Gia đình xã hội

Bỗng dưng mất đất

07:57, 24/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Gần 30 năm, ông Tôn Tích Đào và gia đình đã sinh sống tại xóm 4, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thế nhưng, khi ông chuyển vào miền Nam làm ăn chưa lâu thì ở quê, toàn bộ diện tích đất vườn đã bị chính quyền địa phương làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người khác. 
 
Theo đơn trình bày của ông Tôn Tích Đào: Năm 1964, ông Tôn Gia Cương (bố của ông Đào - PV) cùng nhiều hộ dân khác ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) đem theo gia đình, vợ con lên xã Thanh Thủy khai khẩn đất đai, làm kinh tế theo chủ trương xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Tại khu vực Cồn Bông (nay là xóm 4, xã Thanh Thủy), ông Cương và các con đã khai khẩn, tạo lập được hơn 10.000 m2 đất ở và đất sản xuất. Tại mảnh đất này, năm 1972, ông Đào xây dựng gia đình với bà Phan Thị Hào (SN 1949) trú tại xã Thanh Lâm rồi sinh hạ được 4 người con. Đến năm 1977, UBND xã Thanh Thủy đã vận động gia đình ông Cương nhường lại 5.000 m2 để xây dựng trường học, được gia đình đồng ý.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hương và ông Nguyễn Thanh Bích, nguyên Chủ tịch Mặt trận và Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy vào năm 1977, xác nhận: “Chúng tôi là những cán bộ lão thành ở xã, đã kinh qua nhiều chức vụ tại đây, trước khi về nghỉ chúng tôi đều là Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy. Việc cha con ông Đào đến đây cư trú, khai khẩn đất đai là hoàn toàn có thật. Chính chúng tôi là những người đã vận động gia đình họ hiến đất xây dựng trường học”.
 
Ông Tôn Tích Đào chỉ cho P.V về phần đất của gia đình ở Cồn Bông
Ông Tôn Tích Đào chỉ cho P.V về phần đất của gia đình ở Cồn Bông
 
Năm 1983, ông Tôn Gia Cương qua đời, toàn bộ gia sản được anh em trong nhà giao lại cho vợ chồng ông Đào thừa kế. Tuy nhiên, do vùng đất Cồn Bông cằn cỗi, sản xuất không có hiệu quả nên ngày 15/10/1985, ông Đào viết giấy gửi vườn lại cho ông Nguyễn Văn Chắt và ông Trần Đức Sinh (là hai láng giềng - PV) trông coi, rồi đưa vợ con vào vùng Khe Tràm (nay gọi là vùng Nhà Lài), sau đó lại chuyển đến đồi Vò Vò khai khẩn, dựng nhà. Đến năm 1993, ông Đào bán lại nhà ở và nhà ràn (chuồng bò - PV) cho ông Trần Đình Phong với giá 700.000 đồng, đưa vợ con vào các tỉnh phía Nam làm ăn.
 
Mới đây, khi trao đổi với chúng tôi về việc mua lại nhà ở của ông Đào tại đồi Vò Vò, ông Trần Đình Phong cho hay: Năm 1993, khi tôi đang có ý định làm nhà riêng cho em trai là Trần Đình Dũng thì thấy ông Đào kêu bán nhà với giá 1,2 triệu đồng. Tôi trả giá 700.000 đồng, nếu nhiều hơn thì tôi cũng không có tiền. Ông Đào đồng ý bán nhà cho tôi. Tôi khẳng định là chỉ mua nhà chứ vườn thì tôi không mua, vì lúc đó đất không thiếu. Còn biên bản xác minh nguồn gốc thửa đất nói trên vào ngày 10/9/2013 của UBND xã Thanh Thủy nói rằng, ông Đào đã chuyển nhượng cho tôi toàn bộ nhà cửa, nương vườn ở đồi Vò Vò là hoàn toàn sai sự thật.
 
Thế nhưng, hiện nay cả hai mảnh vườn trên đã được UBND xã Thanh Thủy chuyển quyền sử dụng cho gia đình khác. Cụ thể, tại khu đất Cồn Bông, UBND xã Thanh Thủy di chuyển hộ gia đình ông Võ Đình Kỳ và bà Phạm Thị Hai từ thôn 5 vào định cư, đến năm 1995, hai hộ này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn khu đất tại đồi Vò Vò, năm 1995, anh Trần Đình Dũng cũng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP, mặc dù mảnh vườn này ông Đào chưa hề bán cho ai cả?!
 
Ông Tôn Tích Đào chua xót kể: Do hoàn cảnh nhà đông con, đất đai cằn cỗi nên tôi phải phiêu bạt vào miền Nam kiếm sống. Trước khi đi, UBND xã Thanh Thủy buộc gia đình tôi phải nộp đầy đủ các loại thuế, quỹ mới được đi. Và tôi đã phải bán nhà để có tiền nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế, quỹ. Họ biết đó là đất, vườn của tôi mà sao lại giao cho người khác?
 
Ông Đào (ngoài cùng bên phải)  và 2 cán bộ xã Thanh Thủy năm xưa
Ông Đào (ngoài cùng bên phải) và 2 cán bộ xã Thanh Thủy năm xưa
 
Được biết, sau khi gia đình ông Đào gửi đơn lên chính quyền các cấp thì ngày 10/9/2013, UBND xã Thanh Thủy thành lập Hội đồng tư vấn xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của ông Tôn Tích Đào tại xã Thanh Thủy, do ông Hà Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy làm Chủ tịch Hội đồng. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Phong, tại buổi làm việc hôm đó chỉ có ông Thái, ông Hùng (cán bộ địa chính ghi biên bản), ông Phong và ông Trần Đức Sinh (người được ông Đào gửi vườn tại Cồn Bông) trao đổi sự việc với nhau. Thế nhưng, chúng tôi nói một đường, biên bản cán bộ xã ghi một nẻo. Đó là hành vi không thể chấp nhận được. Chúng tôi đang yêu cầu UBND xã phải làm lại biên bản này. Đặc biệt, dù không tham gia trao đổi trong Hội đồng, nhưng tôi thấy nhiều người khác vẫn ký tên đầy đủ các ban bệ - Ông Phong cho biết thêm.
 
Qua tìm hiểu Báo cáo số 35/BC.UBND.TN ngày 16/9/2013 của UBND xã Thanh Thủy về Kết quả kiểm tra, xác minh nguồn gốc quá trình sử dụng đất của ông Tôn Tích Đào tại xã Thanh Thủy, gửi UBND huyện Thanh Chương. Bản báo cáo kết luận, việc ông Tôn Tích Đào khiếu nại đòi đền bù đất đai khai hoang từ năm 1964 là không có cơ sở. Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy cho rằng, nơi ở cuối cùng của ông Tôn Tích Đào là đồi Vò Vò và ông Đào đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích này cho ông Trần Đình Phong. Tuy nhiên, sự việc này ông Trần Đình Phong đã khẳng định là chỉ mua nhà chứ không hề mua vườn, vì khi đó đất đai không thiếu. Còn mảnh vườn của ông Đào tại Cồn Bông, gia đình ông Đào đã ở đó 21 năm liên tục (1964 - 1985), mà UBND xã Thanh Thủy vẫn cho rằng đất hoang?
 
Hiện tại, vợ chồng ông Đào trở về quê hương đã khá lâu, nhưng hai ông bà phải vạ vật khắp nơi, hôm ở tạm nhà này, mai xin ở nhờ nhà khác!

Thuận Thiên

Các tin khác