(Congannghean.vn)-Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014, đã điều chỉnh một số điều luật theo hướng tiến bộ hơn, trong đó có vấn đề cho phép mang thai hộ. Từ ngày 1/1/2015, Luật HN&GĐ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều này phản ánh thực tiễn khách quan vấn đề gia đình Việt Nam hiện nay, đồng thời cho thấy xu hướng hòa nhập quốc tế của nước ta trong vấn đề hôn nhân gia đình.
Thực tế, ở nước ta những năm gần đây, tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng. Do đó, mong muốn có con của nhiều cặp vợ chồng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng vô sinh hiện nay ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân như: Vô sinh do tự nhiên; do môi trường sống không tốt; điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm.
Từ năm 2015, Luật HN&GĐ Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - Tranh minh họa |
Ngoài ra, các lối sống thiếu lành mạnh như nghiện bia rượu, nghiện ma túy, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn, biến chứng do nạo hút thai... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Do đó, việc cho phép mang thai hộ giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có thể được thỏa mãn khát vọng làm cha, làm mẹ. Bởi vậy, đó có thể coi là một chính sách đúng đắn và hết sức nhân văn.
Ông Phan Văn Th. trú tại phường Trường Thi (TP Vinh) cho biết: Gia đình tôi cưới vợ cho con trai đã 4 năm, vợ chồng tôi cũng đã già, mong muốn có cháu bế bồng nhưng chờ mãi, từ năm này qua tháng khác vẫn không thể có được “mụn” cháu. Vợ chồng tôi cố giấu nỗi buồn, động viên các con tìm thầy, tìm thuốc chữa trị nhưng vẫn không có kết quả. Vừa rồi, gia đình phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn tiền của anh em, bạn bè để đưa con dâu vào Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) thăm khám, sau đó, sử dụng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau hơn 3 tháng “ăn nằm” tại Bệnh viện, tiêu tốn hết hơn 100 triệu đồng và may mắn là con dâu mang thai đôi, 2 cháu trai sắp sửa ra đời. Tuy vậy, trong quá trình mang thai, cháu phải nghỉ làm, cả gia đình cũng phải dốc sức chăm sóc, giữ gìn vì thai nhi thường xuyên bị chấn động. Khi biết luật cho mang thai hộ bắt đầu được thực hiện từ năm 2015, theo ông Th., điều này cho thấy Nhà nước đã giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhiều người dân. Nếu luật này được thực hiện sớm hơn, chắc chắn gia đình ông sẽ không phải chờ đợi để có cháu bế lâu đến vậy.
Theo đó, Luật HN&GĐ Việt Nam quy định: Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản và không được trái với các quy định pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Cả người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ phải được khám sức khỏe và tư vấn đầy đủ về y khoa, pháp lý và tâm lý trước khi tiến hành việc mang thai hộ.
Để tránh việc mang thai hộ bị biến tướng, trở thành dịch vụ thương mại hóa “đẻ thuê” bùng phát trong tương lai, Luật HN&GĐ mới sửa đổi quy định rõ, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Về phía người được nhờ mang thai hộ, phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ đã có ràng buộc pháp lý về hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Theo các chuyên gia y tế, việc mang thai hộ chỉ là biện pháp “mượn bụng” của người khác làm “vườn ươm” thai nhi. Do đó, muốn thực hiện được kỹ thuật mang thai hộ, người vợ phải có noãn, người chồng phải có tinh trùng tương đối bình thường. Noãn của vợ và tinh trùng của chồng được lấy ra để làm thụ tinh và phát triển thành phôi trong ống nghiệm, sau đó, những phôi tốt sẽ được chọn để đưa vào dạ con của người mang thai hộ. Khi đó, tử cung của người mang thai hộ sẽ nuôi dưỡng thai nhi. Đứa bé được sinh ra sẽ mang gen di truyền của vợ và chồng nhờ mang thai hộ, không bị ảnh hưởng bởi người mang thai hộ.
Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các dấu hiệu bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời, vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai hộ phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
Hiện tại, việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ được thực hiện ở 3 cơ sở là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương (TP Hà Nội), Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM) và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế (TP Huế). Những người mang thai hộ sẽ được lưu thông tin trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác, nhằm đảm bảo về danh tính và số lần mang thai hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh tính hữu ích, nhân văn của việc mang thai hộ như đã thấy, người dân vẫn còn một số băn khoăn: Nếu quy định người mang thai hộ phải là người trong dòng họ thì Luật sẽ không đáp ứng được mục tiêu của những gia đình không có chị em gái, hoặc có nhưng đã hết độ tuổi sinh đẻ. Việc quy định mang thai hộ chỉ được phép thực hiện một lần phải được hiểu như thế nào, nếu ngay lần đầu mang thai hộ không may xảy ra tai biến sản khoa (thai nhi không khỏe, bị dị tật, dị dạng bẩm sinh…). Mặt khác, Luật phải có những quy định chặt chẽ đối với trường hợp nếu cặp vợ chồng trẻ có khả năng sinh con nhưng ngại mang thai nên nhờ mang thai hộ…
Thiết nghĩ, để việc mang thai hộ đảm bảo tính nhân văn, tránh thương mại hóa dịch vụ “đẻ thuê”, việc tuyên truyền, giáo dục về Luật HN&GĐ phải được đặt lên hàng đầu, để mọi người nhận thức đúng và đầy đủ, không vi phạm pháp luật hay lách luật. Đồng thời, xử lý nghiêm những người mang thai hộ hay cán bộ tiếp tay cho việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 1 triệu cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn (chiếm 7,7%). Mỗi ngày, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM) tiếp nhận trung bình 250 - 300 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. Với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, bình quân mỗi tháng, Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ thực hiện 200 - 300 ca với tỉ lệ có thai 18 - 20%. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm đạt từ 200 - 250 ca/tháng, tỉ lệ thai lâm sàng đạt 35 - 40%.
.