 người, từ 18 - 25 tuổi để phục vụ chiến dịch Biên giới. Những thế hệ TNXP Việt Nam kế tiếp nhau, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến làm kinh tế thời bình và nay là phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lực lượng TNXP có vai trò quan trọng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc - Ảnh tư liệu |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, hơn 4,8 vạn TNXP Nghệ An đã tình nguyện lên đường phục vụ kháng chiến. Là một tỉnh lớn của miền Trung, Nghệ An nằm ở đầu khu IV, có vị trí chiến lược nên trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đây được xem là trạm trung chuyển lớn cho chiến trường B, C và các tỉnh bạn…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với lực lượng quân đội, công nhân, giao thông và nhân dân, lực lượng TNXP Nghệ An đã đảm bảo giao thông thông suốt ở 52 tuyến đường với 2.210 km tỉnh lộ, 100 km quốc lộ, 200 km đường ở nước bạn Lào, 200 km ở 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, 3.500 km huyện lộ, 250 km đường sông, đường biển, kênh nhà Lê, 60 km đường sắt đi qua các trọng điểm: Ga Hoàng Mai, Cầu Giát, Ga Si, Diễn Thành, Mỹ Lý, Cầu Cấm, Vinh và dốc Bò Lăn… trên tuyến đường chiến lược 15A.
Chỉ tính từ tháng 12/1965 đến ngày 31/1/1966, trên 2 vạn bộ đội, dân quân, TNXP tham gia chiến dịch đã vận chuyển 1 triệu tấn hàng hóa, đào đắp hơn 28.000 m3 đất đá làm đường, sửa chữa, làm mới 140 m cầu, 36 phà… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường, lực lượng TNXP Nghệ An được giao nhiệm vụ quan trọng là hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Trong kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), 2.000 đội viên TNXP Nghệ An đã tình nguyện lên xây dựng kinh tế tại vùng Phủ Quỳ - Nghĩa Đàn, xây dựng đường sắt Thanh Hóa - Vinh, Cầu Giát - Thái Hòa dài gần 200 km.
Chị Ngô Thị Nga, cựu TNXP phải vất vả mưu sinh để trang trải cuộc sống |
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ nhưng lực lượng TNXP Nghệ An đã tìm mọi cách khắc phục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, đã mở hàng trăm km đường mới, đường tránh, xây dựng, sửa chữa cầu, đập tràn phụ các bến phà, cầu Cấm, cầu Phương Tích, phà Bến Thủy, Truông Bồn; đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường 1A, 7, 15A, 34, 48 cùng với lực lượng công binh rà phá hàng nghìn quả bom nổ chậm.
Với tâm niệm “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, “sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, các thế hệ TNXP xứ Nghệ đã làm nên nhiều kỳ tích trên các mặt trận, các tuyến đường, trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhất. Cùng với lực lượng TNXP cả nước, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng vạn cán bộ, đội viên TNXP Nghệ An đã hiến dâng những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời cho quê hương, đất nước. Có những người, khi chiến tranh kết thúc đã không thể vẹn tròn với hạnh phúc riêng tư.
Năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nữ sinh Ngô Thị Nga (SN 1952) trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh tham gia lực lượng TNXP. Xinh đẹp nhất nhì vùng, có nhiều người đến hỏi nhưng chị vẫn “để ngoài tai”, ngày đêm chuyên tâm với nhiệm vụ làm đường, san lấp hố bom trên khắp các huyện, thị của tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ. Chiến trường ác liệt, nhiều đồng đội của chị đã không thể trở về. Tuy còn ít tuổi, sức vóc nhỏ bé nhưng chị đã nhiều lần được cấp trên khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong san lấp đường, tiếp tế, chi viện cho chiến trường.
Rời chiến trường, trở về quê hương sau 3 năm phục vụ đất nước, vì trách nhiệm với gia đình khiến chị lần lữa trong dựng xây hạnh phúc gia đình. Giờ đã ngoài 50 tuổi nhưng chị vẫn “chăn đơn gối chiếc”. Hàng ngày, cứ 2 giờ sáng, chị lên chợ Vinh nhập hàng, rồi từ 5 giờ sáng đến tận khuya, lại cặm cụi với gánh hàng rau ngoài chợ Ga Vinh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hiện, chị đang phải ở nhờ trong nhà người em trai, cuộc sống rất khó khăn. “Phường Lê Lợi, TP Vinh có hơn 140 cựu TNXP, đa phần cuộc sống còn nhiều vất vả. Ngày trước, vì tham gia phục vụ chiến đấu, nhiều người không có điều kiện học tập, dựng xây hạnh phúc gia đình. Một số người phải làm nhiều việc để mưu sinh dù tuổi đã cao, sức yếu…”, ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội TNXP phường Lê Lợi, TP Vinh cho biết.
Trong hơn 4,8 vạn TNXP tham gia phục vụ chiến đấu trên chiến trường, có 3,2 vạn nữ TNXP, trong đó có tới 1.016 người chưa lập gia đình, không chồng, không con. Hiện nay, vẫn còn khoảng 3.212 người có cuộc sống hết sức khó khăn, là hộ nghèo, lại già yếu, cần sự giúp đỡ về nhà cửa. Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách hỗ trợ cựu TNXP tham gia phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, nhưng vẫn còn rất nhiều TNXP cần được giúp đỡ, sẻ chia để giảm bớt những khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống.
.