Thứ Bảy, 28/11/2020, 08:34 [GMT+7]
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An

Chủ động đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu

(Congannghean.vn)-Trong 5 năm qua (2015 - 2020), Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an Nghệ An đã phát hiện, điều tra, xử lý 375 vụ, 439 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, thu giữ hàng hóa hơn 50 tỉ đồng. Đơn vị đã tiến hành khởi tố, điều tra mới 63 vụ, 113 bị can. Trong đó, khởi tố 14 vụ án, 35 bị can về tội phạm tham nhũng, chức vụ; 16 vụ, 35 bị can về tội phạm kinh tế. 
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh khám xét, bắt giữ                    đối tượng tham nhũng trong lĩnh vực Nhà nước
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh khám xét, bắt giữ đối tượng tham nhũng trong lĩnh vực Nhà nước
Những năm gần đây, tình hình tội phạm vi phạm về tham nhũng kinh tế diễn biến phức tạp, xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, với tính chất, mức độ nghiêm trọng, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm và một số cơ quan hành chính sự nghiệp. Qua các vụ việc có thể thấy, trong những năm gần đây, các loại tội phạm đã, đang có xu hướng tăng mạnh ở các lĩnh vực như quản lý sử dụng đất đai, đầu tư công, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, tài chính ngân hàng, bảo hiểm y tế... Quy mô các vụ án tham nhũng bị phát hiện được dư luận rất quan tâm thể hiện ở số đối tượng liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, nhiều vụ án tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỉ đồng.
 
Từ năm 2015 - 2020, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phân cấp theo quy định trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm tham nhũng, Phòng CSKT Công an tỉnh đã điều tra, xử lý 375 vụ, 439 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, thu giữ hàng hóa hơn 50 tỉ đồng. Đã tiến hành khởi tố, điều tra mới 63 vụ, 113 bị can. Trong đó, khởi tố 14 vụ án, 35 bị can về tội phạm tham nhũng, chức vụ; 16 vụ, 35 bị can về tội phạm kinh tế. 
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, 5 năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh giảm song những diễn biến liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, Phòng CSKT đã khởi tố 14 vụ án, 35 bị can về tội phạm tham nhũng, chức vụ. Đặc biệt, thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật nổi lên ở một số lĩnh vực như: Ngân hàng, thuế (mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp), vận chuyển, mua bán hàng nhập lậu, hàng cấm (thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất), sản xuất, buôn bán hàng giả (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dầu nhờn, bột ngọt…), với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, CBCS Phòng CSKT đã khắc phục khó khăn, kịp thời phát hiện 293 vụ, 332 đối tượng.
 
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra các vụ án kinh tế, Thượng tá Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng CSKT Công an tỉnh chia sẻ: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung điều tra cơ bản, rà soát, lập án đấu tranh mạnh với các loại tội phạm vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, tội phạm tham nhũng, lạm dụng chức vụ. Tuy nhiên, quá trình điều tra các loại tội phạm cũng có một số khó khăn. Vì tội phạm lĩnh vực kinh tế, tham nhũng rất rộng, xảy ra trong nhiều chuyên ngành được điều chỉnh bởi nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, để xác định được hành vi phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi với các ngành có liên quan để xác định.
 
Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm về kinh tế, tham nhũng đa số là những người có trình độ học vấn, hiểu biết về pháp luật và các quy định của Nhà nước nên thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi. Do đó, ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nên dẫn đến việc thụ lý giải quyết mất nhiều thời gian…
 
Dù khó khăn là vậy, nhưng theo Thượng tá Phạm Anh Tuấn, trong thời gian tới, đơn vị sẽ kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, từ đó kịp thời phát hiện, chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh với các hành vi làm trái pháp luật về kinh tế theo từng lĩnh vực.
 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các cơ sở kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Trong đó, tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để quần chúng nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác và hỗ trợ các lực lượng chức năng xử lý. 
.

Cao Loan

.