(Congannghean.vn)-Tận dụng tuyến quốc lộ đi qua địa bàn gần với dọc bãi bồi sông Lam, nơi chiếm diện tích lớn các loại cây ngô, lạc..., nhiều năm qua, người dân trên địa bàn huyện Thanh Chương đã chiếm dụng QL46A làm nơi để phơi các loại nông sản. Tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng đến mỹ quan và kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ bước vào mùa thu hoạch ngô, lạc, đậu thì người dân các xã Xuân Tường, Thanh Dương, Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương lại ngang nhiên lấn chiếm hành lang, lòng đường tuyến Quốc lộ 46 chạy qua địa bàn để phơi rơm, các loại nông sản và vỏ các loại cây này.
Qua khảo sát trên 20 km tuyến quốc lộ từ huyện Nam Đàn đến huyện Thanh Chương, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương đang “đua nhau” gánh rơm, phơi rơm trên lòng đường, hành lang đường. Người dân cũng như máy bóc, xe đẩy... "vô tư" làm việc, hoạt động ở hai bên đường. Có những đoạn, "sân phơi" nông sản chất cao, trải dài, lấn chiếm một diện tích khá lớn chiều dài con đường và trải rộng ra tim đường. Mặc dù nhận thức được sự nguy hại của việc lấn chiếm lòng, hành lang đường nhưng vì sự "tiện lợi", người dân vẫn “ngó lơ”.
Hai bên hành lang trên tuyến QL46 qua huyện Thanh Chương bị người dân "tận dụng" làm sân phơi nông sản |
Hỏi chuyện một hộ dân đang rải ngô trên đường, chị thản nhiên trả lời: "Năm nào chả thế hả chú. Ở nhà sân hẹp, lại phải vận chuyển xa, mất công nên tận dụng đường để phơi. Biết là vi phạm và tiềm ẩn tai nạn giao thông khi cả người, máy móc và trâu, bò lấn chiếm lòng đường nhưng vì thấy tiện nên cũng đành làm liều".
Qua tìm hiểu được biết, nhằm chấn chỉnh tình trạng phơi rơm, rạ, nông sản trên tuyến quốc lộ này, chính quyền các xã cũng đã tuyên truyền trên hệ thống phát thanh và tại các cuộc họp. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, không có tính bền vững vì một bộ phận người dân "nghe xong rồi lại để đấy", thiếu tôn trọng pháp luật.
Một cán bộ địa phương cho biết, dù đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng ý thức người dân vẫn còn kém. Vừa qua, UBND tỉnh triển khai đợt ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông, địa phương cũng đã thực hiện quyết liệt, nhưng với những trường hợp trên thì cũng đành "bất lực". Tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn. Nếu xử phạt người vi phạm theo quy định thì khó thực hiện, việc tịch thu nông sản cũng không phải là giải pháp hữu hiệu.
Quốc lộ 46 là một trong những tuyến đường huyết mạch trong việc thông thương, trao đổi hàng hóa và giao lưu kinh tế giữa các địa phương. Việc người dân lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang tuyến quốc lộ để phơi nông sản, tập kết công cụ nông nghiệp… đã gây ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, tiềm ẩn những mối nguy hại khó lường.
Đề nghị các cấp chính quyền, ngành liên quan cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa, nhằm trả lại sự thông thoáng, đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến quốc lộ này, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
.