Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201410/tre-hu-hong-loi-thuoc-ve-ai-542939/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201410/tre-hu-hong-loi-thuoc-ve-ai-542939/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trẻ hư hỏng, lỗi thuộc về ai? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 09/10/2014, 08:21 [GMT+7]

Trẻ hư hỏng, lỗi thuộc về ai?

Hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống luôn được xã hội hết sức quan tâm. Trong số hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, đại đa số các em có đạo đức tốt. Số học sinh, sinh viên có đạo đức, lối sống không tốt tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng luôn là nỗi băn khoăn trong xã hội bởi những hậu quả và hệ lụy do nó gây ra không hề nhỏ.

Tình trạng vi phạm đạo đức, lệch lạc lối sống trong thanh thiếu niên và học sinh có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Không ít học sinh vướng vào các tệ nạn xã hội; bạo lực học đường cũng xảy ra ở nhiều nơi, ở mọi cấp học.

Bên cạnh đó, còn có một số học sinh không kính trọng thầy cô, xem thường bạn bè, mọi người xung quanh; không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; cư xử thiếu tính nhân đạo; nhiều học sinh mê games, bỏ học... Điều đáng lo lắng là ngay lứa tuổi tiểu học, một số học sinh đã nói tục, chửi bậy, vô lễ với người lớn… Những hành động đó khiến xã hội không khỏi giật mình về nhân cách và lối sống của thế hệ trẻ trong xã hội hiện nay.

123
Ảnh minh họa. (Họa sĩ Đỗ Anh Dũng)

Tại cuộc điều tra, khảo sát do Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tại 30 trường ĐH, CĐ trong cả nước đã đưa ra con số rất đáng suy nghĩ: 51,4% sinh viên cho rằng “sống thử trước hôn nhân là hiện tượng khá phổ biến” và được coi là “bình thường”.

Một nghiên cứu khác ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho thấy, hiện nay có một bộ phận không nhỏ sinh viên thể hiện lối sống xa hoa, lãng phí, đua đòi, tiêu xài những đồng tiền không lợp lý và vô cảm trước những khó khăn của người khác. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống, đạo đức của sinh viên hiện nay.

Vậy tại sao có thực trạng này? Các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục đã nêu ra rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân được đưa ra đó là vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ. Gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình phát triển, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của trẻ.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: "Gia đình là một tế bào của xã hội, là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân. Nếu trẻ em hư hỏng trước hết thuộc về lỗi của các bậc làm cha, làm mẹ. Bởi vì, từ khi mới sinh ra cho đến tuổi đi học, trẻ chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Khi đến tuổi đi học, trẻ vẫn có nhiều thời gian sống và sinh hoạt gần gũi với những người trong gia đình, nên ảnh hưởng của gia đình đến nhân cách của trẻ vẫn còn rất lớn.

Cha mẹ sống hòa thuận, dành nhiều thời gian chăm sóc, yêu thương và quan tâm đến việc nuôi dạy con cái thì trẻ sẽ có phẩm chất đạo đức tốt. Còn đối với những gia đình thiếu sự quan tâm giáo dục, bỏ rơi con cái thì phần lớn con cái họ khó trở thành những người có nhân cách tốt”.

Khi trẻ đi học, bên cạnh sự giáo dục đạo đức, lối sống ở gia đình, thì việc giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường cũng rất quan trọng. Phẩm chất, đạo đức, nhân cách của thầy cô giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ trong quá trình rèn luyện nhân cách cho trẻ.

Đã nhiều năm, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đã và đang bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Những yếu kém, bất cập này tồn tại và có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn, có nguyên nhân từ nhận thức của những người có trách nhiệm giáo dục trẻ về tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, cho đến nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống đang được thực hiện trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường quá chú trọng đến truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Giáo dục ở nước ta vẫn nặng về dạy “chữ”, nhẹ về dạy “người”. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường thường chú trọng tới nề nếp kỷ cương với nội quy, những bài học giáo huấn, ít chú ý đến hành vi ứng xử của học sinh với những người xung quanh, đặc biệt là cách ứng xử có văn hóa với thầy, với bạn...

Chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống; những tấm gương người tốt ít đưa vào trong các bài giảng để tạo được dấu ấn, gây được cảm xúc mạnh mẽ cho học sinh, sinh viên, để từ đó dần dần học sinh, sinh viên tự hình thành nhân cách tốt đẹp cho bản thân.

“Thay vì giáo dục bằng phương pháp nêu gương, cảm hóa, thì một số nơi lại sử dụng hình thức coi trọng xử lý kỷ luật, coi nhẹ giải pháp quan tâm giáo dục, động viên học sinh nhằm giải tỏa tâm lý căng thẳng, chia sẻ khó khăn với học sinh, sinh viên. Đây là cách giáo dục không khoa học, nó không ngăn chặn những hình vi xấu của học sinh, sinh viên, mà có khi lại đẩy học sinh, sinh viên dấn sâu vào khuyết điểm khác” – Ông Nguyễn Đắc Hưng cho biết.

Một nguyên nhân khác dẫn tới việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên kém hiệu quả là, tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong nhà trường chưa phát huy hết vai trò là “người bạn” của học sinh sinh viên, ít quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh; phong trào hoạt động nặng tính hình thức, hành chính.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên không phải chuyện một sớm, một chiều. Nó đòi hỏi phải có sự đồng lòng đồng sức của gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ không chỉ là vật chất, mà quan trọng là đời sống tinh thần của trẻ.

Muốn giáo dục trẻ tốt, thì trước hết cần nắm bắt kịp thời những tâm tư, tình cảm của con em mình để có những định hướng tư tưởng đúng đắn, giúp các em từng bước hoàn thiện về nhân cách, có lối sống lành mạnh, rèn luyện ý thức quan hệ xã hội tốt. Nhà trường phải thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng và sự phấn đấu của học sinh, sinh viên để hiểu nhiều hơn về học sinh và có phương pháp giáo dục hữu hiệu.

Giáo viên phải hết lòng thương yêu học sinh, phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, thì các em mới có được nhân cách tốt. Phải xây dựng một xã hội lành mạnh, cái tốt phải được tôn vinh, cái xấu phải bị phê phán; người lớn phải làm gương tốt hơn nữa, đó là phương pháp giáo dục tốt nhất cho lớp trẻ noi theo.

Có thể thấy rằng, thực hiện tốt nguyên lý “Nhà trường, gia đình và xã hội” cùng chung tay giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên sẽ mang lại hiệu quả tốt và đây cũng là chất "xúc tác" góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách cho trẻ.

.

Nguồn: dangcongsan.vn