Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201206/20854-khi-voi-rung-noi-gian-396806/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201206/20854-khi-voi-rung-noi-gian-396806/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khi voi rừng nổi giận - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 12/06/2012, 11:02 [GMT+7]
20854

Khi voi rừng nổi giận

Nỗi kinh hoàng của người dân
 
Chúng tôi tìm về xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương nơi đàn voi mới xuất hiện. Người dân nơi đây trên mặt vẫn còn nguyên nét sợ hãi. Anh Nguyễn Duy Nhàn đội viên thuộc Tổng đội TNXP 2 đóng trên địa bàn xã Thanh Đức cho biết: "Vào khoảng 22 giờ ngày 5/6, tôi đang ngồi uống nước tại lán khu vực rừng thuộc đội 15-7, Tiểu khu 969 (thuộc Tổng đội TNXP 2) với anh Đậu Bá Thắng bỗng nhiên nghe tiếng ầm ầm. Chúng tôi thấy lạ nên bấm đèn chạy ra thì thấy trước mắt đàn voi chừng 5 - 7 con đang lồng lộn phá lúa và cây cối xung quanh. Chúng tôi sợ hãi chạy bán sống bán chết, may mà chúng không đuổi theo".
 
Ngay sau đó Tổng đội TNXP 2 cùng với chính quyền địa phương đã gõ xoong, đánh kẻng để xua đuổi đàn voi đi. Tuy nhiên, chúng đã phá hoại hơn 500m2 lúa sắp thu hoạch và để lại nỗi kinh hoàng cho người dân. Anh Thắng nói: "Chúng có thể còn quay trở lại. Nếu như không có biện pháp thì tính mạng của người dân khó đảm bảo. Bà con chúng tôi lo lắm”.
 
Khoảng 10 năm trở lại nay, voi là nỗi kinh hoàng cho người dân Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương sinh sống ở vùng đệm VQG Pù Mát. Theo Hạt kiểm lâm Anh Sơn cho biết thì tháng 6/2006, đàn voi gồm 5 con đã tấn công xóm Bãi Lim làm cho nhiều nhà dân cùng với hàng chục ha cây cối, hoa màu bị quần nát. Anh Nguyễn Hữu Tân nhà ở đầu làng không chạy kịp đã bị voi rừng quật gãy xương sườn và 2 chân phải cấp cứu ở bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
 
Đàn voi rừng Pù Mát
 
Trường hợp gần đây nhất là ngày 27/5/2011, anh Vi Văn Sinh công nhân Công ty lâm nghiệp Anh Sơn đang cùng 3 người khác ngủ trong lán trồng rừng thì voi rừng xuất hiện. Nghe tiếng động anh Sinh tưởng là trâu chạy ra xua đuổi thì bị voi rừng quay lại tấn công, quật chết, lán trại bị giày xéo tan tành.
 
Ông Phan Văn Hồng xóm Bãi Lim kể: "Cứ đến mùa măng, là voi lại về làm cho cả làng mất ăn mất ngủ... Đàn voi rừng rất lạ, chúng ghét tiếng nổ động cơ và đồ sắt thép. Cả làng có 3 cái máy xay xát, nhưng vẫn phải gánh lúa đi xát nơi khác chứ nghe nổ máy là như bị kích động, chúng lồng lộn ào trong rừng ra bất chấp ngày, đêm giày xéo ruộng lúa, tấn công trâu, bò. Xe máy của bà con thường đi đến dốc Phân Thủy là phải tắt máy".
 
Tại khu vực du lịch sinh thái thác Khe Kèm thuộc Vườn quốc gia Pù Mát voi rừng cũng thường xuyên xuất hiện. Anh Hoàng Hữu Sơn - Trạm trưởng trạm QLBVR Khe Kèm cho biết: “Khu vực thác Khe Kèm có nhiều vùng tre, nứa nên voi rừng thường xuyên ra kiếm ăn, Hệ thống cọc tiêu, biển hiệu trên đường vào thác Khe Kèm bị gãy đổ đều do voi quật. Người đi tham quan du lịch ở chân thác Khe Kèm đều phải gửi ô tô, xe máy có người trông coi, để rải rác ven đường rất sợ bị voi giẫm. Cách đây không lâu anh Vi Văn Xao ở Yên Khê vào thác chơi để xe máy ngoài bìa rừng đã bị voi giẫm nát".
 
Vì sao voi rừng nổi giận?
 
Nguyên nhân được nhiều người bàn luận là trước nay đàn voi bị săn đuổi và bị giết khá nhiều. Cách đây không lâu tại khu rừng giáp ranh giữa huyện Anh Sơn và Con Cuông người dân đã phát hiện xác một con voi đực bị phân huỷ, đôi ngà đã bị biến mất.
 
Loài voi được đánh giá là loài vật thông minh có khả năng nhớ dai và trả thù khi bị săn lùng ráo riết hoặc bị quấy rầy vùng sống của chúng. Vậy nên, cũng có nhiều người nói rằng, việc đàn voi liên tục tấn công người là do con người trước đây đã săn bắn đồng loại của chúng nên chúng quay lại trả thù.
 
Dấu chân voi rừng
 
Đó chỉ là suy đoán nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng khai thác tài nguyên rừng và săn bắn động vật hoang dã trái phép vẫn diễn ra, sinh cảnh sống của loài voi ngày càng bị thu hẹp, thiếu nguồn thức ăn, do đó voi thường xuyên di chuyển đến các vùng dân cư để tìm nguồn thức ăn và xung đột với con người. Thực tế voi phá hoại hoa màu, đe doạ tính mạng người dân với tính chất ngày càng nghiêm trọng.
 
Nhưng, sự phối hợp giữa chính quyền và các ban ngành liên quan để có biện pháp ngăn chặn xung đột giữa người và voi còn hạn chế. Để đối phó với voi rừng thì nhiều xã, bản đã thành lập đội dân quân, tự vệ kết hợp với bà con nhân dân vào mùa voi rừng hay về tổ chức canh gác, đốt lửa, khua chiêng gõ mõ.
 
Một người dân ở Bãi Lim - Phúc Sơn nói: Đuổi voi kiểu ấy cũng không an toàn, có khi mất mạng như chơi, ai chịu trách nhiệm cho. Bà con chúng tôi mong Nhà nước có biện pháp để cách ly đàn voi rừng với dân để bà con yên tâm sản xuất làm ăn".
 
Vườn quốc gia Pù Mát được đánh giá có số lượng voi lớn nhất Việt Nam. Có 3 đàn voi, số lượng 11 cá thể sinh sống ở vùng lõi khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Thế nhưng công việc bảo tồn đàn voi rừng này và biện pháp phòng tránh "chiến tranh" giữa loài voi và dân chúng hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: Chúng tôi đã lập dự án bảo tồn voi rừng Pù Mát. Nhưng dự án đến nay vẫn chưa được đầu tư kinh phí".

Tiến Dũng
.