Tân Xuân là một trong 3 xã nghèo nhất huyện Tân Kỳ có đến 60% đồng bào dân tộc Thổ. Xã nằm vào cuối huyện giáp ranh hai huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, giao thông đi lại khó khăn, nguồn nước tưới nhìn vào sự may rủi của trời nên đời sống càng khốn khó.
Thiếu ăn, thiếu mặc mùa giáp hạt luôn là nỗi ám ảnh bà con ở nơi đây. Từ điều kiện đó đã sinh ra một lớp “đại gia làng” chuyên mua “lúa non, sắn non, lợn, gà non” nghĩa là cho các gia đình khó khăn được nhận tiền “bán” các sản phẩm kia trước với giá chỉ bằng một nửa giá thực, đến khi có thu hoạch thì họ lấy. Bởi vậy, người nghèo càng túng quẫn thêm.
Năm 2008, sau khi tiếp thu chủ trương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, BCH Hội phụ nữ xã triển khai phong trào “Ống tiền tiết kiệm”. Nhưng chị em mình nghèo quá, thu nhập hàng ngày không có, năm thì mười họa mới đi chợ một lần, nếu chỉ tiết kiệm bằng ống hiệu quả sẽ không cao.
Trăn trở mãi, chủ tịch hội Đặng Thị Loan quyết định lấy hũ gạo tiết kiệm làm chủ công. Với khẩu hiệu: “Nhà nhà có hũ gạo tiết kiệm, người người đặt ống tiền kiết kiệm, lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn”, BCH phân công nhau về họp với từng chi hội, bàn bạc kỹ với hội viên, lấy một số làm nòng cốt trước sau đó phát triển dần ra.
Chị Loan và các hội viên bên hũ gạo tiết kiệm
Tháng đầu tiên, gom cả xã chỉ được 30 kg gạo và 125.000 đồng. Số này được chia đôi giúp gia đình chị Trần Thị Diên có chồng bị tâm thần nuôi 3 con nhỏ và chị Trương Thị Dần đặc biệt khó khăn. Hai chị ôm gạo mừng rơi nước mắt. Số tiền dùng mua 3 cái áo thô phát cho 3 em nhỏ. Cứ thế, phong trào dần dần lan rộng khắp 7/7 chi hội trong toàn xã.
Có về tận nơi đây mới thấy hạt gạo quý đến ngần nào, có đến từng gia đình mới cảm nhận hết tấm lòng quý như vàng, như ngọc của những người “đặt hũ” khi khẩu phần ăn từng gia đình vốn đã không đủ no nhưng vẫn bớt một nắm tiết kiệm mong giúp các chị em khác cầm hơi lúc đói lòng.
Gia cảnh các hội viên đều nghèo nên cái hũ đựng gạo cũng nhỏ chỉ cỡ 3 kg nhưng chưa lúc nào đầy bởi dăm bữa, nửa tháng chị hội trưởng đã vội đến gom để giúp ngay một hội viên đứt bữa. Các chị được giúp ôm gạo vào lòng cảm động ngồi lặng, không nói nên lời, bởi họ biết những người giúp mình cũng không no đủ gì.
Mỗi lần hội trao gạo, trao quà, chị em dân tộc Thổ lại đến xem như không tin ở mắt mình. Họ là những người ít tiếp xúc với bên ngoài, từ trước đến nay không biết hội là gì, nay tận mắt chứng kiến tình thương của hội liền truyền tai nhau: “Cái phụ nữ hắn tốt lắm, ta đi theo hắn hoạt động thôi. Hắn cho ta cái ăn, cái mặc, lại bày cho ta làm ăn, không để chồng bạo lực”, rồi rủ nhau kẻ trước người sau vào hội.
Cứ thế, số hội viên tham gia sinh hoạt tăng vọt, hũ gạo tiết kiệm cũng tăng theo vì ai cũng thấy rằng, hạt gạo mình chắt chiu đã thật sự đem lại niềm vui cho các gia đình khốn khó hơn.
Để chấm dứt cảnh bán non sản phẩm, hội vận động tiết kiệm thóc bằng phong trào “Xây dựng kho thóc tình thương” với 10kg lúa/mỗi hội viên/mùa và liên hệ với xã xin cho các chi hội nhận ruộng khoán làm tập thể. Ngày làm ruộng chung, cả hội vui như Tết, người người nhiệt tình hưởng ứng. Số thóc thu được từ ruộng hội cho các chị em khó khăn vay, mùa trả lại.
Qua 4 năm, các chi hội đã có số quỹ lúa từ 500 kg đến 4 tấn, điển hình như chi hội Xuân Yên có đến 7 tấn, chấm dứt sự hoành hành bắt chẹt của các đại gia làng. Tiến xa hơn, hội bàn nhau vận động làm nhà tình thương. Ban Thường vụ chịu khó đến tận từng doanh nghiệp, ai có tiền xin tiền, xí nghiệp nào sản xuất vật liệu gì thì xin loại đó, cuối cùng là vận động công sức lao động sống của cả cộng đồng.
Chắt chiu như những con kiến tha mồi, hội xin từng tạ xi măng, từng xe đá, mét, gỗ trong 4 năm làm mới được 4 nhà tình thương và tu sửa 12 nhà. Hội còn mạnh dạn đứng ra “Tín chấp” vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội về cho những chị em biết làm ăn nhưng thiếu vốn.
Đến tận nơi hướng dẫn cho các hội viên siêng năng nhưng không biết vạch kế hoạch, không có kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, hướng dẫn họ tiếp xúc với khoa học kỹ thuật VAC. Cứ thế, số hội viên nghèo giảm dần. Tính đến quý 1/2012, từ chỗ 80% hội viên hộ nghèo chỉ còn lại 30%, một tốc độ giảm nghèo ít xã miền núi nào theo kịp.
Phong trào giúp nhau xóa nghèo, hũ gạo tiết kiệm mang lại một ý nghĩa thiết thực và lớn lao. Tân Xuân được chọn làm điểm để phát triển ra toàn huyện Tân Kỳ, rồi toàn tỉnh Nghệ An. Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên về tận xã, đến tận từng thôn bản, từng hội viên kiểm tra, bổ sung, nhân lên thành mô hình cho các nơi khó khăn trong cả nước học tập.
Vinh dự lớn đến với phong trào phụ nữ Tân Xuân: Chị Loan được đại diện phụ nữ Nghệ An dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II và sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Nguyễn Đình Lộc
.