Gia đình xã hội
Ông Kỷ 'gàn'
14:59, 24/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bỏ ngoài tai những lời chê bai, khuyên nhủ, ông Đặng Ngọc Kỷ ở xóm 10, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn quyết định chọn vùng đất hoang ở nghĩa địa để nuôi khát vọng làm giàu.
Là người con trai duy nhất trong một gia đình có 5 chị em, lại sớm bị mất cha vì bom Mỹ, nên khi học xong cấp 3, ông Đặng Ngọc Kỷ (SN 1960) quay về phụ mẹ làm kinh tế. Sau nhiều năm đi làm thuê đủ nghề và có ít vốn, năm 2006, nhận thấy phía Bắc nghĩa địa HTX Lam Cầu còn nhiều đất bị bỏ hoang, ông đã bàn với vợ khai khẩn 2 mẫu đất hoang để trồng cây keo, mây tre đan xuất khẩu rồi đào ao thả cá và trông coi luôn nghĩa địa.
Ban đầu, nhiều người không đồng tình với quyết định của ông và bảo ông là gàn dở, “có vấn đề” nên mới lên nghĩa địa để sống cạnh những người chết. Không những thế, chị gái ông còn khuyên can: “Cậu mô có đói khổ, việc gì phải lên coi nghĩa địa, dễ sinh bệnh tật. Hãy ở nhà đi”. Hơn nữa, trước đó cũng có một số người khai hoang vùng đất này nhưng được một thời gian ngắn phải bỏ giữa chừng. Nhưng ông vẫn mặc kệ và quyết tâm thực hiện công việc của mình.
Ông Kỷ “gàn” và mô hình V.A.C bên nghĩa địa Lam Cầu |
Thời gian đầu khai hoang, ông cũng gặp rất nhiều khó khăn vì cây giống mới trồng chưa có bờ bao bảo vệ nên trâu bò liên tục vào phá hoại. Không những thế, hơn 2 sào cây giống mây tre đan xuất khẩu được HTX cấp, trồng được một thời gian thì phải nhổ bỏ vì không có đầu ra. Lứa vịt đầu hơn 500 con của ông sắp đến kỳ xuất bán thì bị bệnh, chết hàng loạt khiến ông trắng tay. Khắc phục những khó khăn đó, ông quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm cây, con giống. Rút kinh nghiệm “xương máu”, ông đã đến các mô hình V.A.C có tiếng của các xã lân cận để học hỏi kinh nghiệm và cách phòng trừ dịch bệnh cho gia cầm (nhất là vịt đàn). Nhận thấy nghĩa địa còn có vùng đất trũng, hay ngập nước vào mùa mưa nên ông đã khoanh vùng, thả cá giống.
Năm 2012, ông nhận thêm 1,3 mẫu ruộng ngập nước để cải tạo rồi nuôi cá trắm, rô phi. Hồ cá của ông giờ đã cho thu hoạch, ước tính thu về hàng chục triệu đồng. Không chỉ vậy, ông còn đầu tư, cải tạo đất hoang thành ruộng trồng lúa nước mỗi năm 2 vụ, thu hoạch 7 - 8 tấn/năm.
Không những làm giàu trên vùng đất “chết”, từ khi nhận trông coi nghĩa địa ông luôn cố gắng giữ bình yên cho người đã khuất. Ông tâm sự: “Thấy nhiều mồ mả cả năm trời không có ai hương khói, tôi cũng mua hương lên thắp dịp Tết, ngày rằm. Sống cùng cõi âm thì quan trọng là cái tâm chứ tiền công năm có 4 tạ thóc, có mấy đâu chú”. Và ông cho biết thêm: “Cách đây mấy năm có mấy nhà “ngoại cảm” đưa người lên đào bới mồ mả, tôi đã báo với chính quyền can thiệp và giờ tình trạng đó không còn”.
Hiện giờ, mỗi năm ông nuôi 3 lứa vịt đàn, trừ chi phí đầu tư, ông bỏ túi từ 30 - 40 triệu đồng. Vườn cây keo, bạch đàn ông trồng từ ngày lên khai hoang giờ cũng đã cho thu hoạch. Ông Kỷ “gàn” còn khoe có người trả 50 triệu đồng mà chưa muốn bán. “Làm kinh tế ở đây thì không nhanh giàu nhưng thoải mái tinh thần lắm. Giờ con cái có 4 đứa thì 2 đứa học đại học ra trường đã có việc, 2 đứa cũng hết lớp 12 và đi làm công nhân”, ông Kỷ vừa cho vịt ăn, vừa khề khà nói.
Trong thời gian tới, ông còn dự định trồng cây để phủ xanh nghĩa địa Lam Cầu.
Duy Ngợi