Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201411/bac-si-cua-dan-ngheo-564463/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201411/bac-si-cua-dan-ngheo-564463/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bác sĩ của dân nghèo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/11/2014, 09:09 [GMT+7]

Bác sĩ của dân nghèo

(Congannghean.vn)-Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”, hơn nửa cuộc đời, ông Phan Hữu Đức cống hiến hết mình cho ngành y, tận tâm cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân. Dẫu đã nghỉ hưu nhưng với tấm lòng của người thầy thuốc, ở đâu có người bệnh, dịch bệnh, ông vẫn xông xáo, nhiệt tình đến giúp đỡ, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và người cao tuổi. Người ta vẫn gọi ông là bác sĩ của dân nghèo.

Làm việc bằng cái tâm

Chúng tôi tìm đến xóm 5B, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên gặp ông Phan Hữu Đức, người chiến sĩ quân y đã qua tuổi 70 nhưng vẫn tràn đầy tâm huyết với nghề. Năm 17 tuổi, ông đi học y sĩ, sau đó nhận công tác tại Ty Lâm nghiệp Nghệ An, phụ trách mảng y tế. Với sức trẻ và niềm đam mê nghề nghiệp, ông luôn tận tụy, hăng say với công việc. Năm 1973, ông được chuyển về công tác ở Đội tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và bảo vệ trẻ em.

Lúc này, đất nước đối mặt với nhiều dịch bệnh, tuy nhiên, thuốc chữa bệnh lại rất khan hiếm do Mỹ cấm vận nên ngoài giờ làm việc, ông còn tranh thủ khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Năm 1975, ông được điều động về Buôn Mê Thuột xây dựng kinh tế ở Đoàn 754, thuộc Sư đoàn 333. Mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió lúc này đang phải “gồng mình” chống nhiều đại dịch, nhất là dịch sốt sét, tính mạng của đồng đội và đồng bào bị đe dọa nghiêm trọng.

234
Ông Phan Hữu Đức xứng đáng là tấm gương sáng  trong việc học tập và làm theo  tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Với sự linh hoạt và tài năng của mình, bác sĩ Đức đã góp công lớn trong việc phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt rét ác tính và dịch bệnh. Dịp đó, ông được lãnh đạo Quân khu khen ngợi. Trong cuộc họp tổng kết y tế quân đội Tây Nguyên, ông được cử là người báo cáo tình hình khám, chữa bệnh và truyền kinh nghiệm cho các đồng nghiệp.

Năm 1980, ông được chuyển về công tác tại Bệnh viện huyện Hưng Nguyên, giữ chức phó Trưởng phòng kế hoạch. Ông Đức chia sẻ: “Trở về quê hương, tôi mới thấm thía cuộc sống cơ cực của người dân nghèo, quanh năm phải chống chọi với bệnh tật, nghèo đói nên tôi muốn làm được nhiều việc giúp đỡ bà con”. Bởi thế, ông luôn nhiệt tình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là những người nghèo khổ, kém may mắn. Hễ ở đâu có dịch bệnh, người dân bị ốm đau, ông không quản ngại trời gió mưa, tận tình đến tận nơi khám, chữa bệnh miễn phí cho họ.

Thấm nhuần lời dạy của Bác

Từ khi trở về quê hương, ông có nhiều thời gian để gắn bó, gần gũi với bà con quê hương. Người dân xã Hưng Đạo đã quen với hình ảnh vị bác sĩ hiền từ nhân hậu, nặng lòng với công tác khám, chữa bệnh của địa phương. Ngoài cứu giúp người bệnh, ông cùng gia đình còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ nhân dân.

Thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Đức đã vận dụng sâu sắc tư tưởng của Người vào cuộc sống, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, gia đình ông vận động người dân quyên góp xây dựng hội trường xóm và đường bê tông với chi phí lên tới 300 triệu đồng.

Con trai của ông cũng đã ủng hộ và trao tặng 100 suất quà trị giá 150 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2014, ông tiếp tục vận động nhân dân về việc thực hiện “Dồn điền đổi thửa”. Tính đến nay, xóm 5B đã đạt được những thành tựu nổi bật, xứng đáng là lá cờ của xã, xóm có 30 hộ giàu, 50 hộ khá, và chỉ có 7 hộ nghèo.

Trong khi chúng ta đang ra sức thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì những người như ông Phan Hữu Đức là một tấm gương sáng để noi theo. Cuộc đời ông là những cống hiến không mệt mỏi trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân tỉnh nhà. Đến lúc về già, ông vẫn chưa cho phép bản thân được nghỉ ngơi, bởi đối với ông, cứu giúp dân nghèo vừa là trách nhiệm, vừa là lẽ sống của mình.

.

Huyền Trang