Gia đình xã hội
Cần quan tâm nhiều hơn tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số
08:01, 26/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Ngày 1/11/2013, dân số nước ta chạm mốc 90 triệu người. Dự báo, đến năm 2015, quy mô dân số sẽ không vượt quá 93 triệu người như Chiến lược dân số giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra. Với quy mô như hiện tại, nước ta đã bước vào thời kỳ có cơ cấu “dân số vàng”, tức là cứ 2 người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) mới có 1 hoặc ít hơn 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Các nhà khoa học đã dự báo: Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” ở nước ta sẽ kéo dài khoảng 30 - 35 năm. Đây có thể xem là thời cơ hiếm có để thúc đẩy đất nước phát triển về mọi mặt, khi chúng ta đang sở hữu một nguồn nhân lực lớn với hơn 62 triệu dân (chiếm 69% dân số) trong độ tuổi lao động. Với quy mô 90 triệu dân, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 14 trên thế giới, Việt Nam là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Mặc dù đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nhưng công tác dân số trong giai đoạn hiện nay cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và chất lượng dân số còn hạn chế có thể xem là những “mảng tối” trong bức tranh dân số nước ta thời điểm hiện tại. Mặc dù Pháp lệnh Dân số cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng tỷ lệ mất cân bằng giới tính vẫn tăng cao ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Tâm lý muốn sinh con trai của nhiều gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, miền biển là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Dự báo, với xu hướng mất cân bằng giới tính như hiện tại, đến năm 2035, Việt Nam có thể sẽ dư thừa 10% nam giới trưởng thành so với nữ giới. Tình trạng này nếu không được kiềm chế sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường, tác động tiêu cực tới cấu trúc dân số trong tương lai. Tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ góp phần gia tăng áp lực buộc phụ nữ phải kết hôn sớm hơn và nam giới khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời; gia tăng bất bình đẳng giới trong cơ hội tiếp cận việc làm; tệ nạn xã hội trở nên phức tạp, khó kiểm soát.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh tình trạng mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số còn ở mức thấp cũng là vấn đề cần được quan tâm. Chất lượng dân số gồm các vấn đề: Thể chất, trí tuệ và tinh thần của con người sống trong xã hội. Mặc dù đã có những bước tiến nhất định nhưng nhìn chung, việc thực hiện các yếu tố trên còn hạn chế. Về thể chất, tuổi thọ trung bình của người dân gia tăng đáng kể do đời sống được cải thiện về nhiều mặt, nhưng số người già đau yếu còn chiếm số lượng lớn. Cùng với đó, tình trạng trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền ngày càng cao. Dị tật bẩm sinh ở trẻ do không được phát hiện sớm nên việc chữa trị gặp nhiều khó khăn. Đời sống tinh thần và điều kiện để hưởng thụ văn hóa được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, điều kiện sống của một bộ phận không nhỏ người dân hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống mưu sinh cùng gánh nặng cơm áo hàng ngày khiến họ không có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Mặc dù có nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta còn thấp, trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế. Vì chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo yêu cầu, chủ yếu là lao động giản đơn nên giá trị thặng dư từ lao động mang lại không cao.
Chỉ số phát triển con người ở nước ta thời gian qua đã từng bước được cải thiện, nhưng còn ở mức thấp so với nhiều nước khác trong khu vực và còn kém xa so với các nước công nghiệp. Chất lượng dân số thấp đang là thách thức không nhỏ, cản trở sự phát triển của đất nước. Do đó, việc nâng cao chất lượng dân số cần là ưu tiên hàng đầu của chiến lược dân số trong giai đoạn hiện nay. Điều 21 Pháp lệnh Dân số đã ghi rõ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, bao gồm: Đảm bảo quyền cơ bản của con người, quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng về thể chất, trí tuệ, tinh thần; hỗ trợ nâng cao các chỉ số cơ bản về chiều cao, cân nặng, sức bền; tăng tuổi thọ bình quân; nâng cao trình độ học vấn và tăng thu nhập bình quân đầu người; tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ nhân dân hiểu, chủ động và tự nguyện thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số; đa dạng hóa các loại hình cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng, đặc biệt về giáo dục, y tế; thực hiện chính sách và biện pháp hỗ trợ đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để nâng cao chất lượng dân số.
Kinh nghiệm các nước phát triển trong giai đoạn có cơ cấu “dân số vàng” cho thấy, nếu không tận dụng được thời cơ mang lại, sự tụt hậu ngày càng xa sẽ là điều khó tránh khỏi. Và như vậy, việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải được quan tâm, chú trọng nhiều hơn trong thời gian tới nhằm tạo ra những bước chuyển mang tính đột phá về mọi mặt trong quá trình phát triển đất nước.
Minh Tuấn