Gia đình xã hội
Tránh làm sai lệch mục đích, ý nghĩa của một chính sách đúng đắn
15:04, 23/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đã thành thông lệ, vào dịp cuối năm, việc bình xét “danh hiệu” hộ nghèo lại “sôi nổi” diễn ra ở các địa phương. Có thể nhận thấy, chính sách ưu tiên dành cho hộ nghèo là hết sức cần thiết, mang tính nhân văn cao, với mục tiêu giúp những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đáng nói là, trong những năm gần đây, khi người nghèo ngày càng được quan tâm nhiều hơn với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, việc bình xét hộ nghèo đã bộc lộ không ít bất cập, làm sai lệch mục đích, ý nghĩa của chủ trương đúng đắn này.
Một thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua cho thấy, có không ít hộ gia đình đã tìm đủ mọi cách để có được tấm giấy chứng nhận hộ nghèo. Cũng bởi khi có được “danh hiệu” đó, họ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: Con cái đi học được miễn một số khoản đóng góp, được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế; được vay các nguồn vốn với lãi suất thấp; gặp lúc thiên tai, giáp hạt, được trợ cấp, cứu tế đầu tiên. Với suy nghĩ “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” nên ai cũng muốn có được một phần trong “chiếc bánh” ưu đãi dành cho hộ nghèo. Có những hộ gia đình sau khi đã được công nhận hộ nghèo đã có tư tưởng không muốn thoát nghèo để tiếp tục được thụ hưởng sự ưu đãi của Nhà nước.
Việc bình xét hộ nghèo hiện nay ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự đi vào thực chất - Ảnh minh họa |
Trong khi tâm lý “thích nghèo” vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của một bộ phận người dân thì việc bình xét hộ nghèo ở một số địa phương hiện còn chưa chặt chẽ, chính xác, thiếu khách quan, công bằng. Có nơi lập danh sách đề nghị cấp trên công nhận hộ nghèo của địa phương mình theo kiểu “cào bằng”; có nơi lại tổ chức bình xét theo hình thức “ưu tiên” hoặc “bốc thăm” mà không dựa vào các tiêu chí cụ thể… Chính những kiểu bình xét tùy tiện, thiếu khách quan nêu trên đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của một chính sách đúng đắn, đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi thiết thực của những người nghèo. Mặt khác, khi cán bộ địa phương tổ chức bình xét hộ nghèo không rõ ràng, minh bạch, thiếu công tâm có thể gây bất bình, hiềm khích, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Thiết nghĩ, để việc bình xét hộ nghèo được công bằng, chính xác, bên cạnh việc hoàn thiện, ban hành những tiêu chí cụ thể, xác thực, rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với quá trình bình xét. Theo đó, việc bình xét cần dựa trên các tiêu chí và sự thẩm tra cụ thể, tránh cách làm theo kiểu “cào bằng”. Để lựa chọn đúng đối tượng đưa vào danh sách, cán bộ địa phương cần về từng thôn xóm, khối phố trực tiếp gặp gỡ những hộ gia đình trong danh sách và cả hàng xóm của họ để thẩm tra, thu thập thông tin chính xác. Sau khi đã chốt danh sách đưa vào diện bình xét, cần công khai rõ ràng, tránh tình trạng người dân so bì, khiếu kiện. Trên cơ sở bình xét hộ nghèo một cách khách quan, chính xác, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới đến được đúng đối tượng cần thụ hưởng, thực sự giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh các chế độ, chính sách ưu đãi, chính quyền các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc phân công cán bộ giúp đỡ, có kế hoạch hỗ trợ các hộ nghèo về nguồn vốn, kỹ thuật, hướng dẫn họ làm ăn để thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, nhằm tạo động lực để các hộ nghèo vươn lên, thiết nghĩ, nên có thời hạn tối đa của “danh hiệu” hộ nghèo. Có thể đưa ra quy định cụ thể về thời gian được hưởng các ưu đãi, chính sách. Nếu quá thời gian đó mà các hộ vẫn còn nghèo do nguyên nhân chủ quan thì sẽ không được tiếp tục cấp giấy chứng nhận và phải hoàn trả lại số tiến tương ứng với những ưu đãi họ đã được hưởng.
Đây có thể xem là biện pháp khiến người nghèo có ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo, góp phần phá vỡ sức ỳ của tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Minh Tuấn