Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201202/18401-con-thieu-song-cha-de-khi-an-doan-nghia-tuyet-398881/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201202/18401-con-thieu-song-cha-de-khi-an-doan-nghia-tuyet-398881/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Con thiêu sống cha đẻ: Khi ân đoạn nghĩa tuyệt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 17/02/2012, 16:40 [GMT+7]
18401

Con thiêu sống cha đẻ: Khi ân đoạn nghĩa tuyệt

Nguyễn Văn Thọ
Ngày 30/1/2012, Cơ quan điều tra Công an TP HCM có quyết định khởi tố vụ án và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1986, về hành vi Giết người. Nạn nhân của Thọ chính là ông Nguyễn Huỳnh Đạo, sinh năm 1950, bố ruột của Thọ.

 

Thời điểm Thọ gây án là vào trưa 27 tháng Chạp vừa rồi, tức ngày 20/1/2012.

Thọ bị tạm giam tại Trại giam Chí Hòa, TP HCM.

1. Chiều, những ngày đầu tháng Giêng trời Nam Bộ hơi hanh và nhiều gió. Gió phơn phớt nhắc nhớ nỗi buồn suốt đoạn đường từ cơ quan tìm đến nhà của ông Nguyễn Huỳnh Đạo. Căn nhà nằm ở địa chỉ ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Căn nhà vách gỗ, ngói đã xỉn màu, chái trước lợp tôn đã rất cũ. Căn nhà không có cảm giác yên bình, nhìn u uất. Sát căn nhà ấy là ngôi nhà tường mới xây của người con trai lớn của ông Đạo, căn nhà nằm chung phần đất với nhà ông.

Thấy tôi, anh chạy từ trong nhà ra hỏi han. Có vẻ, không muốn tiếp. Anh bảo, anh trình bày từ trước rồi, anh không muốn nói hay bình luận về chuyện của Thọ. Mọi thứ cứ để Cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng. Sáng nay, anh có lên Chí Hòa thăm Thọ, nhưng cán bộ không đồng ý cho gặp, nên anh chỉ có thể gửi cho Thọ ít đồ ăn và vật dùng cần thiết.

Tình thật là tôi cũng ái ngại khi đề cập đến chuyện đã xảy ra, nhất là khi ngay từ ban đầu anh đã tỏ ra không thân thiện. Mãi rồi, anh cũng kể ít nhiều, những câu trả lời không đầu không cuối.

Thọ là cậu con trai út trong gia đình có 4 anh chị em. Thọ nghỉ học từ rất sớm, hết lớp 5 thì Thọ thôi học. Ngay từ thuở bé, Thọ đã không hợp tính với bố mình. Thọ nghỉ học, mâu thuẫn càng căng thẳng hơn. Anh không nói với tôi vì sao Thọ nghỉ học, anh chỉ bảo, Thọ nghỉ học ở nhà, cũng chẳng phá làng phá xóm gì, tính hiền khô.

Nghỉ học được ít lâu, anh dạy cho Thọ nghề sửa máy dệt. Có nghề trong tay, Thọ rời gia đình. Từ đó, giữa Thọ và bố hoàn toàn bặt tin nhau. Thọ đi là đi miết, đi như gió thoảng ngoài sân, không để lại dấu tích. Hình như, bố Thọ đã từ mặt Thọ từ dạo đó. Ông hoàn toàn không nhắc đến Thọ trong những buổi cơm, trong những ngày vui của gia đình.

Gọi Thọ là đứa con vô thừa nhận, nghe chua chát nhưng phần nào cũng đúng ngữ nghĩa. Tôi nhớ, anh trai của Thọ có nói với tôi, rất khẽ là "Ba tui đối xử với thằng Thọ cũng kỳ".

Là kỳ thôi, chứ không phải là tệ bạc hay gì gì khác. Có ai đủ sức để buông lời trách móc hơn thế về người đã tạo ra mình trong cõi đời này đâu. Ngoại trừ, những kẻ đang tâm đẩy bố mẹ ra đường trong tuổi già.

Đằng đẵng nhiều năm trời, anh em không có tin tức gì về Thọ. Họ không biết Thọ đang làm gì, ở đâu… Thi thoảng, có nghe loáng thoáng rằng Thọ làm công nhân. Nghe vậy thôi, chứ họ cũng không biết làm gì khác.

Cho đến tận bây giờ, họ không thể hiểu được vì sao Thọ lại bị bố họ từ chối một cách quyết liệt đến vậy. Ông sinh năm 1950, tuổi Dần. Thọ sinh năm 1986, cũng tuổi Dần. Theo tâm linh thì không lẽ hai con cọp lại không ở được cùng nhau(?!).

Căn nhà nơi xảy ra vụ án.

2. Chuyện ít người biết. Sau khi sinh Thọ được một thời gian, thì bố mẹ Thọ cũng thôi nhau. Theo lời của anh trai Thọ thì ông bà thôi nhau nhưng vẫn còn tình nghĩa. Bà lên thành phố, có gia đình riêng. Thi thoảng, bà vẫn về thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, hỏi han nhau vài câu rồi lại đi.

Vài thông tin khác trên nhiều tờ báo, nêu là ông có người phụ nữ khác. Người phụ nữ là hàng xóm, kiểu thấy ông trơ trọi nên phát sinh tình nghĩa. Tôi không hỏi anh trai Thọ về tình tiết này, nên không thể xác tín là đúng hay sai.

Cho đến giờ, vẫn không biết mẹ Thọ có can thiệp vào mâu thuẫn giữa Thọ và bố Thọ hay không. Nhưng nghĩ rằng, mâu thuẫn giữa hai bố con, thì sự can thiệp của người phụ nữ trong gia đình, nếu có, thường rất hạn chế.

Vài năm trước, ông lên một cơn tai biến. Sau đận ấy, sức khỏe ông suy sụp rất nhiều. Tiếc rằng, ngay khi ông bệnh tật lẫn tuổi già, thì ông vẫn không suy nghĩ lại chuyện với Thọ.

Thêm một lần tai biến nữa cách đây ít lâu, khiến việc sinh hoạt của ông trở nên cực kỳ khó khăn. Ngay cả chuyện vệ sinh hàng ngày, ông cũng cần phải có người giúp đỡ.

Gần nửa năm trước, bất thần Thọ quay về nhà sau nhiều năm bặt tăm. Thọ về, hình hài tiều tụy. Thọ bị tiểu đường cấp 2, thận đã suy nặng, lại thêm căn bệnh ho lao hành hạ. Thọ không thể đủ sức khỏe để nuôi sống mình.

Nhìn thấy Thọ bước vào nhà, phản ứng của bố Thọ thế nào, chắc không cần nhắc tới. Ông vẫn vậy, cương quyết xua đuổi Thọ ra khỏi căn nhà của ông.

Thọ thưa, "Con giờ cùng đường, về nhà xin ba ít tiền chữa bệnh. Ba không cứu con thì đâu còn ai cứu con nữa đâu". Ông trả lời Thọ bằng câu nói rất đau lòng, tôi không tiện để nêu ra đến bạn đọc. Bởi dẫu sao, người cũng đã nằm xuống. Chỉ biết, khi nghe anh trai Thọ thuật lại, tôi cảm thấy rất đắng lòng.

Bị từ chối trong căn nhà của chính mình. Căn nhà, như vẫn thường được nhắc đến, là nơi cuối cùng để người ta có thể quay về khi bế tắc, khi tuyệt vô hy vọng, khi đã không còn lối thoát. Nhưng, căn nhà ấy đã không chào đón Thọ.

Chắc Thọ cũng giận, nên Thọ phản ứng theo cách của riêng mình. Thọ xin đâu đó được cái võng dù, phía trước căn nhà của bố Thọ là hàng cây bạch đàn, gần ngôi chùa mới xây. Thọ mắc võng, làm nơi lưu trú ngay tại đó. Từ trong nhà, người thân Thọ có thể thấy Thọ nằm ất ơ trên cái võng ấy.

Anh Thọ nói rằng, nhiều năm bỏ nhà đi, Thọ tự làm tự sống. Thọ không làm phiền gì đến gia đình. Lần này Thọ về, là bởi Thọ không còn cách giải quyết nào khác. "Nếu như nó không bệnh tật, nó chịu làm thì với tay nghề sửa máy, chắc mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu nuôi thân. Nhưng nó bệnh tật vậy, sức khỏe đâu nữa mà làm. Tội nghiệp nó", lời của anh trai Thọ.

Thọ sống qua ngày bằng cách ngửa tay xin của bố thí từ những người hàng xóm. Có ngày đói, ngày no… Chính trong khoảnh khắc đó, Thọ đã nghĩ ra chuyện không ai có thể tha thứ được.

Vẫn biết, khi tủi phận mình, người ta sẽ có những cách giải quyết rất khó lường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hành động của Thọ đáng được thông cảm. Không ai lại đi thỏa mãn sự u uất của mình bằng cách trút nỗi uất hận đó xuống người khác. Nhất là khi, người đó lại là bố ruột của mình.

Ngày 27 tháng Chạp, người anh trai của Thọ đưa vợ con về thăm quê vợ. Hôm ấy, mẹ Thọ cũng có về nhà thăm bố Thọ. Trưa, bà tranh thủ đi chợ để sắm sửa một ít vật dụng đón Tết.

Nằm bên này đường, Thọ quan sát và ghi nhớ tất cả. Đợi khi mẹ Thọ vừa đi khỏi căn nhà ấy, Thọ bước xuống võng, băng qua đường để tiến vào nhà. Trên tay là cái can nhựa chứa đầy xăng…

Đã không có cơ hội sống cho bố của Thọ, khi ông cử động khó khăn lại bị Thọ tạt cả can xăng vào người và châm lửa đốt.

Tôi nhìn bức ảnh hiện trường, với cái ghế bố cháy trụi còn trơ khung sắt, đủ cảm nhận hết sự khốc liệt của ngọn lửa được thổi bùng bằng sự thù hận kéo dài. Cũng không đủ sức để nghĩ đến đoạn đối thoại  giữa Thọ và bố Thọ khi Thọ trút xăng vào người ông… Chuyện buồn, nghĩ càng nặng nề hơn.

Thọ khai với Cơ quan điều tra rất chi tiết về vụ sát hại cha ruột đáng quên ấy.

Từ khi bị bố từ chối cho tiền chữa bệnh, Thọ đã có ý định sát hại bố để thỏa mãn nỗi ấm ức chôn nén từ rất lâu. Nghĩ là làm, Thọ âm thầm tích trữ tiền bố thí của xóm giềng để mua xăng dự trữ. Sau khi mua được 4 lít xăng, Thọ chứa trong can nhựa, để dành ngay dưới cái võng của mình đợi cơ hội. Và trưa 27 tháng Chạp, chính là lúc Thọ quyết định ra tay.

Khu vực nhà Thọ không vắng vẻ, nên khi Thọ tưới xăng lên người bố và châm lửa đốt, nghe tiếng kêu cứu của ông hàng xóm nhanh chóng xuất hiện.

Thọ, thực hiện xong hành vi vô nhân tính ấy, bình thản bước ra ngoài sân, nói với xóm giềng rằng "Tôi đã đốt chết bố mình rồi". Tiếp đến, Thọ nhờ hàng xóm đưa đến Cơ quan Công an để đầu thú.

Tuy nhiên, lực lượng Công an đã có mặt tại hiện trường ngay khi nhận được tin báo. Thọ bị bắt lập tức.

Hiện trường vụ con đốt cha.

 3. Bị kịch đã bắt nguồn từ nơi mà không ai có thể nghĩ đến. Bi kịch xảy ra ngay chính trong căn nhà mà Thọ đã sinh ra và lớn lên. Tai họa với khởi thủy từ Thọ, đổ ập xuống người mà Thọ gọi là bố ruột.

Khi huyết thống không còn là yếu tố cứu cánh cho niềm hy vọng, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tiếc rằng, thời gian là thứ không thể quay lại để người ta có thể chỉnh sửa lại điều mình đã làm.

Trong trại giam, Thọ có hối hận không(?). Tôi nghĩ là có. Khi đối diện với sự cô đơn cùng cực xung quanh bốn bức tường, người ta thường có xu hướng nghĩ đến những ngày thơ dại. Cái ngày mà Thọ được vỗ về từ sự yêu thương của những người ruột thịt, từ nụ cười, cái ôm của chính người Thọ tưới xăng châm lửa để trút hận.

Nếu được làm lại, ông Đạo có tiếp nhận đứa con nhiều năm bặt tin quay về không(?). Tôi vẫn nghĩ là có. Sự bí ẩn về mâu thuẫn giữa ông và Thọ sẽ không bao giờ được công bố, bởi ngay cả lời khai của Thọ tại Cơ quan điều tra cũng không thể hiện điều đó. Nhưng chắc hẳn, sau một biến cố, người ta sẽ dễ trải lòng, dễ vị tha hơn. Huống gì, người đó đã gọi ông là bố ruột.

Đương nhiên, khi sử dụng từ nếu hoặc giả như, thì cũng là lúc mọi thứ đã quá muộn màng.

Cảm giác rằng, những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, ngày càng diễn ra nhiều hơn và có tính chất dã man, nghiêm trọng hơn. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một vụ việc sát hại liên quan đến huyết thống. Trước Thọ, đã từng xảy ra các vụ thảm án, con giết bố, cha giết con…

Những vụ án cứ như vết dao cứa vào lòng dư luận. Quá khó để có thể lý giải về tội ác trong mỗi cá nhân, chỉ biết rằng gia đình là nơi thắp lên ngọn lửa sưởi ấm người quay về. Nhưng, ngọn lửa ấy đã không đủ ấm áp để xóa tan đi những dư vị buồn đau.

Thọ, rồi sẽ đối mặt với một bản án nghiêm khắc cho hành vi không thể dung thứ của mình. Ông Đạo, đã không thể sống lại.

Chỉ còn những dư âm nặng nề trong một vụ việc khi mà ân nghĩa đã đoạn tuyệt, Thái Sơn đã bị san bằng…

Thế nhưng, biết trách ai đây(?!)

CAND
.