(Congannghean.vn)-Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng người có công với cách mạng, Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2013. Để triển khai Quyết định này, ngày 10/10/2013, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 4597/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Dù các ban ngành đã tích cực triển khai nhưng sau hơn 4 tháng thực hiện, Đề án này đang gặp nhiều khó khăn, cần sự chung sức, chung lòng của nhiều cá nhân, tổ chức.
Kỳ 1: Đối tượng rộng cần nguồn vốn lớn
Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có nhiều đối tượng chính sách. Theo thống kê của UBND tỉnh, Nghệ An có 596 nghìn người tham gia quân đội, 43 nghìn thanh niên xung phong, 150 nghìn dân công hỏa tuyến, dân quân du kích tham gia trong các cuộc kháng chiến. Trong đó có trên 45 nghìn liệt sĩ, trên 40 nghìn thương binh (37.173 người đang hưởng trực tiếp trợ cấp), gần 12 nghìn bệnh binh, gần 900 bà mẹ VNAH (29 mẹ còn sống), 51 anh hùng LLVT (27 người còn sống), gần 17.000 người bị nhiễm chất độc hóa học. Trong thời gian qua, thông qua Quỹ đền ơn đáp nghĩa, các chương trình, chính sách hỗ trợ, Nghệ An đã hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho gần 12,5 nghìn người có công với cách mạng với tổng số tiền trên 123 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do số lượng đối tượng chính sách lớn, việc huy động các nguồn lực có giới hạn nên vẫn còn nhiều hộ gia đình phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát, hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhà ở đã xuống cấp nhưng không có khả năng tự sửa chữa hoặc làm mới khiến số hộ gia đình có công với cách mạng có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở tăng cao.
Nhiều gia đình chính sách nhà đã bị mục nát nhưng chưa được hỗ trợ để làm nhà mới |
Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng thuộc 12 nhóm đối tượng. Đối tượng hỗ trợ rộng, lại là một tỉnh có nhiều đối tượng người có công với cách mạng, Nghệ An thực sự đứng trước nhiều áp lực trong việc giải quyết hỗ trợ. Căn cứ theo các tiêu chí trên, kết quả rà soát của 21/21 huyện, thành, thị cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 13.572 hộ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở đề nghị hỗ trợ.
Trong đó, cần xây mới 6.350 căn; cải tạo, sửa chữa 7.222 căn. Với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/căn nhà làm mới, 20 triệu đồng/căn nhà sửa chữa, để hoàn thiện Đề án, Nghệ An cần một nguồn ngân sách khổng lồ lên đến trên 400 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí thực hiện Dự án). Trong đó, ngân sách Trung ương trên 378 tỷ đồng; ngân sách tỉnh bao gồm đối ứng và chi phí quản lý gần 22 tỷ đồng. Theo quyết tâm đề ra tại Quyết định số 4597/QĐ-UBND của UBND tỉnh, năm 2013 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ cho 1.018 hộ và năm 2014 hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng còn lại. Như vậy, có thể thấy, tỉnh ta cần một nguồn ngân sách rất lớn để hoàn thiện Đề án. Trong khi đó, đến thời điểm này, nhiều hộ gia đình cho rằng mình nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ đã vay ngân hàng xây và sửa chữa nhà cửa. Nhà đã xong, người đã vào ở nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ khiến không ít hộ dân phải gánh một khoản nợ lớn, hàng tháng phải trả lãi suất cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đô Lương cho biết, theo kết quả khảo sát, lập danh sách, năm 2013, Đô Lương có 567 hộ cần cải thiện về nhà ở. Trong số này, chỉ có 36 hộ xây mới, 13 hộ sửa chữa được phê duyệt hỗ trợ. Nhiều hộ gia đình chính sách khi nghe thông tin sẽ được hỗ trợ theo Quyết định 22, được lập danh sách, do nhà hư hỏng nặng đã chủ động vay tiền ngân hàng triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên, xây xong, sửa chữa xong vẫn chưa có tiền, nhiều hộ dân đã lên gặp cán bộ chính sách xã, Phòng LĐ-TB&XH để hỏi. Thậm chí, có hộ do không được nằm trong danh sách hỗ trợ còn viết đơn gửi đi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ. Điều này cũng gây ra không ít khó khăn cho việc triển khai hỗ trợ.
Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH một số huyện, đến thời điểm cuối tháng 2/2014, UBND tỉnh sẽ chuyển ngân sách hỗ trợ về cho các hộ gia đình được phê duyệt xây dựng, sửa chữa nhà năm 2013. Tuy nhiên, số lượng đối tượng được phê duyệt hỗ trợ theo nguồn ngân sách hiện có chỉ đáp ứng trên dưới 10% nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở năm 2013. Hơn nữa, nguồn ngân sách này cũng chỉ đủ cấp hỗ trợ 50% kinh phí theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng (20 triệu đồng đối với nhà xây mới, 10 triệu đồng đối với nhà sửa chữa lại). Khi nhận được nguồn kinh phí này, các địa phương sẽ phân bổ về cho các đối tượng gia đình người có công đã được phê duyệt xây mới và sửa chữa nhà năm 2013.
.