Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26427-chuyen-co-tich-ve-cau-be-tat-nguyen-392448/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26427-chuyen-co-tich-ve-cau-be-tat-nguyen-392448/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện cổ tích về cậu bé tật nguyền - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 27/02/2013, 08:00 [GMT+7]
26427

Chuyện cổ tích về cậu bé tật nguyền

Hoàn cảnh gia đình bất hạnh

Cơn mưa phùn lất phất những ngày đầu năm tuôn xuống mái nhà ngói đơn sơ của Long càng tô thêm bức tranh buồn đến nao lòng của gia đình em. Tôi gặp bà Trần Thị Hà, mẹ của Long, giữa lúc bà đang chít chiếc khăn tang màu trắng trên mái đầu đã điểm nhiều sợi bạc. Trông bà Hà già đi rất nhiều so với cái tuổi 55. Khuôn mặt với nhiều nếp nhăn, đôi mắt sâu hun hút vô hồn.
 
Bà tâm sự: "Tết năm nay buồn lắm em ạ. Chồng chị vừa mất hơn 3 tháng. Dù được chạy chữa thuốc men, vay mượn tiền ngân hàng với lãi suất cao, đi đủ bệnh viện từ Bệnh viện huyện Nghi Xuân, Ba Lan, Bệnh viện QK4, 108, Bệnh viện Bạch Mai... nhưng vì căn bệnh ung thư máu quá hiểm nghèo nên đã qua đời. Từ ngày chồng mất, đất đai tuy nhiều nhưng không có người làm, cháu Long lại bị tật nguyền không ai chăm sóc, con gái đi lấy chồng xa, căn nhà giờ đây trở nên buồn và trống vắng vô cùng. Nhiều lúc bà cũng nghĩ đến cái chết, nhưng rồi nghĩ đến các con nên mình lại phải đứng dậy tiếp tục mà sống".

Cha Long, ông Phạm Sỹ Lưu là một thương binh, từng tham gia ở chiến trường Campuchia. Sau khi trở về từ chiến trường, mang trong mình nhiều vết thương đau, ông trở về quê và làm bảo vệ Trường THCS Phố Hải. Gia đình nghèo, con cái lại đông, vợ ông phải một nắng hai sương làm đủ nghề để nuôi 4 đứa con ăn học. Ngoài việc ruộng đồng, bà lại đạp xe hàng chục cây số lên tận Vinh để làm thuê, làm mướn. Có khi đi đến các miền đất trong huyện xa xôi để cấy thuê, gặt thuê, bốc ngói, xúc cát...
 
Nhưng rồi bất hạnh đến gia đình khi năm 2003, Phạm Sỹ Long bị té từ trên cây xuống đất. Sau vụ tai nạn bất ngờ ấy, chân tay Long bắt đầu tê liệt hoàn toàn. Đi bệnh viện về bác sỹ bảo em bị gãy 2 đốt cổ đèn, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền để mổ kịp thời. Mãi sau gần 1 tuần vay mượn được tiền để đi phẫu thuật thì đã quá muộn, nên từ đó trở nên tàn phế vĩnh viễn không cứu được, cơ thể bị liệt hoàn toàn nằm bất động một chỗ.
 
Long đang viết thơ bằng miệng
 
Cũng từ đây, cuộc đời của chàng trai trẻ đã rẽ sang một hướng khác mịt mờ. Chiếc giường và chiếc xe lăn là người bạn tri kỷ của Long suốt đời.

Kể từ ngày đứa con trai duy nhất trong nhà bị tật nguyền, mọi công việc từ giặt giũ quần áo, viên thuốc, bữa cơm đều do một bàn tay bà đảm đang. Suốt 9 năm liền, một mình bà âm thầm chịu đựng chăm sóc cho con. Khổ nhất là Long mỗi ngày phải lật nghiêng, lật ngửa đến 8 lần. Mỗi lần lên cơn co giật, thương con nhưng bà cũng bất lực, phần vì gia đình nghèo, phần vì căn bệnh lại quá hiểm nghèo, những lúc như thế bà chỉ biết khóc và ôm Long thức trọn cả đêm.

Vượt lên chính mình

Đưa tay lau những giọt nước mắt lăn trên gò má, Long không thể ngồi dậy được, em bảo:
"Muốn ngồi dậy nhìn người thân trong gia đình, nhìn cuộc sống hàng xóm xung quanh cũng khó lắm. Em bây giờ nằm bất động, vừa đau, vừa mệt, đau về thể xác chắc em sẽ nỗ lực vượt qua được, nhưng nỗi đau về tinh thần thì sẽ khó ai lấp đầy được anh ạ!".

Đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ, nơi có nhiều bạn nhỏ cùng trang lứa trong xóm đang tung tăng vui đùa, ánh mắt Long buồn như nhìn một cái gì đó vừa xa xôi, nhưng cũng rất mơ hồ. Long bảo: Năm 2009, trong một lần xem ti vi, thấy một người đàn ông cùng cảnh ngộ như mình, điều đặc biệt là người đàn ông này không tay, không chân nhưng có thể viết, vẽ, đá bóng, đánh nhạc... thế là Long bỗng vụt lên một ý tưởng: "Họ làm được thì mình cũng làm được". Thế là từ đó, Long đã bắt đầu nỗ lực với một ước mơ vô cùng giản dị, mình phải sống, nhưng sống phải có ý nghĩa mới được.

Từ đó, suốt ngày lẫn đêm, cậu bắt đầu lấy miệng cầm bút. Lúc đầu chưa quen, mỗi lần ngậm bút như vậy, Long thấy đau buốt, ê răng và mỏi cổ. Hai bàn tay khua, đôi bàn chân tỳ xuống giường, đôi mắt tập trung cao độ nhưng cảm giác đau đớn như bị ai cắt da, cắt thịt cứ hành hạ cậu.
 
Có ngày chàng trai tật nguyền ấy đã viết, đã vẽ hàng trăm tờ giấy. Nhưng khổ nổi, ban đầu nét chữ chỉ ngoằn ngoèo, còn những bức tranh thì lại vô hồn, giống như người mù tập viết, tập vẽ vậy. Rồi 1 tuần, 1 tháng và 1 năm trôi qua, số lượng những bài thơ, bức tranh tăng lên chóng mặt. Nhưng cũng chưa được "tác phẩm" nào ưng ý. Nhìn cả đống vở cao ngút vứt trong ngăn kéo, Long đã nhiều lần tự bỏ cuộc và nhận mình thất bại. Song vì thương mẹ, thương bản thân mình, cậu bé lại cắn răng chịu đau để tập viết, tập vẽ, tập sáng tác.
 
Mỗi ngày Long lại phải lật nghiêng, lật ngửa nhiều lần, mỗi lần như vậy là một cuộc hành xác đau đớn. Mỗi lúc nổi hứng, cậu lại bắt mẹ, các chị bồng bế dậy cố ngồi trên chiếc xe lăn để hình dung ra những chiếc cốc, bông hoa, quả chuối, cây đào và những khuôn mặt thân quen trong xóm để vẽ. Cậu vẽ hết ngày này qua ngày khác, tháng này, năm này qua năm khác... cho đến một ngày những bức tranh của cậu đã có đường nét, màu sắc ưng ý thì cậu mới bắt đầu chuyển sang làm thơ, viết văn.
 
Mẹ Long bên những bức tranh của con trai mình vẽ

Lúc đầu lấy miệng cầm bút viết chữ đã khó, để viết đúng chính tả, đúng từng dấu chấm câu càng khó hơn gấp bội. Long tâm sự: "Khi viết chữ, Long đã có lúc bị mất cảm giác, đau ở miệng, cổ bị mỏi do phải hoạt động nhiều. Nhưng rèn mãi, Long bắt đầu viết được từng chữ cái, rồi từng chữ, từng câu, mặc dù sai chính tả rất nhiều. Nhưng lâu dần thành quen, cho đến một ngày từng câu, từng chữ ra hồn Long lại bắt đầu tập viết đúng, viết đẹp.
 
Mẹ Long kể: "Lúc Long bảo tôi mua cho nó mấy cái bút và tập giấy về nó học viết, học vẽ thì tôi cứ nghĩ là nó nói đùa. Nhưng sau đó Long nhất quyết nên tôi cũng chiều theo ý của con. Những ngày đầu ngậm bút rơi lên, rơi xuống nhiều lần tôi đã khóc, nhưng thấy nó nhịn cả ăn để miệt mài viết vẽ, tôi lại thấy thương nó hơn".

Quả thật nghĩ thì dễ, làm thì khó ngàn lần bởi với một người bình thường lành lặn khỏe mạnh mà thử ngậm bút vào miệng ngồi viết đã khó bội lần và chưa mấy ai có thể thực hiện được. Thế nhưng với một người toàn thân bại liệt, chân tay teo tóp như Long chỉ nằm ẹp trên giường ngóc cao cái đầu dậy để ngậm bút viết có lẽ còn khó vạn lần.
 
Và cho đến bây giờ, sau nhiều năm miệt mài, kiên trì và nỗ lực, Long đã biết viết và viết chữ rất đẹp. Hơn thế nữa, đôi bàn tay bị liệt, cử động dường như vô vọng, sau một thời gian tập luyện, đôi bàn tay, miệng của Long đã biết điều khiển ti vi, bấm được điện thoại và làm được một số công việc nhẹ trong gia đình.

Những vần thơ của Long rất có hồn, đó có thể là tâm trạng tiếc nuối của Long về tuổi thơ, có thể là những ước mơ, những tâm tư sâu lắng của một trái tim tật nguyền. Những bức tranh của Long không chỉ là nơi để mọi người cùng ngắm, cùng chiêm ngưỡng. Những bức chân dung ấy đã được nhiều người trong huyện đến mua vì đường nét sắc sảo và đạt đến độ nghệ thuật rất cao.
 
Vui hơn nữa, cậu còn nói về ước mơ cháy bỏng của mình: "Em ước mơ sau này sẽ trở thành hoạ sĩ, sẽ vẽ được nhiều bức tranh để bán, mong chắt chiu dành dụm để giúp gia đình vượt qua khó khăn. Long cũng đã quen với một người bạn gái cùng cảnh ngộ ở Sài Gòn qua điện thoại. Có thể một ngày nào đó bọn em sẽ gặp nhau và biết đâu tình yêu sẽ nảy nở".

Chia tay Long để đến với những mảnh đời bất hạnh khác, tôi lại nhớ nụ cười và ánh mắt tự tin của cậu. Uớc mơ một ngày nào đó trở thành nhà thơ, hoạ sĩ, biên kịch bất đắc dĩ quả thực đầy chông gai. Nhưng tôi tin rằng, với sự cảm thông, giúp đỡ của xã hội, trái tim tật nguyện Phạm Sỹ Long sẽ lại viết lên được câu chuyện thật của mình một ngày nào đó không xa. Tôi tin chắc là vậy.

Tiến Giang
.