Chiều 24/1, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em. Ảnh Nhật Thy |
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD dẫn số liệu cho biết, Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tính đến năm 2018, có tới 68 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội, trong đó 63 triệu người sử dụng Facebook.
Cũng theo đại diện của MSD, công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2017, từng khẳng định, hơn một phần ba số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi 15-24. Đáng chú ý, cứ bốn trẻ thì có một trường hợp từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội và cứ ba trẻ thì lại có một trường hợp từng bị bắt nạt trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em. Ảnh Nhật Thy |
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, bảo vệ trẻ em và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thiết lập lá chắn vững chắc bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Báo chí năm 2016 và gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018 đều có các quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em dành hẳn một chương riêng (chương IV) quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới các tổ chức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được thành lập từ tháng 7/2018 để kết nối và huy động nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thông tin, tuyên truyền trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro và nguy cơ bị xâm hại khi tham gia vào môi trường mạng…
Tuy nhiên, các quy định pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ về nhận dạng, phân loại nội dung, trách nhiệm, quyền hạn; năng lực quản lý, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn rất hạn chế; hệ thống bảo vệ trẻ em chưa đủ điều kiện ngăn chặn kịp thời các yếu tố nguy cơ từ môi trường mạng
Chính vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, đã đến lúc gia đình và xã hội cần chung tay bảo vệ thông tin riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng. Cụ thể, khi đưa những thông tin như vậy lên mạng xã hội, cần có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người chăm sóc.
Cùng với đó, các nhà cung cấp mạng xã hội phải sớm bổ sung các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp hoặc thay đổi thông tin riêng tư. Đồng thời, công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em, tiến tới loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.
Trẻ em đưa ra các giải pháp an toàn trên mạng xã hội. Ảnh Nhật Thy
Về phía trẻ em, các em học sinh là thành viên Hội đồng trẻ em TP Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp để phòng tránh xâm hại trẻ em trên môi trường mạng như: Cha mẹ cần hướng dẫn con cái sử dụng mạng xã hội; cha mẹ quản lý, để ý con cái một cách hợp lý hơn; đưa ra những chế tài xử phạt thích đáng với những hành vi vi phạm quyền trẻ em; đưa ra một bộ luật riêng về sử dụng mạng xã hội; nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan, tổ chức…
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và đại biểu thanh thiếu niên còn tranh luận, trao đổi về nhiều vấn đề, như: Khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại nước ta; giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng thanh thiếu niên trên mạng xã hội; những vấn đề xung quanh dự thảo "Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam"...
Đồng thời trao đổi, thúc đẩy vai trò của các bên liên quan trong xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền riêng tư, quyền trẻ em nói tiêng và bảo vệ thanh thiếu niên khi sử ụng internet và tham gia mạng xã hội.
Nhật Thy
.