(Congannghean.vn)-Được sự quan tâm của UBND tỉnh và UBND huyện, từ năm 2008, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành đã thu hút được 2 dự án lớn nhằm giúp địa phương phát triển kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho người dân nơi đây. Thế nhưng, sau hơn 6 năm kể từ ngày các dự án được khởi công xây dựng, đến nay, các dự án vẫn không phát huy hiệu quả, dẫn tới lãng phí quỹ đất, gây bức xúc trong nhân dân.
Xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, trong những năm qua, bà con nhân dân đã cố gắng vươn lên trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, đưa Sơn Thành trở thành một trong những xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới. Với mục đích giúp chính quyền địa phương phát triển hơn nữa về kinh tế, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại xã Sơn Thành. Tưởng chừng niềm vui trọn vẹn sẽ về với bà con nơi đây. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động được một năm thì nhà máy đã đóng cửa, chủ đầu tư cũng “bặt vô âm tín”.
Nhà xưởng bỏ hoang, không có thiết bị máy móc của Công ty gỗ |
Dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ do Công ty Cổ phần Đại đoàn kết làm chủ đầu tư đóng trên địa bàn xóm 12, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành được UBND tỉnh ký hợp đồng cho thuê 1,1 ha đất đồi với thời hạn 50 năm. Vào năm 2010, cho phép xây dựng nhà làm việc và nhà xưởng chế biến sản xuất lâm sản, thu mua gỗ cho nhân dân trong huyện.
Trong thời gian đầu, nhà máy đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, mua sắm các thiết bị đi vào hoạt động sản xuất bình thường. Giải quyết việc làm cho 20 lao động trong xã, tạo được niềm tin cho bà con nhân dân. Nhiều người hy vọng nhà máy ngày càng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, sau một năm đi vào sản xuất, nhà máy đột ngột ngừng hoạt động và máy móc được vận chuyển đi nơi khác.
Người dân nơi đây cho biết, sau khi nhà máy ngừng hoạt động, nhà xưởng được giao lại cho ông Hoa trông coi. Thấy đất bỏ hoang, ông Hoa tiến hành xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, nhưng do hiệu quả kinh tế thấp nên ông chuyển sang nuôi ong.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: “Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã nhiều lần liên lạc với chủ đầu tư nhưng họ “bặt vô âm tín”. Xã lại không đủ thẩm quyền để thu hồi lại đất. Hiện, xã đã viết tờ trình gửi lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo”.
Không chỉ có dự án này, hiện nay, dự án xây dựng nhà máy gạch Tuynen do Công ty BMC làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng 200 tỉ đồng, được quy hoạch trong khuôn viên rộng 11,2 ha. Nhưng đến nay, sau hơn 6 năm, dự án chỉ mới xây dựng được hệ thống tường bao bọc bên ngoài, một dãy nhà 4 gian cấp 4 và hiện đang tiến hành đổ đất, san lấp mặt bằng.
Được biết, các thủ tục cấp phép để đưa Công ty đi vào hoạt động về cơ bản đã đầy đủ, chỉ thiếu thủ tục thuê đất. Hiện, chính quyền xã, huyện đang cố gắng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để dự án nhanh chóng được xây dựng, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tiến độ thi công vẫn còn chậm trễ.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, người dân xã Sơn Thành cho biết: “Đối với một công ty lớn như vậy, việc lo liệu mọi thủ tục, giấy tờ cấp phép thì không phải khó trong khi dự án đã được tỉnh phê duyệt. Có thể công ty không đủ năng lực tài chính để thực thi dự án hoặc phía công ty không mặn mà với dự án này mà chờ cơ hội để chuyển nhượng lại cho công ty hoặc doanh nghiệp khác”.
Có thể khẳng định, chính sách thu hút các dự án đầu tư về các vùng nông thôn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều dự án “treo” như hiện nay, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để thúc đẩy các dự án nhanh chóng được hoàn thiện, đồng thời mạnh dạn xóa bỏ các dự án không mang tính khả thi.
.