Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/nhung-la-thu-gieo-mam-thien-567440/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/nhung-la-thu-gieo-mam-thien-567440/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những lá thư gieo mầm thiện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 09/12/2014, 08:13 [GMT+7]

Những lá thư gieo mầm thiện

(Congannghean.vn)-Hưởng ứng phong trào phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” do Tổng cục VIII Bộ Công an phát động, Trại giam số 3 đã triển khai tích cực để các phạm nhân viết thư. Hơn 2.500 lá thư xin lỗi của các phạm nhân được gửi đi và đã có 150 lá thư hồi âm tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Những lá thư đã giúp họ trải lòng mình, được bày tỏ những day dứt, trăn trở, ăn năn, hối hận sau khi gây ra tội lỗi. Với những người bị hại, tha thứ cũng chính là cách rũ bỏ thù hận, để được thanh thản với những nỗi đau trong quá khứ”. 
 
“Bố mất sớm, bỏ lại mẹ và chúng con giữa dòng đời giông bão ngổn ngang. Nhưng vì con, mẹ nuốt nước mắt để gồng gánh sớm chiều lo toan cho chúng con học hành đến nơi, đến chốn. Bao nhiêu vốn liếng mẹ một đời dành dụm đều dành cả cho con để mong con thành đạt hơn trong cuộc sống, vậy mà giờ đây, con lại phải ngồi trong 4 bức tường giam lạnh lẽo để trả giá cho những hành vi nông nổi của mình gây ra cho xã hội. Giờ đây con chỉ biết nói hai từ “Giá như”.
Các phạm nhân giao lưu với các đại biểu tại Hội nghị
Các phạm nhân giao lưu với các đại biểu tại Hội nghị
 
Giá như con an phận, giá như con biết nghe lời mẹ, giá như con đừng nghe theo bạn bè…”. Những dòng thư đẫm nước mắt của phạm nhân Nguyễn Vĩnh Nguyên viết cho mẹ khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động. Nghe lại lá thư của con trai viết cho mình, bà Nguyễn Thị Hiên ngồi phía dưới dâng trào nước mắt, những cảm xúc đan xen khó tả như cảm giác lần đầu tiên bà nhận được lá thư này. Người mẹ ấy từng giận dữ, đau xót đến tột cùng khi biết con trai mình phạm tội thì nay bà lại nghẹn ngào, xúc động và thương xót đứa con trai đã nhận ra lỗi lầm của mình. Giây phút bà Hiên được mời lên hội trường để giao lưu với đại biểu, gia đình phạm nhân cũng là giây phút đoàn tụ của bà và con trai.
 
Người mẹ già ôm chầm lấy người con mà nức nở, nghẹn ngào trong nước mắt. Chỉ vì nghe bạn bè rủ rê, Nguyên đã tham gia vào một băng nhóm cưỡng đoạt tài sản để rồi phải lĩnh mức án 3 năm tù giam. Đã hơn một năm nay, kể từ ngày đến Trại giam số 3 chấp hành án phạt tù, Nguyên luôn day dứt về tội lỗi của mình và đau đáu về người mẹ già nơi quê nhà. Khi nhận được lá thư của con trai viết về xin lỗi gia đình, bà mẹ ấy vừa đau xót, vừa hạnh phúc khi con trai mình thực sự đã biết ăn năn, hối cải. Trái tim người mẹ lúc nào cũng bao dung, tha thứ và mở rộng vòng tay đón con trở về.
 
Ông Trần Văn Đông, ở huyện Diễn Châu được mời đến tham dự Hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân và sơ kết phong trào phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” với tư cách là gia đình người bị hại. Cách đây 5 năm, Nguyễn Thế Cường (SN 1985), người hàng xóm chỉ cách nhà ông “cái dậu mồng tơi” đã thực hiện hành vi đồi bại với con gái ông. Lúc ấy, cháu H. mới 12 tuổi nên Cường phạm vào tội “Hiếp dâm trẻ em” và phải trả giá bằng mức án 18 năm tù giam.
 
Hai gia đình đang thân thiết bỗng chốc trở nên xa lạ, chẳng gì có thể bù đắp được những nỗi đau mà Cường gây ra cho cháu H. và gia đình ông. Gia đình ông Đông vốn nghèo khổ, ông bị khuyết tật sứt môi hở hàm ếch, nói không tròn vành, rõ chữ nên chẳng bao giờ mở lời với ai. Cuộc sống nghèo đói, cơ hàn, chỉ dựa vào mấy con cua, con ốc hai vợ chồng đi bắt ngoài đồng nên khi sự việc xảy ra, ông bà uất nghẹn, đau đớn, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà không biết bày tỏ cùng ai. Đau đớn hơn, sau khi sự việc xảy ra khoảng vài tháng, bé H. không may bị tai nạn sông nước khiến nỗi đau tăng lên gấp bội. Hay tin bé H. qua đời, Cường càng thêm day dứt, hối hận vô cùng.
 
Bởi thế, khi Tổng cục VIII, Trại giam số 3 phát động phong trào phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi”, Cường đã viết thư xin lỗi gửi gia đình ông Đông. Trong thư, Cường viết: “18 năm tù là bản án nghiêm khắc cho cháu, quãng thời gian dài đằng đẵng cháu phải nhận, đánh đổi tuổi thanh xuân để tìm cho mình bài học làm người lương thiện, nhưng có lẽ bản án nghiêm khắc nhất là sự phán xét của lương tâm. Với ý chí, nghị lực của tuổi trẻ thì khó khăn cháu có hề chi. Nhưng chú ơi, khi nghĩ đến mối quan hệ tình làng nghĩa xóm tốt đẹp của 2 nhà rạn nứt vì cháu, những tổn thất cháu gây ra thì lòng cháu lại cắn rứt, trăn trở. Hay tin em H. qua đời, cháu càng thêm đau đớn và càng thấy có lỗi. Phải mất thời gian dài cháu mới lấy lại tinh thần để tiếp tục cải tạo…”.
 
Sau khi xảy ra sự việc, trong khả năng của mình, gia đình Cường đã bù đắp cho gia đình bị hại về vật chất cũng như tinh thần, mong gia đình ông Đông có thể tha thứ cho những hành động dại dột, nông nổi của Cường. Khi nhận được lá thư xin lỗi của Cường, nỗi đau năm nào lại hiện về cào xé tâm can những bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng rồi với tấm lòng vị tha, nhân hậu, họ đã tha thứ, hồi âm lại cho Cường và xin được giảm án cho Cường ít nhất là 4 năm tù. Tại buổi giao lưu, ông Đông mời thêm người bạn để giãi bày những tâm sự của mình với Cường. Cường đã gửi lời xin lỗi cũng như lời cảm ơn sâu sắc nhất tới gia đình ông. 
 
Không chỉ Nguyên, Cường mà còn hàng trăm, hàng nghìn lá thư của các phạm nhân khác đã viết cho gia đình, người bị hại, chính quyền địa phương để bày tỏ lời xin lỗi. Hơn 2.500 lá thư của các phạm nhân được gửi đi và đã có 150 lá thư hồi âm tha thứ cho những lỗi lầm họ gây ra. Đó chính là động lực giúp họ yên tâm cải tạo tốt, sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước để trở về với gia đình, xã hội và được thanh thản với lương tâm.
 
Còn rất nhiều lá thư xúc động khác được chia sẻ trong buổi giao lưu như lá thư của phạm nhân Nguyễn Sỹ Tân, nguyên cán bộ địa chính xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” gửi UBND xã Tràng Sơn; lá thư của phạm nhân Vương Đình Đoàn, Nguyễn Trọng Thành, Trần Văn Hiền…, tất cả họ đều mang trong mình khát khao được hoàn lương, được tha thứ, xóa bỏ lỗi lầm. Và gia đình, những người bị hại, xã hội đã bao dung, tha thứ cho những lỗi lầm để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Xã hội luôn mở rộng vòng tay để đón những con người thực sự biết ăn năn, hối cải, cải tạo tốt, trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đó cũng chính là truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam từ bao đời nay: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. 
.

Huyền Thương