Gia đình xã hội

Ba chị em tranh nhau bỏ học để nuôi mẹ

13:53, 18/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đã từng đi nhiều nơi, phản ánh nhiều cảnh đời ngang trái, khó khăn, nhưng tình cảnh tranh nhau bỏ học để nuôi mẹ ốm, để chị, em mình tiếp tục học lên thì lần này tôi mới gặp. Người mẹ lê lết, nghẹn lòng, hai giọt nước vón thành cục đọng lại trong hố mắt sâu hoắm. Ba đứa trẻ thẫn thờ, khuôn mặt căng thẳng khi chúng buộc phải thống nhất một phương án đau lòng: Một trong ba đứa phải rời bỏ mái trường thân yêu.
 
Vượt khó
 
Chị Nguyễn Thị Minh mới 44 tuổi nhưng đã còm cõi như bà lão 70. Bẩm sinh, chị bị dị tật, mỗi bàn chân có đến 6 ngón, mắt lác, lưng gù, có lúc đang đi đứng bình thường bỗng bị kinh giản giật ngã lăn ra đất. Năm 1993, chị vào Đắc Lắc hái cà phê thuê. Tại đây, chị gặp một người đàn ông tên Xuân, họ thuê phòng trọ sống chung. Năm 1996, cháu Bích Ngọc ra đời, do người cha không biết họ mình nên chị lấy họ mẹ cho con. Năm 1998, chị sinh tiếp cháu Nguyễn Thị Hà. Năm 2000, chị mang thai đứa con thứ ba, cũng là lúc chồng qua đời. Chị mai táng chồng rồi dắt díu con về quê. Một người tốt bụng thương tình bán chịu cho chị mảnh đất 70m2  phía sau vườn. Cuối năm, chị sinh lần 3 được cháu Nguyễn Huy Trường.
Mấy mẹ con chị Minh  ở trong căn nhà xập xệ  không một tài sản đáng giá
Mấy mẹ con chị Minh ở trong căn nhà xập xệ không một tài sản đáng giá
 
Diễn Ngọc là vùng giáp biển, không đất nông nghiệp, không vốn, không nghề nên ai thuê gì chị làm nấy. Từ mờ sáng đến canh khuya, chị lăn lộn khắp nơi, làm đủ mọi nghề nuôi con ăn học. Hạnh phúc lớn nhất của chị là  3 đứa con đều học rất giỏi, luôn là tấm gương vượt khó của trường. Hết tiểu học, cả 3 lần lượt thi đậu vào Trường THCS Cao Xuân Huy, trường chọn của huyện Diễn Châu. Chị cả Ngọc tiếp tục thi đậu Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, liên tục là học sinh giỏi tỉnh 2 môn Văn, Lịch sử và hiện đang học lớp chọn 12C8.
 
Năm học 2013 - 2014, Hà thi đậu vào lớp chọn 10C9 cùng trường với chị cả. Cậu út cũng liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh môn Toán, Vật lý và hiện đang học lớp chọn 8C Trường THCS Cao Xuân Huy. Hai trường đều cách nhà 7 km, hàng ngày chị em phải nhịn bữa sáng, đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đến trường. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, mấy chị em xuống các khu đất màu của các xã xung quanh trường mót lạc, dưa, ngô, đậu và… ăn sống tại chỗ thay bữa trưa. Mỗi ngày, chúng gom được một ít lạc, mớ đậu tương hoặc vài bắp ngô non mang về để mẹ ra chợ bán thêm tiền mua gạo. Bữa ăn ấm cúng nhất là khi đêm xuống, dưới ánh đèn dầu tù mù, cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà thức ăn là những con cá, con tôm mẹ mót dưới cảng Lạch Vạn, con sống đem bán, chết ươn không ai mua mang về nấu ăn.
 
Khi mọi người chìm trong giấc ngủ thì 3 chị em mới bắt đầu học bài. Chị bày cho em, em tìm tòi nhiều cách giải. Mấy chị em miệt mài đến 3 giờ sáng mới lăn ra ngủ, 5 giờ vội trở dậy đèo nhau tới trường.
 
Bế tắc
 
Tuổi tuy chưa cao nhưng do dị tật lại ốm đau triền miên, điều kiện kham khổ, làm lụng cực nhọc nên sức chị Minh đã bị vắt kiệt. Những ngày gần đây, chị bị liệt cánh tay phải, thoái hoá đốt sống, thần kinh toạ, mắt hoa, gối đau, kinh giật liên tục. Do không có tiền đi bệnh viện, chị đành nằm bệt tại giường. Là lao động chính trong nhà, giờ chị Minh đau ốm nên nguồn sống, nguồn tiền học không còn, gia đình chị rơi vào bế tắc. Là chị cả trong nhà, em Ngọc quyết định sẽ bỏ học làm thuê để nuôi hai đứa em và kiếm tiền thuốc nuôi mẹ. Cô em Hà vội tranh: “Chị chỉ còn một học kỳ nữa thi đại học, chị tiếp tục học sẽ sớm giải thoát cho gia đình hơn. Hãy để em bỏ học”. Cậu út lại quyết liệt: “Em là con trai, em bỏ học làm được nhiều việc hơn. Hai chị hãy tiếp tục đến trường”.
 
Len qua một con hẻm ngoằn ngoèo, chật hẹp, vượt qua một con ngõ chỉ đủ dắt chiếc xe đạp, tôi tìm đến nhà chị Minh trong một ngày đông giá rét. Đập vào mắt tôi là một khung cảnh thê lương, tiêu điều. Nguồn nước ăn của cả nhà là cái giếng đào bằng đất chưa được ghép đá. Cái sân rộng khoảng 30m2 cũng bằng đất. Ngôi nhà hai gian thủng lỗ chỗ nhìn thấy sao trời, ngói mục nát rơi xuống đỏ nền nhà bằng đất. Toàn bộ tường loang lở được chống bằng cột bạch đàn. Tài sản lớn nhất trong nhà là hàng trăm Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận học sinh giỏi, chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ, chứng nhận đoàn viên ưu tú của 3 chị em. Phía trong, một chiếc giường đã gãy chân, kê bằng gạch táp lô, trên trải mấy tấm bì gai làm chiếu dành cho 4 mẹ con ngủ. Phía ngoài kê một chiếc bàn con nhỏ được hàng xóm thương tình cho để hai chị em ngồi học. Gian chái làm bếp chật hẹp vẫn phải kê tấm ván ép làm chỗ học cho cậu con trai. Trong hoàn cảnh này, trong điều kiện này mà các cháu vẫn học giỏi, vẫn ngoan hiền, hiếu thảo thì quả thật đây là những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên.
 
Trò chuyện với tôi, Ngọc nức nở: “Cháu muốn trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ và chữa miễn phí cho các gia đình nghèo như cháu. Em Trường quyết tâm thi vào trường quân đội để bảo vệ Tổ quốc, em Hà muốn làm giáo viên mầm nom. Cháu không muốn bỏ học nhưng mẹ ốm, em nhỏ, mình cháu biết làm sao đây? Bác ơi, cứu mẹ cháu với, cứu ước mơ của các cháu với…”.
 
Đó là lời kêu cứu chúng tôi xin gửi đến các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, các tấm lòng vàng trong, ngoài nước. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Minh, xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, điện thoại: 01673478412; hoặc Toà soạn Báo Công an Nghệ An, 43A - Hồ Tùng Mậu - TP Vinh.

Đình Lộc

Các tin khác