Trong một năm có 15 người chết vì AIDS, rất nhiều người phụ nữ bản Na Sành, xã Tiền Phong, huyện miền núi Quế Phong, sớm phải chịu cảnh góa bụa khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bão AIDS quét qua
Bản Na Sành, xã Tiền Phong có 117 hộ với 510 nhân khẩu, người dân nơi đây 100% là đồng bào dân tộc Thái. Cuộc sống bà con những năm trước đây chỉ là phát nương làm rẫy. Khi con đường cấp bốn mở vào trung tâm bản đã làm đảo lộn cuộc sống của những người dân nghèo nơi đây. Những người dân chất phác ngày nào giờ đang mang trong mình nỗi lo khi cơn bão AIDS hoành hành.
Na Sành cách trung tâm xã Tiền Phong hơn 20 km (là bản xa nhất của xã), giao thông đi lại rất khó khăn, là bản vùng sâu, vùng xa nên sự hiểu biết của người dân ở đây rất hạn chế. Ông Lương Văn Quốc, trưởng bản Na Sành cho biết: “Cách đây 5 - 6 năm bà con ai cũng chăm chỉ làm ăn, không ai biết đến ma túy là gì, đến cuối năm 2009 khi trong bản có 1 người chết vì “ết” làm bà con hoang mang lo lắng”.
Chúng tôi thấy toát mồ hôi khi ông Quốc đếm tên từng người chết vì “ết” hết hai bàn tay mà số người chết vẫn chưa dứt. Bão AIDS không buông tha cho những bản làng xa xôi, hẻo lánh như Na Sành và để lại những hậu quả rất nặng nề cho người dân nghèo nơi đây.
Từ đầu năm 2011 đến nay, cơn bão AIDS đã cướp đi 15 sinh mạng ở bản Na Sành, bỏ lại những người vợ, những đứa con thơ dại. Nhà ông Lương Văn Hà, có 2 người con trai chết cách nhau 1 năm vì căn bệnh thế kỷ. Con trai út của ông Hà là Lương Văn Việt (SN 1989). Việt không biết mình nhiễm HIV nên anh vẫn cưới vợ, đến năm 2011 khi vợ chuẩn bị sinh con, Việt bắt đầu ốm nặng không biết bệnh gì.
Rất nhiều phụ nữ ở Na Sành phải chịu cảnh góa phụ khi còn rất trẻ
Đứa con ra đời niềm vui chưa dứt thì 3 ngày sau Việt đã qua đời, chỉ kịp nhìn mặt đứa con trai còn đỏ hỏn. Một người con trai khác của ông Hà là Lương Văn Quế cũng bỏ lại người vợ và đứa con trai đang tuổi ăn học.
Nỗi đau không chỉ đến với gia đình ông Hà mà còn với rất nhiều gia đình khác khi nhìn những đứa con lần lượt ra đi khi tuổi đời mới mười chín đôi mươi, tất cả đều chết vì nhiễm HIV/AIDS. Câu chuyện của ông Quốc khiến chúng tôi thấy rùng mình, bởi sự khốc liệt của cơn bão AIDS quét qua bản nghèo xa nhất, của xã Tiền Phong, cũng như của tỉnh Nghệ An. Trong số những người chết vì “ết” hầu hết ở độ tuổi 20 - 30 và có người còn rất trẻ.
Ngoài ra, ở Na Sành còn 2 người nhiễm HIV đang trong tình trạng nguy kịch và còn rất nhiều con nghiện chưa được xét nghiệm. Nếu tình trạng này kéo dài, không biết ở cái bản nghèo nhất, nhì xã Tiền Phong còn bao nhiêu người sẽ phải lìa khỏi cõi đời trong sự thiếu hiểu biết. Cuộc sống người dân nghèo nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, con em ít được đến trường, cả bản rất ít người học hết cấp 3. Trình độ dân trí còn thấp cũng là nguyên nhân trực tiếp gây nên cơn bão “ết” ở nơi đây.
Góa phụ tuổi đôi mươi
Theo chân ông trưởng bản chúng tôi tìm đến nhà chị Lô Thị Minh (SN 1993). Minh ở nơi khác về làm dâu, căn nhà trống vắng, rách nát, trong nhà không có gì quý giá ngoài 2 chiếc giường. Chồng Minh là Lương Văn Việt, mất cách đây gần 1 năm, Minh phải ở vậy với bố mẹ chồng nuôi con còn thơ dại, chưa biết gì.
Minh kể lại: “Em không biết là chồng bị nhiễm HIV. Khi cưới anh ấy vẫn khỏe, sau khi em sinh con được 3 ngày thì anh mất, em không biết chồng chết vì bệnh gì, chỉ nghe mọi người nói là anh chết vì SIDA”. Khi được hỏi về tương lai của mình, Minh vừa cười vừa nói: “Em cũng chưa biết thế nào cứ ở vậy nuôi con cho lớn đã, rồi tính sau”. Nụ cười của Minh chan chứa rồi buồn hơn là niềm vui.
Họ đã gánh vác cả những công việc nặng nhọc của người chồng để lại
Rời nhà Minh chúng tôi tìm đến nhà chị Hà (SN 1988) Lương Văn Quế chồng của chị mất cách đây gần 2 năm. Hà tâm sự: “Năm em 16 tuổi chưa hiểu biết nhiều về tình yêu, bố mẹ bảo lấy chồng em đã theo lời bố mẹ. Trước khi lấy, em cũng biết anh nghiện nhưng sợ bố mẹ nên phải lấy”.
Hà sinh được hai người con trai, đứa lớn hiện đã đi học lớp 1. Hàng ngày chị phải thay chồng làm những công việc nặng nhọc của người đàn ông. Một mình nuôi 2 đứa con nên Hà gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Chị không biết gì về căn bệnh thế kỷ AIDS nên chị cũng không hề lo cho tương lai của mình có bị nhiễm HIV như chồng mình hay không.
Ông Quốc nói như đùa: Hiện nay mới có 2 người sau khi chồng chết đã tìm được chồng mới, còn hơn 10 người vợ đang trong cảnh góa bụa. Một số phụ nữ khác có chồng chết vì AIDS sau vài tháng mãn tang chồng lại thấy chung sống với người đàn ông khác.
“Bão AIDS” khiến cho những người có trách nhiệm không khỏi lo lắng, thế nhưng rất nhiều người phụ nữ sau khi chồng chết lại không đi xét nghiệm để biết mình bị nhiễm như chồng không. Ai cũng sống vô tư hồn nhiên, như chồng mình chết vì một căn bệnh hiểm nghèo nào đó chứ không phải căn bệnh AIDS thế kỷ. Dường như chẳng mấy ai bận tâm về căn bệnh chết người này.
Bao nhiêu chàng trai tuổi đôi mươi đã lìa cõi đời vì thiếu hiểu biết, sẽ còn bao nhiêu người phụ nữ sớm phải chịu cảnh góa bụa như chị Minh, chị Hà? Bao nhiêu đứa trẻ ngây thơ rơi vào cảnh mồ côi cha? Bao nhiêu người còn phải sống trong nỗi lo sợ khi bão AIDS còn tiếp tục hoành hành?
Lương Đậu
.