Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201206/20832-kho-bau-song-ve-van-hoa-thai-396827/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201206/20832-kho-bau-song-ve-van-hoa-thai-396827/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kho báu sống về văn hóa Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 12/06/2012, 08:02 [GMT+7]
20832

Kho báu sống về văn hóa Thái

Cuộc sống hiện đại với sự xâm nhập cái mới mẻ đã làm cho người ta dần quên hẳn vật dụng sinh hoạt, dụng cụ âm nhạc của người dân tộc Thái nơi miền Tây xứ Nghệ. May thay có ông Vi Văn Phúc ở thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) đã 50 năm âm thầm sưu tầm hiện vật văn hóa vật thể của dân tộc mình...
 
Ông đến với những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc Thái bằng niềm đam mê. Nhờ vậy mà đến nay bảo tàng thu nhỏ hiện vật văn hóa vật thể của dân tộc Thái của ông có gần 1.000 vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Thái từ bao đời.
 
Cái tên Vi Văn Phúc không còn xa lạ, bởi trước đây ông đã có nhiều năm làm Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, rồi Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh. Một người đã kinh qua nhiều chức vụ như ông, đã được đi nhiều vùng miền, được tiếp cận với nhiều nền văn hóa cho nên “cái duyên” sưu tầm cổ vật của người Thái cũng bắt nguồn từ đó.
 
Hơn nữa ông sinh ra và lớn lên ở Môn Sơn - Vùng đất Mường Quạ giàu truyền thống văn hóa và tinh thần cách mạng, ngay từ nhỏ ông đã được ông cố nội vốn là Phó tổng phụ trách 2 xã Môn Sơn - Lục Dạ, rồi sau đó là cha mình giáo dục nhiều về truyền thống dân tộc. Có lẽ cũng chính bởi thế nên ngay từ nhỏ, ông Phúc đã có niềm đam mê đối với bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
 
Ông Vi Văn Phúc bên những kỷ vật đã sưu tầm
 
Tranh thủ sự ủng hộ của người trong gia đình, tận dụng sự quen biết của những người trong dòng tộc, đồng thời bày tỏ rõ quan điểm của mình cho mọi người biết, hiểu và chia sẻ. Công việc của ông thuận lợi hơn. Nhiều người có cổ vật hay những vật dụng sinh hoạt hàng ngày mà cha ông đã để lại cho, đến nay không dùng nữa hoặc hư hỏng ít nhiều đều cất đi chờ ông Phúc đến thì đưa, nhất quyết không bán.
 
Ông Phúc tâm sự: “Tôi sưu tầm những hiện vật cổ của người Thái chỉ với một mong muốn duy nhất là gìn giữ lại một phần văn hóa Thái trong lòng cộng đồng người Thái”. Bao nhiêu tiền làm ra, ông đều bỏ hết vào sưu tầm và mua lại những cổ vật dân gian Thái.
 
Khi đến nhà ông Phúc điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là mọi vật dụng trong ngôi nhà sàn của ông đều đơn giản và mang đậm bản sắc dân tộc Thái.
 
Trong nhà như một “bảo tàng sống thu nhỏ” về văn hóa Thái, hầu như có đầy đủ các loại, điều đặc biệt là các dụng cụ đều được ông phân loại từng nhóm như: nhóm thêu thùa; nhóm công cụ sản xuất; nhóm nhạc cụ; nhóm săn bắn, đánh bắt; nhóm chăn nuôi; nhóm dụng cụ sinh hoạt gia đình với các vật dụng như: ghế mây, nồi niêu, chum vại, chày, cối đâm bột, những chiếc gùi mây, cà beng dành cho phụ nữ về nhà chồng, giỏ đựng trầu cau, những bầu rượu lớn nhỏ, sừng trâu uống rượu cần; bộ dụng cụ chế biến lương thực gồm cối xay đá, nồi, niêu cơm, bát, đĩa, mâm, đũa, chum, bầu; bộ dụng cụ săn bắn hái lượm gồm bẫy, nỏ, súng chi mai; bộ trang sức gồm dây xà tích, vòng bạc, hoa tai...
 
Nếu nhìn toàn bộ số cổ vật này, mọi người phần nào hiểu hơn cuộc sống, về sự hình thành và phát triển của đồng bào Thái ở miền Tây xứ Nghệ... Hiện ông Phúc còn giữ nhiều nén bạc, có những nén có niên hiệu từ thời vua Gia Long, ông xem đó là những "kỷ vật" để ông và con cháu mỗi khi mở ra lại nhớ tới một thời huy hoàng của dòng họ mình.
 
Cũng vì đam mê sưu tầm nên ông Phúc nhận ra nhiều điều khác biệt trong sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái với dân tộc Kinh như dụng cụ của người Thái làm bằng những nguyên liệu đơn sơ lấy từ trên rừng, nhưng phần đa trước khi làm được ngâm tẩm kĩ càng, lại được phơi trên bếp nhiều năm nên dùng bền và chắc hơn.
 
Giờ đây, hàng ngày khách đến nhà có thể xem bộ sưu tập, nhưng dù muốn cũng không thể mua bất cứ thứ gì vì chủ nhà không bao giờ bán. Ông coi đó như là “tài sản vô giá” mà mình để lại cho con, cháu. Ông nói, đó cũng là cách để ông truyền lại niềm đam mê của mình cho đời sau.

Trường Khuyên
.