Sống trong ô nhiễm
Công ty TNHH Hai Vina Kim Liên nằm trong cụm Công nghiệp Nam Giang, có diện tích 4,7ha được đầu tư xây dựng từ năm 2009 và đến tháng 9/2011 thì chính thức đi vào hoạt động với số lượng công nhân gần 2.500 người.
Phải thừa nhận rằng, khi cụm Công nghiệp Nam Giang được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2007 với chủ đầu tư là UBND huyện Nam Đàn thì người dân xã Nam Giang nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung rất kỳ vọng nó sẽ mang lại một diện mạo mới cho địa phương.
Trên thực tế, Công ty dệt may là đơn vị được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động huyện Nam Đàn cùng các huyện lân cận. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì hàng nghìn người dân ở xung quanh nhà máy đã phải hứng chịu cảnh môi trường bị ô nhiễm do nhà máy này gây ra.
Qua những gì PV quan sát thì phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Theo phản ánh, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này chỉ là bể phốt và bioga nên không thể chứa và xử lý được một lượng nước thải và chất thải rất lớn từ hàng nghìn công nhân thải ra.
Nước thải được lắng đọng tại 1 cái hố tự đào ở ruộng của người dân, khi đầy sẽ tràn ra mương và ra sông Đào
Tại khu vực phía sau nhà máy là 2 miệng lỗ lớn lộ thiên xả thải cùng với 1 ống nhựa lớn được gắn vào trong mương xả nước để xả thải ra rãnh cạnh bờ rào chảy ra khu vực ruộng lúa của người dân. Bên cạnh đó còn có nhiều rãnh, khe nhỏ hơn cũng chảy nước thải đen sì và bốc mùi hôi thối ra môi trường.
Vì vậy, hàng ngày lượng nước thải chảy ra môi trường, tràn ra ruộng lúa của người dân là vô cùng lớn khiến cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Kéo theo đó, mùi hôi thối luôn bao trùm toàn bộ các xóm 1 và 11 (khu vực gần nhà máy nhất) của xã Nam Giang khiến cho người dân ở đây vô cùng bức xúc.
"Từ khi nhà máy này đi vào hoạt động vào tháng 9 năm ngoái là người dân chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối do nước thải sinh hoạt thải ra. Xóm 1 cách nhà máy chừng 150m - 200m nên tình trạng ô nhiễm ở xóm chúng tôi là nặng nề nhất, riêng xóm 11 cách xa hơn 500m nhưng mùi hôi vẫn bay tới khiến cho bà con mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân" - Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân xóm 1, xã Nam Giang bức xúc.
Chưa hết, theo phản ánh của người dân thì mỗi tháng, Công ty chỉ ngừng xả thải vào 4 ngày chủ nhật, còn lại tất cả các ngày trong tuần nước thải tuồn thẳng ra ruộng lúa của người dân và theo mương dẫn nước vào ruộng chảy ra sông Đào.
Được biết, khu vực nước thải nhà máy chảy ra cũng là khu vực có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho hàng vạn hộ dân thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh. Vì vậy, nếu tình trạng này không được khắc phục thì vấn đề nước sinh hoạt bị ảnh hưởng sẽ chỉ là vấn đề thời gian và khi đó hậu quả là rất khôn lường.
Thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng?
Trong Quyết định số 3142/QĐ-UBND.ĐT ngày 11/8/2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật cụm Công nghiệp Nam Giang thì hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm Công nghiệp này sẽ được đầu tư đồng bộ và hiện đại với "công nghệ xử lý nước thải bằng Bể lắng ngang và Hồ sinh học tự nhiên 3 bậc... Sau khi xử lý, nước thải được xả ra sông Đào bằng đường ống nhựa u.PVCDN250 theo đường nội đồng, cách khu Công nghiệp 620m".
Ống xả thải chính
Tiến độ của dự án là 24 tháng, kể từ ngày khởi công, thế nhưng theo lãnh đạo UBND huyện Nam Đàn thì tình hình rất khó khăn vì với 80 tỷ đồng vốn đầu tư khu xử lý nước thải cho cụm Công nghiệp này nhưng cho đến nay huyện mới chỉ nhận được khoảng 10 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Hữu Vạn, Chủ tịch UBND xã Nam Giang cho biết: "Chúng tôi đã 2 lần làm việc với đơn vị này yêu cầu khắc phục tình hình nhưng xem ra không có kết quả, sau nhiều lần yêu cầu và tỏ ra cứng rắn, phía công ty có hợp đồng với một đơn vị dùng chế phẩm vi sinh để khử mùi nhưng xem ra tình hình chưa được cải thiện là mấy?”.
Còn ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn cho biết: Việc có mùi hôi là do hệ thống xử lý nước thải 3 ngăn của đơn vị này không có nắp đậy. Còn nước thải mà đơn vị này thải ra môi trường thì cần phải có mẫu kiểm tra mới biết ô nhiễm hay không, phòng cũng đã 3 lần kiểm tra nhưng chỉ mới dừng lại ở nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường tỉnh khẳng định: Đơn vị nói trên sau khi xây dựng xong đã không tiến hành báo cáo về các hạng mục công trình đã xây dựng để Chi Cục bảo vệ môi trường kiểm tra xem đã đạt yêu cầu về vấn đề môi trường hay chưa trước khi tham mưu cho UBND tỉnh cho phép đơn vị này đi vào hoạt động. Sắp tới, Phòng thẩm định môi trường của chi cục sẽ tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và nếu sai sẽ tiến hành xử phạt, yêu cầu tuân thủ luật bảo vệ môi trường.
Ngọc Thái
.