Gia đình xã hội
Ẩn họa cuộc chiến giữa voi rừng Tây Nguyên với người
15:07, 21/12/2013 (GMT+7)
Thời gian vừa qua, trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông xuất hiện 2 đàn voi rừng khoảng 30 con thường xuyên tiến sâu vào khu dân cư để tìm kiếm thức ăn. Tính đến thời điểm này, 2 đàn voi đã phá nát hàng chục héc ta cây trồng, 2 căn nhà và 7 chòi rẫy của người dân. Việc voi tiến vào khu dân cư đang có nguy cơ xảy ra xung đột cao giữa voi và người là khó tránh khỏi…
Ngày 20/12, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, sau nhiều ngày tổ chức lực lượng xua đuổi, hiện đàn voi rừng đã rút lui vào khu vực rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư Mlanh, huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, ngày 10/12, đàn voi rừng hơn 20 con đã tiến vào khu vực thôn 6, thị trấn Ea Súp để tìm kiếm thức ăn. Nhận được tin báo, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo lực lượng phối hợp với Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk tổ chức xua đuổi voi về lại rừng. Tuy nhiên, đàn voi rất lì lợm, lại chỉ xuất hiện vào ban đêm nên công tác xua đuổi không mấy hiệu quả. Bên cạnh đó, các dụng cụ tạo âm thanh, lửa đều không còn làm voi sợ hãi như trước nên phải mất rất nhiều thời gian, cơ quan chức năng mới tạm thời đuổi được voi về lại rừng. “Khu vực thôn 6 giáp với rừng và trồng nhiều loại cây voi ưa thích nên rất có thể trong vài ngày tới voi sẽ tiếp tục quay lại” - ông Luân cảnh báo.
Chỉ trong tháng 12 đã có 2 ngôi nhà, 7 chòi rẫy và hàng chục héc ta cây trồng của người dân bị voi rừng phá nát |
Trước đó, vào giữa tháng 9/2013, đàn voi này cũng về khu vực thôn 5, thị trấn Ea Súp phá nát nhiều diện tích cây trồng. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, tổng cộng trong hai đợt voi rừng đã phá nát hơn 20ha cây trồng của người dân ở hai thôn 5 và 6.
Trong khi người dân thị trấn Ea Súp đang lo lắng vì đàn voi rừng quá đông phá hại cây trồng thì người dân ở xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cũng đang mất ăn, mất ngủ để đuổi 2 mẹ con voi rừng. Theo người dân địa phương, 2 con voi này xuất hiện từ đầu tháng 3/2013 nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây, hầu như đêm nào cũng ra khu vực canh tác của người dân để tìm kiếm thức ăn. Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk Drông, hiện đã có 2 căn nhà, 7 chòi rẫy và hàng chục héc ta cây trồng của người dân bị voi phá nát. Chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng phối hợp với người dân xua đuổi nhưng không hiệu quả. Trước tình hình này, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo kiểm lâm địa phương phối hợp với Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk tiếp tục dùng các biện pháp thủ công xua đuổi, nếu không được sẽ thuê voi nhà xua đuổi.
So với đợt tháng 9/2013, trong lần xuất hiện này cơ quan chức năng đã phát hiện một cá thể voi con trong đàn voi hơn 20 con về phá hại cây trồng của người dân thị trấn Ea Súp. Theo ông Huỳnh Trung Luân, đàn voi này có cấu trúc quần thể cân đối, có đầy đủ voi đực, voi cái, voi trưởng thành và cả voi mới sinh. Con voi mới sinh nặng chưa đến 1 tạ lần đầu tiên xuất hiện cùng đàn về khu dân cư, là tín hiệu vui cho thấy công tác bảo tồn đàn voi hoang dã ở Đắk Lắk.
Tuy nhiên, ông Luân cũng lo lắng, hiện nay người dân vô cùng bức xúc vì bị voi phá hại mùa màng nên rất sợ người dân làm tổn hại đến đàn voi, ngược lại voi cũng “không vừa”, nên nếu voi gặp người đi rừng thì rất nguy hiểm. Thực tế, do quá bức xúc vì voi phá nát 2ha mía, ngô của gia đình, một người dân ở xã Đắk Drông đã làm 6 bàn chông để bẫy. Rất may, voi đã phát hiện và dùng vòi bới vứt những tấm chông này nên không bị thương. Trước tình hình này, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và không xâm hại đến đàn voi.
Còn PGS.TS Bảo Huy, Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Tây Nguyên cho rằng: “Liên tục trong thời gian gần đây, voi rừng đã nhiều lần về phá hại cây trồng, còn người dân dùng các biện pháp “mạnh” để xua đuổi cho thấy xung đột giữa voi và người đã dâng cao. Để giải quyết vấn đề này, theo tôi trước hết, tỉnh Đắk Lắk cần có những quy hoạch cụ thể khu vực sinh cảnh của voi để không tác động vào đó. Vì việc giao cho các công ty lâm nghiệp hàng chục nghìn héc ta rừng để trồng cao su đã phá nát “nhà” của voi buộc voi phải mở rộng khu vực để tìm kiếm thức ăn.
Bên cạnh đó, ngoài việc tuyên truyền chúng ta cần phải có những bồi thường hỗ trợ thỏa đáng cho người dân khi bị voi phá hại tài sản để người dân không còn xót của mà có những hành động xâm hại đến voi”.
Thiếu kinh phí bảo tồn voi:
Đề án bảo tồn voi Đắk Lắk đã được cơ quan chức năng phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng do thiếu kinh phí nên công tác bảo tồn vẫn chưa hiệu quả. Theo ông Huỳnh Trung Luân, hiện nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn voi năm 2014 chưa được bố trí. Bên cạnh đó, việc đào tạo cán bộ chuyên môn cũng chưa thực hiện được do thiếu vốn nên khó khăn cho công tác bảo tồn.
|
CAND