Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/chuyen-tinh-co-tich-cua-2-nguoi-khuyet-tat-621621/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/chuyen-tinh-co-tich-cua-2-nguoi-khuyet-tat-621621/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện tình cổ tích của 2 người khuyết tật - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 09/07/2015, 15:31 [GMT+7]

Chuyện tình cổ tích của 2 người khuyết tật

(Congannghean.vn)-Thời thanh xuân, bà đẹp nhất nhì trong làng, bao nhiêu chàng trai theo đuổi, bà đều từ chối. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà tham gia lực lượng TNXP. Những ngày tháng sống trong rừng, bà ngã bệnh, bị mù hẳn mắt trái, mắt phải chỉ còn nhìn thấy 5%. Trở về quê hương, bà kết hôn với người đàn ông bị liệt 2 chân. Theo thời gian, tình yêu của hai ông bà khiến bao người phải ngưỡng mộ.
 
Bà là Nguyễn Thị Hương (63 tuổi), còn ông là Lê Văn Lân (60 tuổi), quê ở xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu. 35 năm chung sống với nhau, ông trở thành đôi mắt của bà, còn bà là đôi chân của ông. Cứ thế, 2 con người khuyết tật ấy cùng dựa vào nhau, đi qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời.
 
Chuyện tình cổ tích
 
Ông Lân và bà Hương lúc sinh ra đều khoẻ mạnh, bình thường. Thế nhưng, số phận không may mắn bất chợt ập đến với cả 2 người. Ông Lân khi 1 tuổi bị mắc sởi, do không có thuốc men để điều trị kịp thời nên đôi chân bị teo tóp, phải di chuyển bằng đầu gối. Khi học lớp 5, bị bạn bè trêu chọc, không vượt qua được mặc cảm, ông Lân nghỉ học, xin làm tại một xưởng mộc trong làng. Tuy bị khuyết tật đôi chân nhưng bù lại, ông có đôi bàn tay tài hoa, khiến nhiều người ngưỡng mộ. 
Vợ chồng ông Lân, bà Hương tại căn nhà được trao tặng
Vợ chồng ông Lân, bà Hương tại căn nhà được trao tặng
 
Năm 19 tuổi, bà Hương tham gia lực lượng TNXP, góp sức vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những ngày tháng sống trong rừng, qua bao gian khổ, bà vẫn không khuất phục. Giống như bao thanh niên thời ấy, bà nguyện hy sinh máu xương để đổi lấy độc lập, tự do cho đất nước. Trong những ngày về phép, bà cùng mẹ đi gom mùn cưa ở các xưởng gỗ. Duyên phận khéo sắp đặt để ông bà gặp nhau ở xưởng mộc. Chứng kiến cảnh người đàn ông bị liệt đôi chân nhưng làm việc rất chăm chỉ và khéo léo, bà đã dành cho ông tình cảm đặc biệt. Thời gian qua lại, trong lòng ông cũng thương thầm bà nhưng còn e ngại nên chưa dám nói.
 
Trong một lần ở chiến trường, bà bị đau mắt đỏ. Chiến tranh ác liệt, vì thuốc men trong rừng không có, không được điều trị dứt điểm, nên đôi mắt của người con gái đã từng làm bao chàng trai si mê giờ bị mờ, chỉ nhìn thấy 5%. Sau khi trở về địa phương, bà gặp lại ông, rồi cả hai quyết định sẽ gắn bó trọn đời, mặc cho gia đình cấm cản, người đời bàn tán.
 
Mái ấm không khuyết tật
 
Ông bà dọn về sống với nhau, dù không có đám cưới linh đình, không có của hồi môn của hai bên nội ngoại. Xuất phát điểm với hai bàn tay trắng, hàng ngày, ông Lân vẫn lết đi khắp làng trên xóm dưới để làm mộc thuê, còn bà bán rau ở chợ, tích góp từng hào. Ông bà sinh lần lượt 6 người con, 2 trai, 4 gái. Cuộc sống vì thế lại càng khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, với nỗ lực và quyết tâm, ông bà đã mạnh dạn khai hoang mở đất, làm lụng quanh năm suốt tháng để nuôi nấng 6 đứa con nên người. Con cái của ông bà lần lượt khôn lớn và lập gia đình.
 
Làm lụng để nuôi con, nhìn lại cũng đã hết hơn nửa đời người nhưng ông bà vẫn sống trong căn nhà cũ nát, mà không dám nghĩ đến việc xây căn nhà mới, bởi tuổi đã cao, sức đã yếu, con cái lại không mấy khá giả. “Ông ấy giờ một tháng chỉ làm được 4 - 5 công thôi, cứ trái gió trở trời là lại đau nhức, phải nghỉ làm. Tôi giờ cũng chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước, vì mắt mờ chân chậm”, bà Hương cho biết. Khi cơn bão HaiYan năm 2013 đi qua, căn nhà cũ nát của ông bà bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, may mắn là gia đình đã được Công ty Singenta Việt Nam tại Đồng Nai trao tặng 50 triệu đồng để hỗ trợ làm nhà. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ thêm về tiền và nhân lực, bà con hàng xóm người giúp phần xây, người giúp phần lợp. Nhờ vậy, cuối cùng, căn nhà “trong mơ” của hai ông bà cũng đã hoàn thành.
 
Ngày các tổ chức đoàn thể khánh thành và trao tặng nhà cho ông bà, bà Hương đã khóc, bởi cả cuộc đời bà cũng không dám nghĩ mình sẽ xây được căn nhà khang trang như vậy. Vượt lên những khiếm khuyết của cơ thể, bằng tình yêu thương, hai ông bà đã nâng đỡ nhau và nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành những người “tàn nhưng không phế”.
.

Phương Thủy

.