Sáng 20/5, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức “Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng đại diện Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương; đại biểu các tỉnh, thành trong cả nước; đại diện hội thân nhân kiều bào, hội liên lạc; trưởng các cơ quan đại diện một số địa bàn có đông kiều bào; các cán bộ lãnh đạo lão thành trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: "Cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 4,5 triệu người hiện đang sinh sống và làm việc, học tập ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 40% so với cách đây 10 năm. Từ quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng NVNONN dù phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thách thức song vẫn tiếp tục vươn lên theo xu hướng ngày càng ổn định cuộc sống, hội nhập thành công vào xã hội sở tại và hướng về quê hương, đất nước”.
Chủ tịch nước nêu rõ, cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết về công tác đối với NVNONN |
Nghị quyết số 36/NQ-TW được ban hành công khai là biểu hiện tư duy đổi mới của Đảng về công tác đối với NVNONN. Các quan điểm cơ bản của Đảng trong Nghị quyết hết sức hợp lòng dân, được đồng bào trong nước và đa số kiều bào ta ở nước ngoài đồng tình, hưởng ứng, thực hiện. Nghị quyết đã góp phần củng cố niềm tin, khích lệ lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm của kiều bào trong các hoạt động xây dựng cộng đồng và hướng về đất nước. Song song với đó, đa số các bộ, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương cũng đã nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác đối với NVNONN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó xác định trách nhiệm và quan tâm hơn tới công tác này, thể hiện bằng những cơ chế chính sách và việc làm cụ thể, tác động thiết thực tới địa phương, cơ sở và tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nghị quyết đã được Quốc hội thể chế hóa bằng nhiều văn bản pháp luật liên quan, được Chính phủ và các bộ, ngành cụ thể hóa bằng việc xây dựng mới, rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp quy quan trọng liên quan đến NVNONN như: luật quốc tịch, đất đai, nhà ở, cư trú, xuất nhập cảnh, đầu tư,… theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho kiều bào. Nhìn chung, đến nay, chúng ta đã hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương, thể hiện tinh thần “người NVNONN là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu nêu rõ: “Công tác đối với NVNONN luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách phát triển của đất nước và cũng là một trụ cột trong hoạt động ngoại giao. Năm 2004, Nghị quyết số 36/NQ-TW được ban hành khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về NVNONN, đó là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nghị quyết cũng chỉ rõ công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân, đồng thời đưa ra những nội dung cơ bản trong lĩnh vực công tác này”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh các phương hướng, giải pháp cần bảo đảm đáp ứng những yêu cầu quan trọng đặt ra |
Đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 36 thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự chuyển biến của cộng đồng NVNONN theo hướng tích cực và ngày càng hướng về quê hương, đất nước để đóng góp xây dựng quê hương. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề nếu không được giải quyết sẽ kìm hãm sự phát triển của cộng đồng, cản trở sự gắn kết giữa cộng đồng với đất nước. Đó là đội ngũ trí thức kiều bào được đánh giá là thế mạnh của cộng đồng nhưng chưa thực sự có nhiều người có trình độ chuyên môn cao về đóng góp cho đất nước. Số vốn mà kiều bào đầu tư về nước vẫn còn thấp so với tiềm lực kinh tế hiện nay của cộng đồng. Nhu cầu thông tin về tình hình phát triển đất nước, nhu cầu gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc dạy và học tiếng Việt, vẫn đang là thách thức đối với các cộng đồng…”
Chính vì vậy, theo đồng chí Phạm Bình Minh, hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để tổng kết lại những thành tựu cũng như hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục nhằm củng cố phát huy cao độ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có hơn 4,5 triệu NVNONN, và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những phương hướng, giải pháp đưa ra cần bảo đảm đáp ứng những yêu cầu như: Thực sự thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, phát huy cao độ truyền thống đại đoàn kết toàn dân, đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp chủ động đến với kiều bào, chăm lo, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của bà con để bà con thấy ở Đảng và Nhà nước một chỗ dựa vững chắc cho quá trình hội nhập, ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là vấn đề duy trì tiếng Việt; Thực sự coi trọng nguồn lực cộng đồng, xóa bỏ mọi rào cản, sự phân biệt giữa kiều bào trong nước và nước ngoài trong xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho bà con về nước đầu tư, kinh doanh và định cư, tạo thuận lợi và khuyến khích kiều bào đóng góp cho đất nước trong phạm vi khả năng của mình bằng những hình thức phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, hoàn thiện chính sách đãi ngộ với kiều bào cốt cán, có công với nước, khen thưởng kịp thời những tấm gương kiều bào tiêu biểu; Chủ động có những biện pháp đột phá trong vận động kiều bào đồng thời kiên quyết đấu tranh, cô lập, tiến tới làm tan rã các lực lượng cực đoan, phản động, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại cần có những bước đột phá, phù hợp với tình hình, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị, cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá toàn diện kết quả, rà soát lại quá trình thực hiện để thấy rõ những gì đã làm được và chưa làm được, từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp hiệu quả về mọi mặt.
Chủ tịch nước khẳng định, cộng đồng NVNONN có tiềm năng to lớn và tiềm năng ấy đang ngày càng lớn mạnh; vì vậy, để phát huy tối đa những đóng góp của 4,5 triệu NVNONN cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta phải tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc và chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về việc xây dựng và hỗ trợ cộng đồng và huy động nguồn lực của cộng đồng NVNONN nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị của các cấp ủy Đảng, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, từ đó đề ra phương hướng, chủ trương và các biện pháp lớn về công tác đối với NVNONN giai đoạn tiếp theo, các giải pháp, cơ chế cụ thể để triển khai Nghị quyết.
.